Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống

ThienNhien.Net – Tại cuộc họp về dịch bệnh zika diễn ra ngày 16-2, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống….

Vấn đề được mọi người quan tâm nhất hiện nay là mối nghi ngờ hóa chất Pyriproxyfen gây ra chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh chứ không phải do vi-rút Zika vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và chưa có kết luận chính thức. Tại cuộc họp về dịch bệnh zika diễn ra ngày 16-2, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống.

Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới và đại diện văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh mới nổi (EOC), hóa chất Pyriproxyfen là hóa chất vẫn được Tổ chức Y tế thế giới cho phép sử dụng để giệt ấu trùng muỗi trong nước. Tuy nhiên, gần đây, một nhóm bác sĩ trên thế giới đã đưa ra thông tin, hóa chất Pyriproxyfen diệt ấu trùng muỗi có khả năng gây teo não ở trẻ. Hóa chất này đã được sử dụng trong chương trình diệt muỗi quy mô lớn để bơm vào nguồn nước sinh hoạt tại Brazil nhằm ngăn chặn sự sinh sôi của ấu trùng muỗi trong các bồn chứa nước. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới kết luận, chưa có cơ sở để kết luận hóa chất Pyriproxyfen gây nên chứng teo não ở trẻ.

Bản đồ cho thấy các nước đang bị zika tấn công.
Bản đồ cho thấy các nước đang bị zika tấn công.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Việt Nam không sử dụng dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống; chương trình phòng chống sốt xuất huyết không sử dụng hóa chất này để diệt ấu trùng muỗi.

Hóa chất Pyriproxyfen mới chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2013. Tính tới thời điểm hiện tại mới nhập được tổng số 9.500kg và tiêu thụ 2000kg. Số hóa chất này chỉ được dùng để diệt ấu trùng muỗi trong các loại nước thải.

Hiện nay, Việt Nam đã triển khai tốt các hoạt động giám sát, chẩn đoán và điều trị cũng như kế hoạch ứng phó trong trường hợp vi-rút Zika xâm nhập Việt Nam. Về mặt giám sát, Bộ Y tế đã thực hiện giám sát tại cửa khẩu, giám sát tại cộng đồng. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã lấy mẫu tại 8 điểm giám sát trọng điểm ở khu vực phía Nam và dự định xét nghiệm 1200 mẫu nhằm phát hiện liệu có vi-rút trong cộng đồng hay không.

Đại diện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ quan ngại về việc khó phát hiện bệnh do vi-rút Zika do các biểu hiện lâm sàng không rõ ràng. Tuy nhiên, ông đánh giá rất cao khả năng giám sát và phát hiện bệnh dịch ở Việt Nam, tiêu biểu ở một số đơn vị như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam những vấn đề cần thiết để phát hiện, giám sát và điều trị bệnh.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh, các bệnh viện nhi tại Việt Nam nên có những phương án phòng bệnh do vi-rút Zika lây truyền ở thai phụ, cần có những hoạt động tuyên truyền thông tin và khuyến khích khám thai định kỳ từ tháng thứ 2 của thai kỳ nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc căn bệnh này.

Tính đến ngày 16-2-2016, đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi-rút Zika, trong đó đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong  tại Venezuela và 2 trường hợp tử vong tại Brazil.