Thiếu điện là do hệ thống giá không được cải cách

ThienNhien.Net – Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị “Định hướng phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam” do Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức vào ngày 4.11 tại Đà Nẵng.

Cần thúc đẩy thị trường bán buôn cạnh tranh

Theo Phó Thủ tướng, đồng thời với việc cải cách giá điện là nâng cao nhận thức xã hội, để toàn xã cùng đồng lòng chấp nhận hệ thống giá thị trường, được điều hành một cách minh bạch và khách quan. Lúc đó, Việt Nam mới đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Nếu không làm được như vậy, chúng ta lại vấp phải tình trạng như trước đây, là chỉ phát điện, đáp ứng được nhu cầu trong một hai năm rồi lại quay lại thiếu điện vì giá điện không phản ánh đúng chi phí thị trường, không đảm bảo hiệu quả cho các nhà đầu tư, dẫn đến không huy động được vốn”.

Bên cạnh đó, thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay vẫn chưa hoàn hảo, chưa đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh một cách hiệu quả và minh bạch nên phải tiếp tục thực hiện vấn đề này. Chính vì vậy, một trong những thách thức lớn trong thời gian tới là đưa các thị trường cạnh tranh vào theo đúng lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Năm 2016, dự kiến đưa ngành điện vào thị trường bán buôn điện cạnh tranh, và quá trình hình thành đi liền với cải cách về cơ cấu đối với ngành điện. Theo đó, khối phát điện cũng từng bước cổ phần hóa các công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), than, dầu khí, cũng từng bước được cổ phần hóa, xây dựng thị trường cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn.

“Cùng với việc đưa vào thị trường bán buôn thì dự kiến 2020, VN có một thị trường bán buôn hoạt động tương đối thông suốt. Lúc đó, tính việc đưa các công ty phân phối ra khỏi EVN và bước vào cạnh tranh và cổ phần hóa. Đấy là bước đi theo lộ trình, nếu đi sớm hơn thì càng tốt vì chậm cải cách ngành điện thì ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội” – Phó Thủ tướng nói.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng đề nghị cần thực hiện tốt việc đưa điện về nông thôn, mục tiêu đến 2020, bảo đảm 100% người dân nông thôn có điện. Theo Phó Thủ tướng, quá trình điện khí hóa nông thôn tạo ra điều kiện giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn.

Phó Thủ tướng nhận định, thách thức đối với ngành điện trong thời gian tới là hết sức lớn. Vì vậy, cần lấy kinh nghiệm từ cải cách ngành điện trong 20 năm qua để kêu gọi các thành phần kinh tế, kêu gọi nguồn vốn và cần sự giúp đỡ của quốc tế, hướng đến phát triển ngành điện hiệu quả, bền vững và minh bạch.

Hướng đến phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo

Cho đến nay, sau 4 năm thực hiện Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã có những biến động, thay đổi trong một số lĩnh vực như nhu cầu điện tăng thấp hơn dự kiến; khả năng cung cấp nhiên liệu có những yếu tố mới cả về chiều hướng tăng thêm cũng như suy giảm; giá nhiên liệu hóa thạch thế giới biến động khó lường; trữ lượng các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong nước và khả năng khai thác nhiên liệu bị hạn chế; tình hình chậm tiến độ của nhiều dự án nguồn điện khu vực miền Nam, gây ra nguy cơ không đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục; việc xây dựng lưới điện có nhiều khó khăn, nhất là giải phóng mặt bằng, lưới truyền tải điện chưa đảm bảo độ tin cậy…

Do đó, Phó Thủ tướng cho biết, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VII để có các giải pháp điều hành hợp lý, đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và yêu cầu nhập khẩu than cho phát điện bằng cách phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang đặt ra các mục tiêu phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo.

Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, và phát điện từ chất thải rắn, đồng thời hoàn thiện ban hành cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời có rất nhiều tiềm năng phát triển ở VN.

 Năm 1995, mức tiêu thụ điện bình quân của nước ta chỉ khoảng 62% so với mức của ASEAN, đến 2015, đã đạt 1.700 KW/h/người/năm. Năm 1995, tổng công suất ngành điện chỉ có 4.500MW, và 14,6 tỉ KW/h thì đến năm 2015 đã trên 38.000 MW và tăng gần 8,5 lần, điện năng sản xuất năm 2015 dự kiến tăng trên 11 lần, đạt khoảng 164 tỉ KW/h. Hiệu quả hoạt động của ngành điện và hiệu quả vận hành hệ thống điện được nhân lên đồng thời tỉ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 21,4% (năm 1995) xuống 8,49% (năm 2014) và năm 2015 dự kiến vào khoảng 8%. Về đầu tư điện nông thôn, đến nay 100% số huyện, 99% số xã, 98,4% số hộ dân nông thôn đã được cung cấp điện. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam hiện thiếu nguồn năng lượng sơ cấp, nguồn thủy điện khai thác cơ bản không còn nhiều.