Công nghiệp dầu mỏ lụi bại vì Covid-19?

Các nhà phân tích cho rằng ngành dầu khí đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm và khó có thể trở lại thời kỳ huy hoàng khi phải đối mặt với đại dịch covid-19 và cuộc chiến giá cả không khoan nhượng. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng không kém là sự lay lắt của ngành dầu mỏ liệu có thể thay đổi diễn trình khủng hoảng khí hậu? Nhiều chuyên gia nghĩ rằng điều này hoàn toàn có thể.

Có quan điểm cho rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch hiện đã đạt đỉnh và 2019 sẽ đi vào lịch sử như là năm đỉnh điểm của phát thải carbon. Một số thì nghĩ ngược lại: ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch sẽ hồi phục và giá dầu chạm đáy sẽ làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Câu trả lời đúng ở đây phụ thuộc vào sự pha trộn mạnh mẽ của địa chính trị, lợi nhuận, tâm lý nhà đầu tư, bảo lãnh của chính phủ và các mục tiêu phát thải ròng, áp lực của giới vận động và nhất là hành vi của người tiêu dùng.

Lửa bốc lên từ nhà máy của Saudi Aramco ở Khouris. (Ảnh: Marwan Naamani/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, thực tế không thể nghi ngờ là giá dầu đang ở mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, thậm chí còn giảm nữa. Định giá một số thị trường dầu mỏ lớn giảm một nửa kể từ tháng 1. Ít nhất 2/3 khoản đầu tư hàng năm, tương đương 130 tỷ đô la sụp đổ và hàng chục ngàn việc làm mất đi. Ở một vài thị trường, giá về mức âm (tức người bán sẽ trả tiền để bạn lấy dầu) khi dung lượng lưu trữ toàn cầu cạn kiệt.

Valentina Kretzschmar, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp thuộc Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: “Cuộc chiến giá cả và Covid-19 đã thực sự khiến ngành dầu khí rơi vào hỗn loạn, hiện giờ chúng ta thấy các công ty đều lay lắt”.

Theo đại gia ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, các giếng dầu công suất gần 1 triệu thùng mỗi ngày có thể đã ngừng hoạt động vì giá dầu hiện không đủ chi phí vận chuyển với số lượng giếng “tăng theo giờ”. Jeffrey Currie, người phụ trách ngành hàng của ngân hàng này chỉ rõ rằng điều này có khả năng thay đổi vĩnh viễn ngành công nghiệp năng lượng và địa chính trị cũng như các cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu.

Nhu cầu về dầu đã giảm mạnh khi virus corona buộc mọi người ở trong nhà, còn máy bay mọc rêu trên đường băng. “Virus này sẽ trưng ra nhu cầu đỉnh điểm với nhiên liệu hóa thạch”, nhà phân tích Kingsmill Bond thuộc Carbon Tracker chỉ rõ. Cú sốc dầu theo chu kỳ mới nhất này giáng thêm một đòn mạnh vào một ngành công nghiệp đang hướng tới đỉnh điểm cấu trúc do các quốc gia cam kết không phát thải trong tương lai tạo ra.

“Tác động của virus đối với thời điểm đạt đỉnh về nhu cầu dầu tất nhiên còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng”. Năm 2018, Carbon Tracker ước tính nhu cầu đỉnh điểm sẽ đến vào năm 2023 nhưng chuyên gia Bond cho biết có thể cuộc khủng hoảng đã đến sớm hơn ba năm. “Điều đó có nghĩa gần như chắc chắn 2019 là năm có lượng phát thải cao nhất, và có lẽ cũng đạt đỉnh về nhiên liệu hóa thạch. Không chắc rằng sẽ có một đỉnh nhỏ khác vào năm 2022 hay không trước khi đà suy giảm không không gì lay chuyển được bắt đầu”.

Trong khi chính các công ty dầu mỏ từ lâu đã biện bạch rằng còn quá xa để đưa ra một con số về nhu cầu đỉnh thì hầu hết các nhà quan sát cho rằng điều đó sẽ xảy ra trong thập kỷ này. Mark Lewis, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư biến đổi khí hậu thuộc ngân hàng BNP Paribas đồng ý rằng các cuộc khủng hoảng có thể khiến nhu cầu đỉnh tới nhanh hơn.

“Khi đã an bài, câu chuyện về nhu cầu đỉnh điểm sẽ rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều này đặc biệt đúng nếu ngành không vận đường dài không thể phục hồi. Hàng không nguồn tăng trưởng nhu cầu dầu rất mạnh trong những năm gần đây nhưng chúng ta ở nhà càng lâu (làm việc từ xa, sử dụng hội nghị trực tuyến), mọi người sẽ càng tự vấn: chúng ta có thực sự cần phải đi máy bay?”.

Kết thúc một kỷ nguyên?

Giá dầu sụt giảm cũng đã thổi bay lợi nhuận béo bở từ các dự án thăm dò mà giới đầu tư đã quen thuộc. Điều này đe dọa đến cái mà Lewis gọi là “kỷ nguyên cổ tức vàng” trong hai thập kỷ qua – thứ khiến cổ phiếu dầu mỏ trở thành trụ cột của các danh mục đầu tư.

