Vỡ bể chứa chất thải chì kẽm ở Cao Bằng: Nguy hiểm tới đâu?

ThienNhien.Net – Đánh giá mức độ nguy hiểm của sự cố này, TS. Phạm Khang, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, trong bùn thải không chỉ có chì mà còn có kim loại nặng khác, nếu tràn ra ngoài môi trường sẽ rất nguy hiểm.

Sự cố khiến hàng trăm nghìn mét khổi nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường (Ảnh: TTXVN)
Sự cố khiến hàng trăm nghìn mét khổi nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường (Ảnh: TTXVN)

Chiều 5/1, bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty TNHH CKC ở xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng đã bất ngờ bị vỡ đáy.

Sự cố này đã khiến cho hàng trăm nghìn mét khối nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm, khiến cho con sông bị ô nhiễm nặng.

Theo ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, hiện vẫn chưa đánh giá được mức độ thiệt hại của sự cố.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện đã có mặt tại hiện trường, yêu cầu Công ty CKC nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của sự cố đến môi trường sinh thái và cuộc sống người dân. Hiện Công ty này đang huy động tất cả lực lượng để khắc phục sự cố.

Đánh giá mức độ nguy hiểm của sự cố này, báo điện tử VnExpress dẫn lời TS. Phạm Khang, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, trong bùn thải không chỉ có chì mà còn có kim loại nặng khác, nếu tràn ra ngoài môi trường sẽ rất nguy hiểm.

“Kim loại nặng lẫn vào nước và đất sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các sinh vật và thậm chí là cả con người”, TS. Phạm Khang nói và cho biết tùy vào lượng bùn thải tràn ra, nồng độ chì, kim loại cao tới đâu mới đánh giá hết mức độ thiệt hại của sự cố.

Giải thích về cơ chế tác động tới con người, TS. Phùng Chí Sỹ, chuyên gia môi trường cảnh báo, bùn thải chì, kẽm khi ra môi trường có thể tích tụ trong rau, tôm, cá…, con người ăn vào sẽ rất nguy hiểm. Nếu lượng bùn thải đi vào nguồn nước cũng tác động tới con người khi tắm giặt.

“Nếu chì ở dạng hòa tan mới độc, còn ở dạng bột thì ít nguy hiểm hơn”, ông Sỹ nói.

Theo PGS. TS Trần Hồng Côn, cán bộ khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu đây là bùn thải của quá trình khai thác quặng khoáng thì không đáng lo ngại bởi lúc này chì ở dạng sunfua chì. Dạng này không tan trong nước nên khả năng làm ô nhiễm nước khó xảy ra.

Tuy nhiên, ông Côn cũng cho biết, sẽ nguy hiểm nếu người ta sử dụng thêm các hóa chất khác để làm thành tinh quặng chì có hàm lượng cao hơn, tùy thuộc đó là hóa chất gì và thời gian để lâu bao nhiêu theo công nghệ riêng. Nếu chỉ là nước và bùn sunfua thì kẽm đó ra ngoài hầu như không ảnh hưởng đến nồng độ chì có trong nước.

Hướng khắc phục

Về cách khắc phục sự cố vỡ bể chứa, TS. Phùng Chí Sỹ cho rằng việc này phải được thực hiện lâu dài. Trước mắt, nếu nồng độ chì không cao thì có thể hốt đất đổ đi, người dân hạn chế sử dụng nguồn nước và kiểm tra thực phẩm trước khi ăn.

PGS.TS Trần Hồng Côn thì cho hay, chủ yếu dùng phương pháp cơ học để hạn chế sự cố này: “Khi vừa xảy ra sự cố này, tốt nhất là người dân nên tránh sử dụng nguồn nước xung quanh, nhưng cũng không quá lo lắng bởi nếu chỉ có sunfua chì thì không đáng ngại bởi chúng không tan trong nước, có thể dùng máy hút sạch”, ông Côn cho biết.