Mất rừng tràn lan vì giao cho doanh nghiệp

ThienNhien.Net – Công ty lâm nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý cũng mất rừng, giao cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lại càng mất nhiều hơn, khoán cho người dân thì chính sách bị lợi dụng… Do vậy chỉ trong 5 năm qua, toàn tỉnh Đắc Nông có tới 26.000ha rừng bị chặt phá, 50.000ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm trái phép. Hiện nhiều Công ty lâm nghiệp nhà nước phải đưa vào diện giải thể vì còn quá ít rừng, chuyện giao rừng cho tư nhân cũng… “vỡ trận” thê thảm.

Giải thể hàng loạt vì không còn rừng

Sau thời gian thí điểm, hiện UBND tỉnh Đắc Nông đang chỉ đạo các địa phương nhanh chóng cấp “sổ đỏ” cho hơn 63.000ha đất có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, tập trung nhiều nhất tại thị xã Gia Nghĩa và các huyện Đắk G’long, Tuy Đức… Đây là diện tích rừng bị chặt phá, bao chiếm trái phép từ năm 2004 – 2010, được hợp thức hóa và thu một số tiền nhất định cho ngân sách.

Còn từ năm 2010 đến nay, trên toàn tỉnh có thêm 26.000ha rừng bị chặt phá, 50.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép mà việc thu hồi, trồng lại rừng đang rất nan giải. Tại Công ty TNHH MVT lâm nghiệp Gia Nghĩa, hàng nghìn hécta rừng phòng hộ ngay đầu nguồn thị xã bị “cạo trọc”, cơ quan điều tra vừa bắt tạm giam ông Lê Tuấn Khang – giám đốc một xí nghiệp quản lý rừng thuộc Công ty này – để điều tra về tội vi phạm các quy định về quản lý rừng.

Trong cùng diễn biến, cơ quan chức năng của Bộ Công an cũng đang tiến hành điều tra việc để mất rừng, giao khoán đất rừng trái quy định của những cán bộ khác tại Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Còn tại Công ty lâm nghiệp Quảng Tín, TAND tỉnh Đắc Nông cũng tuyên phạt nguyên giám đốc, nguyên phó giám đốc, nguyên quyền giám đốc và 5 cán bộ thuộc quyền từ 10 tháng đến 3 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hàng trăm hécta rừng do Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý bị chặt phá (Ảnh: Đ.T.K)
Hàng trăm hécta rừng do Công ty lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý bị chặt phá (Ảnh: Đ.T.K)

Các cán bộ này đã đem 2.900ha đất rừng liên doanh với 9 DNTN, trong đó có 1.800ha rừng phải khoanh nuôi bảo vệ nhưng để mất tới 1.300ha. Còn với Công ty lâm nghiệp Trường Xuân, Thanh tra tỉnh Đắc Nông xác định từ năm 2008 – 2013, đơn vị này để mất hơn 4.500ha rừng tự nhiên nhưng không kịp thời báo cáo.

Ông Trần Quyết Tâm – Giám đốc Công ty – đang đợi kết luận của cơ quan chức năng. Đây cũng là các đơn vị thuộc diện giải thể hoặc chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ theo phương án sắp xếp, đổi mới các nông – lâm trường quốc doanh, do diện tích rừng còn lại… không đáng kể.

Vẫn chưa hết, thực hiện Nghị định 135/2005 về việc giao khoán đất rừng sản xuất, các Công ty lâm nghiệp ở Đắc Nông còn giao khoán 2.600ha đất rừng cho nhiều cá nhân. Song việc giao khoán rất tùy tiện, sai đối tượng, chính sách nhà nước bị lợi dụng, dẫn đến 1.960ha rừng bị… “cạo trọc”.

“Vỡ trận” giao rừng cho tư nhân

Trước thực trạng bất lực của các Công ty lâm nghiệp nhà nước, UBND tỉnh Đắc Nông đã thu hồi hơn 31.600ha đất rừng, giao hẳn cho các DNTN thuê. Với chủ trương này, tỉnh hy vọng rừng sẽ được bảo vệ, phát triển tốt hơn nhờ năng lực tài chính, khoa học kỹ thuật, khả năng kinh doanh của khối tư nhân. Nhưng theo rà soát mới đây, trong 41 dự án chỉ có 10 dự án có hiệu quả, còn 22 dự án kém hiệu quả, 9 dự án không hiệu quả. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã để gần 5.000ha rừng tự nhiên bị chặt phá, hơn 8.000ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm trái phép.

Nhiều dự án bị bao chiếm gần hết như dự án của Công ty CP đầu tư xây dựng 59, Công ty CP đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới, Công ty Long Sơn… Sở TNMT Đắc Nông nhận định, việc tranh chấp đất đai giữa người dân và các doanh nghiệp hiện rất phức tạp, khả năng thu hồi để trồng lại rừng là rất khó thực hiện.

Còn Sở NNPTNT mới chỉ thống kê việc mất rừng tại 17/41 dự án, việc mất rừng đã gây thiệt hại cho Nhà nước tới 272 tỉ đồng. Chuyện “vỡ trận” khi giao đất rừng cho khối tư nhân còn thể hiện ở chỗ, hàng loạt doanh nghiệp xin trả lại rừng cho Nhà nước. Đó là Công ty CP chế biến lâm sản và xuất khẩu Thăng Long, Công ty CP kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt vì… rừng bị phá gần hết.

Liên quan đến các doanh nghiệp để mất rừng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, ông Đỗ Ngọc Duyên – Giám đốc Sở NNPTNT – cho biết: “Tỉnh đang thành lập một hội đồng tư vấn gồm nhiều ngành chức năng để xem xét. Nếu doanh nghiệp đã cố gắng nhưng vì các lý do khách quan dẫn đến mất rừng thì cần xem xét, trường hợp thiếu trách nhiệm, không triển khai bảo vệ rừng hoặc cố ý phá rừng thì sẽ xử lý hình sự…”.

Về việc buộc các doanh nghiệp để mất rừng phải bồi thường, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh Văn phòng UBND tỉnh – cho biết, tỉnh đang tổ chức họp với các ngành để xem xét. Nhưng ông Lộc cũng cho hay, từ trước đến giờ chưa có doanh nghiệp nào bồi thường giá trị thiệt hại về rừng. Trên thực tế, trước đây tỉnh chỉ cho doanh nghiệp thuê đất, còn rừng thì giao (vì không xác định được giá trị rừng để cho thuê) nên giờ buộc bồi thường cũng không phải dễ dàng.

Không chỉ ở Đắc Nông mà trên toàn vùng Tây Nguyên, chỉ các vườn quốc gia, khu bảo tồn và các ban quản lý rừng có mô hình bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả. Còn nơi nào rừng gắn với chữ doanh nghiệp, kinh doanh thì kết quả ngược lại, cho dù chủ thể là đơn vị Nhà nước hay tư nhân.