“Đóng cửa” để cứu rừng Tây Nguyên: Bảo vệ và khai thác rừng bền vững

ThienNhien.Net – Các tỉnh vùng Tây Nguyên đã và đang triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng, phấn đấu đến năm 2020 có 2,71 triệu ha rừng, tăng trên 143.000 ha và nâng độ che phủ rừng lên 49,8%, tăng 4% so với hiện nay.

Theo hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến năm 2020, bên cạnh diện tích rừng đặc dụng sẽ được củng cố, giữ nguyên diện tích, thì rừng phòng hộ và rừng sản xuất sẽ là đối tượng ưu tiên chuyển dịch nhằm đảm bảo quỹ đất phát triển sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cũng như cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương.

 Cây bị “lâm tặc” chặt phá nằm ngổn ngang tại tiểu khu 474 xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) để chờ vận chuyển ra ngoài rừng (Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN)

Cây bị “lâm tặc” chặt phá nằm ngổn ngang tại tiểu khu 474 xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) để chờ vận chuyển ra ngoài rừng (Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN)

Chính sách giao đất, giao rừng từ trước đến nay nhấn mạnh đến hình thức quản lý Nhà nước nhưng hình thức này hoạt động lại chưa hiệu quả. Quản lý Nhà nước chú trọng vào công ty lâm nghiệp gây thiệt thòi cho người dân và cộng đồng. Hiện nay, xu hướng chuyển dịch trong cơ cấu đất lâm nghiệp ở quy mô lớn là hiện hữu, ngành lâm nghiệp đứng trước cơ hội đổi mới nhưng cũng đặt ra yêu cầu cần thay đổi hình thức quản lý, sửa đổi quy định hiện hành đảm bảo tính minh bạch để sử dụng hiệu quả và bền vững đất lâm nghiệp.

Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đã đề xuất thay đổi cơ cấu từ 3 loại rừng thành 2 loại rừng. Chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất… Ông Trần Hữu Nghị, Tổ chức Tropenbos International Việt Nam cho rằng cần rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng các công ty lâm nghiệp theo năng lực, đánh giá nhu cầu sử dụng đất của hộ dân, cộng đồng để chuyển một phần đất của công ty lâm nghiệp sang hộ, đáp ứng nhu cầu đất sản xuất của dân. Phần đất còn lại đấu thầu quyền sử dụng đất, tạo sự bình đẳng cho các bên tham gia. Đồng thời chia sẻ nguồn ngân sách dự kiến dành cho ban quản lý với cộng đồng, góp phần làm thay đổi quan niệm “rừng của nhà nước” sang “rừng của dân”, “rừng của cộng đồng”.

Về hình thức quản lý, cần chuyển dần từ lâm nghiệp Nhà nước sang lâm nghiệp hộ gia đình và cộng đồng, ưu tiên người dân, cộng đồng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng hiệu quả công tác sử dụng đất, bảo vệ rừng.

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum), cần đặc biệt chú ý tới quyền, lợi ích và trách nhiệm của các chủ rừng cũng như các tổ chức, cá nhân được giao, thuê, khoán quản lý, bảo vệ rừng. Cần thiết phải quy định quyền và lợi một cách tương xứng, rõ ràng để gắn trách nhiệm cụ thể cho chủ rừng, nếu để xảy ra mất rừng phải có chế tài xử lý nghiêm minh chủ rừng trước pháp luật. Thủ tục đầu tư cho trồng rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cần được đơn giản, không nhất thiết phải đấu thầu. Bên cạnh đó, cần bỏ quy định khá vô lý là “trồng rừng không có quy hoạch hoặc không có thiết kế là phạm pháp” để khuyến khích trồng rừng.

Ông Nguyễn Thành Chung nhấn mạnh đến cơ chế khuyến khích phục hồi rừng sau nương rẫy. Đây là giải pháp tích cực và hiệu quả nhất bởi một phần rất lớn diện tích rừng bị mất gần đây là do người dân xâm lấn để làm nương rẫy, nằm ngay cạnh các khu rừng tự nhiên. Việc phục hồi, tái sinh rừng ở những diện tích này là rất khả thi và chi phí rất rẻ. Theo tính toán, chỉ cần đầu tư 30 – 50 triệu đồng để phục hồi rừng sau nương rẫy thì sau 4 – 5 năm đã có 1 ha rừng tự nhiên, có thể đảm nhiệm chức năng phòng hộ.

Xác định đầu tư cho rừng trồng ngang bằng với phục hồi rừng sau nương rẫy thì giá trị về môi trường đối với rừng phục hồi lớn hơn rất nhiều so với rừng trồng. Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp sẽ thu hút được người dân và một diện tích đất rừng rất lớn để phục hồi. Nhiệm vụ quan trọng hiện tại là phải bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng còn lại ở Tây Nguyên, bởi vậy cần dừng tất cả các dự án chuyển đổi rừng và đất rừng sang các mục đích khác…

Các tỉnh Tây Nguyên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách về tài chính, chi phí, cơ chế hưởng lợi trong giao khoán quản lý bảo vệ rừng hợp lý, thực sự bảo đảm ổn định sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, doanh nghiệp, tạo động lực cho đồng bào gắn bó với rừng.

Nghiên cứu sửa đổi các quy định về quyền hạn, chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng, thống nhất mô hình lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Nâng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng theo Quyết định số 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 từ 15 triệu đồng/ha/năm tăng lên 35 – 50 triệu đồng/ha tùy với từng địa bàn từng đối tượng rừng. Phân công cụ thể trách nhiệm chi trả của từng cấp ngân sách trong việc bảo đảm nguồn kinh phí cho việc trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, có chính sách tín dụng đặc biệt ưu đãi cho việc phát triển rừng (thời gian vay dài, lãi suất thấp)…

Từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu trồng mới 58.350 ha rừng tập trung, bình quân mỗi năm trồng 11.600 ha, trồng 15.751 ha rừng thay thế diện tích đất lâm nghiệp có rừng chuyển sang mục đích khác. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng rừng sản xuất, chủ yếu nuôi dưỡng, làm giàu rừng tự nhiên nghèo 25.000 ha, nuôi dưỡng, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 2.500 ha. Các tỉnh Tây Nguyên cũng khoanh nuôi tái sinh 73.345 ha rừng, trồng 28 triệu cây phân tán…