Thừa phát lại có quyền cưỡng chế: Không ổn!

ThienNhien.Net – Cưỡng chế là quyền lực đặc biệt chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, nếu giao quyền này cho văn phòng thừa phát lại là không phù hợp.

Ngày 20-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tổng kết việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/Quốc hội13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.

Nhà nước cấp tiền là phi lý!

Sau thời gian thí điểm, TAND Tối cao đánh giá hoạt động của Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản tố tụng của tòa án đã góp phần làm giảm khối lượng công việc để thẩm phán, thư ký tòa án tập trung giải quyết, xét xử các loại vụ án; từ đó giúp công tác xét xử được nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, đa số đại biểu (Đại biểu) cho rằng chế định Thừa phát lại thực hiện theo phương thức xã hội hóa là cần thiết nhưng việc nhà nước cấp tiền cho hoạt động này là không ổn. “Việc tống đạt các quyết định của tòa án là do cơ quan thi hành án thực hiện. Bây giờ chúng ta sinh ra Thừa phát lại nhưng nhà nước vẫn cấp tiền cho xã hội hóa là điều hết sức phi lý, không nước nào làm như vậy!” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn. Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng sau 8 năm thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại, ngân sách nhà nước phải chi ra khoảng 73 tỉ đồng. “Đã đến lúc phải dừng thí điểm để mở rộng trên phạm vi cả nước và đã đến lúc các văn phòng Thừa phát lại phải tự lo kinh phí” – Đại biểu Thường đề nghị

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP HCM) không tán đồng việc giao quyền cưỡng chế cho văn phòng Thừa phát lại (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP HCM) không tán đồng việc giao quyền cưỡng chế cho văn phòng Thừa phát lại (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu đề nghị Quốc hội cần ra nghị quyết chấm dứt thí điểm Thừa phát lại theo Nghị quyết 36 để thực hiện trên toàn quốc, góp phần tiết kiệm ngân sách, giảm bớt bộ máy biên chế theo đúng nghĩa của xã hội hóa.

Nên giới hạn ở 3 lĩnh vực

Vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất cho các đại biểu Quốc hội là đề xuất giao quyền cưỡng chế thi hành án cho Thừa phát lại. Tại điều 4 và điều 5 của dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại quy định rõ hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại. Cụ thể: Thừa phát lại có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định, kể cả trường hợp cần huy động lực lượng hỗ trợ.

Nhiều Đại biểu không đồng tình việc quy định thẩm quyền này bởi không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP HCM) không tán thành quy định thẩm quyền Thừa phát lại trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng, thay vào đó đề nghị giới hạn phạm vi hoạt động của Thừa phát lại ở 3 lĩnh vực là tống đạt, lập vi bằng và xác minh điều kiện thi án dân sự. “Cưỡng chế là quyền lực đặc biệt chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Nếu văn phòng Thừa phát lại, một chế định dưới hình thức công ty, huy động lực lượng chuyên chính để phong tỏa, khấu trừ tài khoản thu nhập của người phải thi hành án là không phù hợp. Nếu cưỡng chế giao nhà, người bị cưỡng chế nhảy lầu, tự thiêu, ai chịu trách nhiệm?” – Đại biểu Lập đặt vấn đề.

Do vậy, đa số Đại biểu đề xuất chỉ nên cho Thừa phát lại tham gia vào quá trình thi hành án nhưng ở các giai đoạn đơn giản, thỏa thuận chứ không nên quy định có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế. “Có thể giao Thừa phát lại công việc thương lượng và giải quyết tự nguyện chứ để một anh đòi nợ thuê dùng quyền lực nhà nước để cưỡng chế thì rất vô lý!” – Đại biểu Thuyền nhấn mạnh.

Không được ủy quyền trả lời chất vấn cho người khác

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với 83,2% Đại biểu tán thành. Đáng chú ý, điều 60 của dự luật quy định: “Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà Đại biểu HĐND đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có). Trường hợp Đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời. Những người khác có thể được mời tham dự và trả lời chất vấn của Đại biểu HĐND về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình”. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tiến hành biểu quyết thông qua Luật Kế toán (sửa đổi) với 79,15% phiếu tán thành.