Giá dầu niêm yết ở trạm của Costo tại Birmingham. (Ảnh: Morgan Harlow/PA)

Wood Mackenzie vừa phân tích tác động của giá dầu 35 đô la/thùng đối với các kế hoạch đầu tư trước đó của công ty cho năm 2020. “Đó là một bức tranh rất, xấu xí. Giá ở mức 35 đô la/thùng, 75% các dự án thậm chí còn không đủ trang trải chi phí vốn”, Kretzschmar bộc bạch.

“Đáng chú ý nhất, tỷ lệ lợi nhuận dự kiến từ các dự án dầu khí giảm từ mức khoảng 20% xuống còn 6%. Bây giờ tỷ lệ này tương tự với những gì bạn nhận được từ các dự án năng lượng mặt trời và gió”.

“Dầu khí đã là một lĩnh vực không được giới đầu tư yêu thích và trong môi trường giá dầu thế này, dầu khí hóa ra lại có lợi nhuận thấp, rủi ro cao và carbon cao. Đây không phải là một ngành hấp dẫn”. Giá dầu được một số người dự đoán sẽ còn giảm hơn nữa, Kretzschmar nói thẳng: “Ở mức 20 đô la, ngành sẽ suy sụp”.

Ngành công nghiệp dầu mỏ đã chịu áp lực từ các nhà đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng khí hậu và từ các chính phủ xiết luật để cắt giảm phát thải. Chuyên gia Colin Melvin thuộc Arkadiko Partners – công ty tư vấn cho một số quỹ hưu trí và quản lý đầu tư lớn nhất thế giới hy vọng rằng sau cuộc khủng hoảng, đầu tư sẽ ngày càng chảy về phía các công ty mang lại lợi ích xã hội lớn hơn.

“Mục đích của việc đầu tư vốn vào kinh doanh là tạo ra sự thịnh vượng, tạo ra giàu có theo đúng nghĩa đen, và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ ngày càng trở nên tương thích hơn với các nhà đầu tư”.

Adam Matthews, thành viên hội đồng quản trị quỹ hưu trí 2,8 tỷ bảng của Giáo hội Anh cho biết những tác động tới ngành dầu khí là đáng kể. “[Giảm nhu cầu] có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi nhanh chóng và tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ nhìn sâu vào những thách thức dài hạn mang tính hệ thống và muốn thấy khả năng phục hồi cao hơn nhiều”.

Cũng như các vấn đề về khí hậu, sự bất ổn của thị trường dầu mỏ do các cuộc khủng hoảng gây ra cũng có thể khiến giới đầu tư thoái chí, theo phân tích từ Viện nghiên cứu năng lượng của Đại học Oxford: “Đây là thị trường đang bị thử thách đến mốc giới hạn”.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều nghĩ rằng thiệt hại của ngành công nghiệp dầu mỏ nhất thiết phải là lợi ích cho năng lượng xanh và khí hậu. “Nếu thứ gì đó giữ cho cổ phần dầu mỏ đứng vững lâu hơn, bởi vì nó rẻ hơn. Đó có thể là tin xấu từ quan điểm khí hậu”, theo Dieter Helm, Giáo sư chính sách năng lượng thuộc Đại học Oxford.

Dieter Helm cho rằng đảm bảo cho kinh tế xanh phục hồi từ cuộc khủng hoảng virus corona sẽ đòi hỏi những biện pháp chính sách thận trọng từ các chính phủ: “Đây là chỗ cho thuế carbon xuất hiện. Bây giờ là thời điểm”.

Cơ hội cho năng lượng xanh

Các chính phủ đang tung ra các khoản tiền khổng lồ để kích thích kinh tế toàn cầu bị virus corona tàn phá – chỉ tính riêng các quốc gia G20 đã là 5 nghìn tỷ đô la – nhưng cách giải ngân vẫn bất định. Lãnh đạo Liên minh châu Âu đã hứa sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp phù hợp với chương trình Thỏa thuận xanh. Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế Fatih Birol nói thẳng là có “cơ hội lịch sử” để đầu tư vào các công nghệ năng lượng giúp cắt giảm khí thải nhà kính.

Góc nhìn từ trên cao nhà máy thái dương năng Noor ở gần Ouarzazate, phía nam Morocco. (Ảnh: Abdeljalil Bounhar/AP)

Nhưng gói cứu trợ virus corona trị giá 2 nghìn tỷ đô la Mỹ lại chỉ cấp nhỏ giọt 60 tỷ đô la cho các hãng hàng không đang gặp khó khăn và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các công ty nhiên liệu hóa thạch mà không yêu cầu bất kỳ hành động nào để ngăn chặn tình trạng khẩn cấp khí hậu. Chính phủ Canada sẽ cho các công ty dầu mỏ vay tiền vì các công ty này “đang trong tình trạng nguy kịch”.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, có nhiều hy vọng rằng hàng nghìn tỷ đô la được tung ra vào thời điểm đó sẽ xanh hóa nền kinh tế nhưng nhiên liệu hóa thạch và phát thải vẫn tiếp tục phát triển. Bond cho biết: “Khác biệt lớn so với năm 2008 là chi phí năng lượng tái tạo hiện thấp hơn nhiên liệu hóa thạch. Không có lý gì cố gắng duy trì các tài sản hóa thạch chi phí cao mà lại không bền vững. Sẽ thật trớ trêu khi những người ủng hộ kinh tế tự do lại đi yêu cầu chính phủ cứu trợ”.

Adrienne Buller, kinh tế gia thuộc thinktank Common Wealth, khuyên chính phủ các nước như Anh, Mỹ và Canada hiện nên xem xét quốc hữu hóa các tập đoàn dầu khí lớn.

“Các công ty nhiên liệu hóa thạch không được phép sụp đổ hàng loạt”.

“Bất kỳ sự cứu trợ ở mức tối thiểu nào cũng phải đi kèm với lượng cổ phần công chúng tương đương trong các công ty, với các điều kiện mạnh mẽ để bảo vệ môi trường và khí hậu, và chuyển đổi dần khỏi sản xuất nhiên liệu hóa thạch”.

“Tuy nhiên, mục đích mua cổ phần này là để giảm đà sản xuất càng nhanh càng tốt trong khi vẫn đảm bảo chuyển đổi người lao động và cung ứng năng lượng, quốc hữu hóa có thể phù hợp và thực tế hơn”.

Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí quốc tế khẳng định các thành viên đóng vai trò quan trọng sau đại dịch. Người phát ngôn của tổ chức này cho rằng: “Dầu khí đóng một vai trò quan trọng trong tổng hòa năng lượng toàn cầu và vẫn sẽ như vậy trong tương lai. Còn quá sớm để dự đoán tác động trung hạn là gì. Nhưng ngành công nghiệp dầu khí có lịch sử ứng phó thành công với các tình huống khó khăn và chúng tôi dự đoán rằng dầu khí sẽ thích nghi được như trước đây”.

“Hơn nữa, ngành công nghiệp này là đầu tàu quan trọng của sự thịnh vượng và là động lực đổi mới trong nhiều thập kỷ. Dầu khí có đủ kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức và tài nguyên cần thiết để hiện thực hóa một tương lai năng lượng phát thải thấp – quá trình chuyển đổi sẽ khó khăn hơn và tốn kém hơn nếu không có dầu khí”.

Ả Rập Xê Út rất muốn đổi dầu lấy tiền mặt

Đổ thêm dầu vào lửa đại dịch là cuộc chiến giá cả giữa Ả Rập Xê Út và Nga – những nước đã tăng sản lượng trong khi đại dịch làm sụt giảm mạnh nhu cầu khiến giá chạm đáy. Các động thái này được coi là một nỗ lực chiếm lấy thị phần bằng cách giết chết các nhà sản xuất có chi phí cao hơn đứng sau sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salman. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

Giáo sư Bernard Haykel thuộc Đại học Princeton cho biết cuộc chiến giá cả cũng phản ánh sự thay đổi chiến lược cơ bản hơn do thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman khởi xướng: “Sự chuyển đổi năng lượng sạch trên toàn cầu là không thể tránh khỏi, ông ta cực kỳ muốn đổi dầu lấy tiền trong khi Vương quốc vẫn còn có thể gồng gánh được”.

Tác động của cuộc chiến giá cả phụ thuộc vào thời gian Ả Rập Xê Út và Nga có thể tiếp tục bơm dầu giá rẻ trong bao lâu. Mặc dù chi phí sản xuất rất thấp, hai nước đều phụ thuộc vào doanh thu cao để cân bằng ngân sách quốc gia.

Michael Liebreich, Chủ tịch ban cố vấn Bloomberg New Energy Finance cho biết mức hòa vốn tài chính đối với Ả Rập Xê Út là khoảng 80 đô la/thùng, có nghĩa là dự trữ ngoại hối của nước này chỉ có thể duy trì giá dầu đáy trong 2 hoặc 3 năm. “Nga, với mức hòa vốn tài chính khoảng 40 đô la/thùng và nền kinh tế đa dạng hơn nhiều, có thể giữ cho giá dầu thấp trong một thập kỷ”.

Dù điều gì xảy ra, dầu khí sẽ không bao giờ trở lại như xưa sau thảm họa kép đại dịch và chiến tranh giá cả. “Các công ty nổi lên từ khủng hoảng sẽ không phải là những công ty đã dấn mình vào đó. Chúng ta sẽ thấy giá trị được xác định lại, tái cấu trúc và thay đổi căn bản”, Bond nhận định.

Các chuyên gia, có cả Currie thuộc Goldman Sachs nói rằng cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu gần như chắc chắn sẽ khác sau khủng hoảng. Nhưng chúng ta vẫn sẽ thấy chính xác những gì phải thấy. “Câu hỏi đặt ra là điều này sẽ kéo dài bao lâu? Không ai thực sự biết được”, Kretzschmar nói.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: