Cộng đồng dân tộc thiểu số tổn thất nặng nề vì biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam gồm 53 dân tộc với gần 14 triệu người sinh sống trên diện tích 17 triệu ha, chiếm hơn 50% lãnh thổ Việt Nam, tập trung ở các vùng núi, trung du, ven biển, cửa sông, rừng đầu nguồn và các lưu vực sông, rừng ven biển, vùng sâu, vùng xa… nơi luôn bị tác động mạnh mẽ của thiên tai.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn của nhân loại hiện nay. Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ, trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Sạt lở đất do lũ quét tại Lào Cai (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Sạt lở đất do lũ quét tại Lào Cai (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Những tổn thất từ biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang gây tổn thất nặng nề về môi trường, kinh tế, sức khỏe, đời sống tinh thần cho cộng đồng dân tộc thiểu số, văn hóa của cộng đồng đang bị mai một… Tất cả đều diễn ra ngày càng mạnh hơn, tần suất nhiều hơn vào những năm gần đây.

Cộng đồng dân tộc thiểu số ngày càng nhìn nhận rõ hơn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống hàng ngày tại các địa phương.

Theo ông Sùng Văn Kinh, dân tộc Tày, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, khí hậu ngày càng khắc nghiệt gây thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, kinh nghiệm sản xuất hay tập quán canh tác bị thay đổi, nguồn nước ngầm, nước ở các khe suối ngày càng ít đi, lũ ống, lũ quét kéo theo sỏi, đá làm mất diện tích đất ở, đất canh tác, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, môi trường ô nhiễm sau thiên tai, gián đoạn việc học tập của con em.

Thời tiết cực đoan dẫn tới sức khỏe con người bị ảnh hưởng, nhất là người già và trẻ nhỏ, số người chết và mất tích ngày càng tăng, nhiều bệnh mới xuất hiện, cần chi phí nhiều hơn cho mua sắm đồ dùng để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chị K’Nhổi, dân tộc K’Ho, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cho biết mưa, nắng, nóng, lạnh thất thường không theo quy luật, sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi. Lũ quét, sạt lở đất làm cho các công trình giao thông, thủy lợi hỏng, tài sản bị mất, tính mạng của người dân cũng bị đe dọa.

Ở Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, khu vực Tây Nguyên bị sạt lở đất do mưa kéo dài, mất nhiều diện tích đất sản xuất, chủ yếu là ruộng, vườn ven khe lạch. Tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến không có nước sinh hoạt, sản xuất như tại tỉnh Ninh Thuận xảy ra nghiêm trọng, tới 16 tháng không có mưa.

Ở Tây Nguyên, các hồ chứa, sông, suối, nước ngầm bị cạn kiệt. Rừng nguyên sinh bị suy giảm làm mất đa dạng sinh học. Rừng ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), rừng ở Ba Tri (Phú Thọ), rừng Suối Tiên ở Cát Tiên (Lâm Đồng) bị thu hẹp, chim, thú mất dần.

Cần có chính sách hỗ trợ và khắc phục thiệt hại

Các cộng đồng dân tộc thiểu số đang chủ động khắc phục khó khăn, giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và dần thích ứng với biến đổi khí hậu. Những nỗ lực này đã có một số kết quả bước đầu, nhưng kết quả ấy còn thiếu tính bền vững.

Anh Ngần Văn Chín, dân tộc Thái, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cho rằng cần hỗ trợ thành lập Quỹ bù đắp thiệt hại cho đồng bào dân tộc thiểu số để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi, trường học bị sạt lở, ngập lụt.

Cộng đồng dân tộc thiểu số kiến nghị Nhà nước cần có luật về người dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin liên quan bằng tiếng, chữ dân tộc và tham vấn ý kiến để có sự đồng thuận của người dân khi quy hoạch, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như thủy điện, giao thông, khai khoáng… Đồng thời, cần có nguồn tài chính, kinh phí để đền bù, hỗ trợ khắc phục thiệt hại và ứng phó với biến đổi khí hậu do đồng bào dân tộc thiểu số tự quản lý; có cơ chế để người dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; hạn chế ngăn sông suối làm thủy điện, khai thác các mỏ; làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời, nhanh chóng và theo phương châm bốn tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ;” có chính sách phù hợp để người dân ổn định đời sống, hạn chế tối đa việc du canh du cư tự do.

Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai, mở rộng giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), cấp chứng chỉ cacbon, chi trả trực tiếp cho người dân; có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Cộng đồng dân tộc thiểu số cần được nâng cao năng lực để có khả năng tự chống đỡ với thiên tai, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu để sống và sản xuất bền vững.

Cộng đồng dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ để có khả năng sử dụng các kỹ thuật và công nghệ bản địa truyền thống, đồng thời được tiếp cận các công nghệ và kỹ thuật mới từ cộng đồng quốc tế để phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Nguồn: