Người dân tiếp tục hồi cư trong lòng hồ thủy điện bản Vẽ

ThienNhien.Net – Sau 10 năm thực hiện tái định cư để nhường đất cho dự án thủy điện bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), cuộc sống của người dân ở vùng tái định cư không ổn định khiến hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu bỏ về quê cũ sinh sống.

Cư trú bất hợp pháp nơi quê cũ 

Từ năm 2006, để phục vụ cho công trình thủy điện bản Vẽ, có gần 3.000 hộ dân thuộc các xã: Kim Đa, Kim Tiến, Luân Mai, Hữu Dương và Hữu Khuông của huyện Tương Dương (Nghệ An) đã phải di dời tới các khu tái định cư mới, trong đó chủ yếu tập trung ở hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tuy nhiên, đến nơi ở mới không lâu đã có hàng trăm người dân quay về nơi ở cũ để làm ăn sinh sống.

Người dân tái định cư ở Thanh Chương đang quay về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sinh sống
Người dân tái định cư ở Thanh Chương đang quay về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sinh sống

Theo thống kê, đến tháng 3-2016, có 171 hộ với 656 nhân khẩu đã hồi cư, tập trung sinh sống tại khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Trong đó tập trung ở các bản: Nhạn Pá (17 hộ với 51 nhân khẩu); Nhạn Ninh (14 hộ, 56 nhân khẩu); Xốp Lằm (17 hộ, 68 nhân khẩu); Khe Hộc (13 hộ, 30 nhân khẩu) và bản Hiện (15 hộ, 48 nhân khẩu). Ngoài ra, 52 hộ với 267 nhân khẩu ở bản Kim Hồng và một số hộ dân ở bản Chà, thuộc xã Kim Tiến (cũ) cũng đã dựng nhà kiên cố, nhiều hộ khác dựng lán trại để sinh sống tạm bợ.

Tại bản Chà Coong, xã Hữu Khuông, hiện có 43 hộ với 136 nhân khẩu không chịu di dời về khu tái định cư mới tại xã Hữu Dương cũ. Hồi cư, những người dân này chủ yếu đánh bắt cá trên khu vực lòng hồ và trồng hoa màu theo mùa vụ để sinh sống.

Người dân quay về sinh sống trong lòng hồ là bất hợp pháp.
Người dân quay về sinh sống trong lòng hồ là bất hợp pháp.

Theo Trung tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương, việc hàng trăm hộ dân không chịu di dời hoặc quay về nơi ở cũ sinh sống bất hợp pháp đã kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài việc ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, công tác bảo vệ môi trường rừng thì việc người dân không có hộ khẩu, không có tạm trú, liên quan đến công tác cấp phát CMND dẫn đến không được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh, trẻ em sinh ra không được khai sinh, không được đến trường… là những nguyên nhân dẫn đến mất ổn định về ANTT và an sinh xã hội trên địa bàn.

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần gặp gỡ, vận động bà con trở về nơi ở mới nhưng không mang lại hiệu quả. Thậm chí, người dân khi thấy cán bộ đến thì không tiếp xúc mà lẩn trốn vào rừng.

Loay hoay tìm giải pháp

Thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số hồi cư về địa phương sinh sống thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ cũng đã được nêu ra ở các kỳ họp HĐND các cấp và UBND tỉnh Nghệ An cũng đã làm việc với chính quyền các huyện Thanh Chương và Tương Dương cũng như các bên liên quan. Song, đến nay vẫn loay hoay trong việc tìm ra các giải pháp cụ thể, thiết thực.

Nguyên nhân dẫn đến người dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ bỏ về quê cũ sinh sống ngày càng nhiều, bên cạnh phong tục, tập quán quen với tự cung tự cấp, đánh bắt cá và săn bắt thú rừng nên không thích nghi được với nơi ở mới, cũng cần nhìn nhận thực tế khách quan rằng, do khu tái định cư mới không đảm bảo điều kiện sống cho nhân dân.

Đồng bào dân tộc thiểu số hồi cư trong lòng hồ mà chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra được giải pháp.
Đồng bào dân tộc thiểu số hồi cư trong lòng hồ mà chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra được giải pháp.

Trước hết, diện tích đất canh tác ở khi tái định cư không đảm bảo cho việc trồng trọt, nhiều hộ đến nay vẫn chưa được cấp đất làm ăn, hoặc đã được cấp nhưng vẫn chưa đủ. Nguyên nhân trước đó, công tác điều tra, quy hoạch chỉ quan tâm đến việc mỗi người dân được cấp bao nhiêu đất mà không tính đến việc đất có sản xuất được không, phù hợp với nuôi con gì, trồng cây gì.

Ngoài ra, mặc dù đã có các chính sách hỗ trợ nhưng theo bà con là chưa thỏa đáng. Ngay từ khi mới thực hiện cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Nghệ An, bà con về nơi ở mới nhưng vẫn còn khúc mắc mới Ban quản lý dự án Thủy điện Bản Vẽ khi yêu cầu chính đáng về việc phải đền bù toàn bộ diện tích đất cho bà con nhưng Ban quản lý chỉ đền bù riêng phần bị ngập nước. Hệ lụy là, nhiều hộ dân sau khi nhận tiền, tiếp tục di chuyển lên vùng đất không nhập nước để sinh sống. Dĩ nhiên, về lý thuyết, việc cư trú này là bất hợp pháp, dù trước đó đây là phần đất của mình.

Việc bào dân tộc thiểu số hồi cư sinh sống trong lòng hồ khiến nhiều trẻ em chưa được đăng ký khai sinh.
Việc bào dân tộc thiểu số hồi cư sinh sống trong lòng hồ khiến nhiều trẻ em chưa được đăng ký khai sinh.

Trước thực trạng trên, Công an huyện Tương Dương đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân di dời về nơi ở mới. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với công an cấp xã, kiểm tra, rà soát thực tế và xử lý các trường hợp cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xử lý được bất cứ trường hợp nào vì chưa có hướng dẫn và chế tài cụ thể.

Theo Trung tá Trần Phúc Tú, trước mắt đối với các hộ dân chưa chịu di dời thì đề xuất chính quyền cho phép tái định cư tại chỗ. Những hộ dân đã bán nhà ở huyện Thanh Chương quay về sinh sống trong lòng hồ thì cho phép tái định cư theo nguyện vọng trên địa bàn huyện Tương Dương. Bên cạnh đó, các ban ngành như y tế, lao động – thương binh – xã hội, bảo hiểm và ngành nông nghiệp cũng cần chung tay, có trách nhiệm nhằm đảm bảo chế độ cho trẻ em được sinh ra cũng như đối với người cao tuổi, để họ được hưởng các quyền lợi theo quy định.