Việt Nam nên “chừa chỗ cho những con sông”

ThienNhien.Net – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về kinh nghiệm trị thủy, ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về Nước và Khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết Hà Lan có chương trình “Room for the rivers” (Chừa chỗ cho những con sông) nhằm giảm sự tàn phá do nước biển xâm nhập.

Bài 1: Israel và kinh nghiệm biến sa mạc thành cánh đồng màu mỡ
Bài 2: Kinh nghiệm chống hạn: Phần Lan ‘không dựa vào thiên nhiên’

Ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về Nước và Khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam.
Ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về Nước và Khí hậu của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam.

Hà Lan là nước có 60% diện tích nằm dưới mực nước biển. Để tồn tại trên mảnh đất khắc nghiệt ấy, người Hà Lan đã phải phát triển một khuôn mẫu cực kỳ tinh vi về quản lý nguồn nước. Tại Hà Lan, quản lý nước không chỉ là tìm kiếm các giải pháp khoa học mà còn là cân bằng kinh phí, xây dựng cách thức quản lý hệ thống nước sao cho hiệu quả.

Người Hà Lan từ lâu nổi tiếng với câu nói: “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”. Câu nói đó đã nói lên niềm tự hào về những công trình chinh phục thiên nhiên của người dân nơi đây mà điển hình là hệ thống đê biển được xem như những kỳ quan của loài người. Đây cũng là quốc gia tập trung những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thế giới về thủy lợi và đối phó với biến đổi khí hậu.

Do địa hình thấp, 2/3 diện tích nằm dưới mực nước biển, lại có sông ngòi khắp nơi, Hà Lan là nước có nguy cơ chịu các tác động về nước, giống Việt Nam. Dựa vào kinh nghiệm trị thủy của Hà Lan, theo ông Việt Nam nên làm gì để giải quyết vấn đề về xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long?

Ông Tom Kompier: Thực ra, chỉ có 26% diện tích Hà Lan nằm dưới mực nước biển, nhưng có 60% diện tích dễ bị ngập lụt bởi nước biển hoặc sông ngòi. Tuy nhiên, tình hình ở đồng bằng sông Cửu Long thì khác. Ở đây, lũ lụt còn mang lại những lợi ích nhất định, như tạo ra lớp phù sa và phân bón tự nhiên… Vậy nên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích và những tác động xấu mà lũ lụt gây ra.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xây dựng ngày càng nhiều những con đê tại đồng bằng sông Cửu Long để bảo vệ 3 vụ lúa mỗi năm, cuộc sống ở khu vực này từ chỗ “sống chung với lũ” thành “chống lũ” trong nhiều lĩnh vực. Điều này đi ngược lại với quy tắc thủy văn tự nhiên. Theo ý tôi, đồng bằng sông Cửu Long nên áp dụng chương trình “Chừa chỗ cho những dòng sông” của Hà Lan.

Theo dự đoán của các nhà khoa học Hà Lan thì rất có thể trong thế kỷ này, nước biển sẽ dâng cao khoảng 1m do tình trạng ấm lên của Trái đất. Nếu điều đó xảy ra, nước biển sẽ nhấn chìm các con đê cổ. Để đối phó với tình trạng này, người Hà Lan đã và đang tìm các giải pháp chế ngự bằng cách làm giảm sức mạnh của dòng nước. Thay vì phải nâng cao hệ thống đê, đập, người Hà Lan tập trung chuyển sang cải tạo đất để tạo những khoảng trống cho nước dâng tự nhiên, hay tạo ra những khu vực làm giảm lực của sóng biển. Ngoài ra, đối với một vùng ven biển, không nhất thiết phải chống lụt bằng những con đê được xây cao ngay ở rìa của vùng đất đó. Ở Hà Lan thì điều này là cần thiết bởi biển lấn sâu và các thành phố lớn đều ở gần biển, nếu không xây những con đê cao ở rìa thì sẽ bị lụt. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long thì nên xây đê sâu vào đất liền, gần những vùng có nước ngọt.

Sau nhiều năm xây đập chống lũ, Hà Lan hiện có hệ thống đê biển kỳ vĩ nhất thế giới. Bài học rút ra từ quá trình đó là gì, thưa ông?

Ông Tom Kompier: Sau thảm họa lũ lụt xảy ra năm 1953, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng hệ thống đê biển. Điều này giúp rút ngắn đường bờ biển và giảm nguy cơ lũ lụt.

Một số con đập thực sự là kỳ quan và xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ. Nhưng nếu các bạn hỏi liệu chúng tôi sẽ tiếp tục xây thêm đập thì câu trả lời là không.

Có  2 lý do. Thứ nhất là do khí hậu luôn thay đổi. Việc khí hậu biến đổi khiến chúng ta cũng phải thay đổi cách thức xây đập, mà những con đập đã được xây dựng kiên cố sẽ rất khó để thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên.

Lý do thứ 2 là khi chúng ta xây đập để can thiệp vào tự nhiên thì sẽ để lại những hậu quả lớn khó lường trước. Ví dụ, ở Hà Lan, hiện đang xảy ra hiện tượng xói mòn lớn tại các cửa thông ra biển. Ngoài ra, việc xây đập cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Hà Lan và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ trong việc quản lý nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xin ông nói rõ hơn về sự hợp tác này?

Ông Tom Kompier: Hà Lan và Việt Nam là những đối tác thân thiết về vấn đề quản lý nước và ứng phó với biển đối khí hậu. Hai nước đang hợp tác làm việc tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi làm việc với các cơ quan trung ương và địa phương cũng như các đối tác quốc tế về biện pháp lâu dài đối phó với biển đối khí hậu. Đây là một chủ đề rất quan trọng bởi đồng bằng sông Cửu Long đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu.

Hà Lan đã tích cực hỗ trợ các bộ, ngành của Việt Nam soạn thảo các kế hoạch và cùng phối hợp để thực hiện. Việc hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long vững vàng hơn trước biến đổi khí hậu đòi hỏi một nỗ lực lớn, kiên trì và lâu dài.

Thành phố Rotterdam của Hà Lan đã hỗ trợ triển khai chương trình “TPHCM phát triển về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu”. Chương trình đã giúp TPHCM định hướng phát triển đô thị và cảng hướng về phía biển trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời giúp TP nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của các sở, ngành tham gia chương trình.

Biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng ta phải liên tục có những chuyển đổi cần thiết trong nông nghiệp cũng như trong sử dụng đất; đòi hỏi chúng ta liên tục đổi mới để thích ứng với những điều kiện mới. Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia kiểu mẫu trong ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt được một tương lai bền vững.