Để đẩy lùi biến đổi khí hậu, rừng phải được coi là vũ khí sống còn

ThienNhien.Net – Bấy lâu nay, tầm quan trọng của rừng trong việc thực hiện 2 nhiệm vụ lớn quy mô toàn cầu là đạt được sự phát triển thịnh vượng và bảo đảm ổn định khí hậu đang bị đánh giá thấp. Đã đến lúc rừng cần được chú ý và đầu tư xứng đáng.

Trước thềm hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris, hàng chục quốc gia đã đưa ra cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mặc dù những hứa hẹn này rất được chào đón và ủng hộ, vẫn còn khoảng cách khá xa cho đến khi có thể đẩy lùi hiện tượng ấm lên toàn cầu đang đe dọa cả thế giới. Những khu rừng nhiệt đới chính là cơ hội để thu hẹp khoảng cách này.

Phá rừng là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. (Ảnh luoman/Getty Images/iStockphoto)
Phá rừng là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. (Ảnh luoman/Getty Images/iStockphoto)

Khi các khu rừng nhiệt đới bị tàn phá hoặc thiêu rụi, carbon tích tụ trong lá, thân, cành, rễ và đất sẽ bị giải phóng ra ngoài không khí. Tại các quốc gia đang phát triển có diện tích rừng lớn, phá rừng mới là nguồn phát thải chính chứ không phải nhiên liệu hóa thạch. Nếu coi diện tích rừng bị tàn phá là 1 quốc gia, thì quốc gia này phải có diện tích ước chừng chưa bằng Liên minh Châu Âu nhưng cũng phải lớn hơn diện tích Trung Quốc. Vì vậy, ngăn chặn tàn phá rừng là bước đi quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi biến đổi khí hậu.

Chưa hết, các khu rừng hấp thụ carbon vào thân cây và đất theo cơ chế hấp thụ và lưu trữ carbon tự nhiên và an toàn. Nếu có thể ngăn chặn phá rừng, phục hồi các khu rừng bị tổn hại và bảo tồn các khu rừng trưởng thành thì 1/3 lượng khí thải toàn cầu hiện nay từ tất cả các nguồn có thể được loại bỏ khỏi bầu khí quyển.

Tin vui là các nhà đàm phán khí hậu đã cùng đồng thuận trong một giải pháp mang tên REDD+ (giảm lượng khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng), với sự tham gia của nhiều quốc gia. Theo đó, các nước giàu phải chi trả cho các nước đang phát triển để ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng, căn cứ vào kết quả mà mỗi quốc gia đạt được. Ngược lại, nhiều quốc gia đang phát triển cũng khẳng định sẵn sàng giảm phát thải hơn nữa để đáp lại những hỗ trợ tài chính thế giới. Các nước giàu cũng có thể áp dụng nhiều biện pháp khác để chống lại biến đổi khí hậu với chi phí thấp như chi trả cho công tác bảo tồn rừng nhiệt đới và cắt giảm khí thải ở trong nước. Một số hợp đồng REDD+ đã đặt ra mức giá 5 USD/ tấn với khí thải CO2. Đây quả là một “món hời” so với hầu hết các lựa chọn khác.

Bên cạnh việc giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu, bảo tồn rừng nhiệt đới còn có thể đóng góp cho phát triển theo nhiều cách. Khoa học hiện đại cho thấy rừng điều hòa khí hậu trên quy mô lục địa, cung cấp bóng mát, thức ăn cho gia súc và điều kiện thụ phấn cho các khu vực trồng trọt liền kề. Rừng đầu nguồn giúp đảm bảo mực nước và kéo dài thời gian sử dụng của các hồ chứa thủy điện bằng cách kiểm soát xói mòn, đảm bảo nguồn năng lượng cho hàng triệu người. Thêm vào đó, các sản phẩm gỗ và ngoài gỗ như than củi mang lại trung bình 1/5 tổng thu nhập cho những hộ gia đình sống quanh rừng.

Các nước nghèo và người dân nghèo là những đối tượng phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Trong khi đó, những khu rừng chưa bị tàn phá có khả năng chống chịu cao hơn trước tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như các trận mưa lớn gây xói mòn, các đợt khô hạn gây cháy rừng như sự việc vừa qua tại Indonesia. Duy trì những lợi ích từ rừng có thể giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với những người ít có khả năng chống chịu nhất.

Hơn nữa, những bằng chứng ban đầu cho thấy sáng kiến REDD+ có thể giúp cải thiện quản trị rừng và việc thực thi các quy định pháp luật liên quan. Ở cả Brazil và Indonesia, các nỗ lực quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng đã đi đôi với sự tăng cường minh bạch cũng như thực thi luật pháp đối với tội phạm và tham nhũng liên quan đến rừng, từng bước tăng quyền sử dụng đất cho người dân bản địa. Những lợi ích này cũng đã được các chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm dân tộc bản địa công nhận trong Tuyên bố New York về Rừng vào tháng 9 năm 2014.

Vì những lí do nêu trên, các nước giàu nên cân nhắc việc đầu tư vào rừng như một lẽ đương nhiên, như thể chi trả hóa đơn tiền điện hàng tháng vậy. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các quốc gia phát triển cũng chỉ hứa chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho REDD+, đương đương 1/20 số tiền mua thức ăn cho thú cưng tại Mỹ. Chúng ta hoàn toàn có thể và nên làm tốt hơn thế.