Tốc độ phá rừng giảm?

ThienNhien.Net – Diện tích rừng trên thế giới đang tiếp tục bị thu hẹp do gia tăng dân số và chuyển đổi đất lâm nghiệp sang canh tác nông nghiệp cũng như các mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), tốc độ phá rừng trên toàn cầu đã giảm hơn 50% trong 25 năm qua. Tuy nhiên kết luận lạc quan từ báo cáo của FAO đã bị phản bác.

Tốc độ phá rừng giảm nhờ cải thiện quản lý

Báo cáo Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu năm 2015 (FRA) là đánh giá toàn diện nhất về rừng của FAO cho đến nay, được tiến hành trên 234 quốc gia và vùng lãnh thổ và vừa được trình bày tại Hội nghị Lâm nghiệp Thế giới tại Durban, Nam Phi.

Bìa báo cáo
Bìa báo cáo

Theo báo cáo, 129 triệu ha rừng – tương đương với diện tích của Nam Phi – đã biến mất kể từ năm 1990. Tuy nhiên báo cáo cũng ghi nhận diện tích rừng được bảo vệ ngày càng được mở rộng khi công tác quản lý rừng đang cải thiện ở nhiều quốc gia thông qua pháp luật, bao gồm các hoạt động đánh giá, giám sát tài nguyên rừng và huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quy hoạch và xây dựng chính sách.

Tổng giám đốc FAO, ông José Graziano da Silva đặc biệt nhấn mạnh “xu hướng thúc đẩy giảm tỉ lệ phá rừng và phát thải carbon từ rừng,” cũng như việc cải thiện thông tin đã giúp những chính sách tốt được phổ biến. Đáng chú ý là công tác bảo vệ rừng theo từng quốc gia hiện nay đã bao quát được 81% diện tích rừng toàn cầu, gia tăng đáng kể so với 10 năm trước đây.

Năm 1990, rừng chiếm 31,6% diện tích đất trên thế giới, tương đương 4.128 triệu ha. Theo báo cáo FRA, con số đó hiện nay chỉ còn lại 30,6% trong năm 2015, tương đương 3.999 triệu ha. Tuy nhiên, tỷ lệ mất rừng hàng năm đã giảm từ 0,18% vào năm 1990 xuống còn 0,08% trong giai đoạn 2010-2015.

Châu Phi và Nam Mỹ có tỉ lệ mất rừng hàng năm khoảng 2-2,8 triệu ha, cao nhất trong giai đoạn 2010-2015. Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ rõ tỉ lệ này đã “giảm đáng kể” so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Rừng bị xóa sổ để nhường chỗ cho việc trồng cây công nghiệp nhằm cung cấp bột giấy cho các nhà máy sản xuất giấy tại Indonesia (Nguồn: redd-monitor.org)
Rừng bị xóa sổ để nhường chỗ cho việc trồng cây công nghiệp nhằm cung cấp bột giấy cho các nhà máy sản xuất giấy tại Indonesia (Nguồn: redd-monitor.org)

Từ năm 1990, hầu hết nạn phá rừng xảy ra ở vùng nhiệt đới. Trái lại, diện tích rừng ở các quốc gia ôn đới lại gia tăng, trong khi khu vực rừng phía bắc và cận nhiệt đới hầu như không có sự thay đổi.

Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu hiện nay, diện tích rừng trên bình quân đầu người bị giảm sút không chỉ ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới mà còn ở tất cả các vùng khí hậu khác, ngoại trừ vùng ôn đới.

Ông Kenneth MacDicken, trưởng nhóm đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu của FAO cho biết đất rừng được chỉ định bổ sung cho bảo tồn đã tăng khoảng 150 triệu ha và diện tích rừng trong các khu bảo tồn tăng lên hơn 200 triệu ha kể từ năm 1990.

93% diện tích rừng hiện nay trên thế giới là rừng tự nhiên – bao gồm rừng nguyên sinh, nơi hầu như không có hoạt động của con người, và các khu rừng thứ sinh được tái sinh tự nhiên. Rừng trồng và các loại rừng khác hiện chiếm 7% diện tích rừng trên toàn thế giới, tăng hơn 110 triệu ha kể từ năm 1990. Ngành lâm nghiệp đóng góp khoảng 600 tỷ USD mỗi năm cho GDP toàn cầu và tạo việc làm cho hơn 50 triệu người. Hiện nay, diện tích rừng được bảo tồn đa dạng sinh học chiếm 13% diện tích rừng thế giới, tương đương 524 triệu ha, với các khu vực lớn nhất được ghi nhận ở Brazil và Hoa Kỳ.

Rừng cây công nghiệp của công ty Veracel Celulose tại bang Bahia, Brazil. Điểm tương đồng duy nhất giữa rừng cây này và rừng tự nhiên là cả hai đều có cây. Hành động xóa trắng rừng và chỉ trồng một loại cây của Veracel được cấp giấy chứng nhận “quản lý rừng hiệu quả” bởi Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council - FSC) (Nguồn: redd-monitor.org)
Rừng cây công nghiệp của công ty Veracel Celulose tại bang Bahia, Brazil. Điểm tương đồng duy nhất giữa rừng cây này và rừng tự nhiên là cả hai đều có cây. Hành động xóa trắng rừng và chỉ trồng một loại cây của Veracel được cấp giấy chứng nhận “quản lý rừng hiệu quả” bởi Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council – FSC) (Nguồn: redd-monitor.org)

So với 5 năm trước, châu Phi đạt mức tăng diện tích rừng được bảo tồn hàng năm cao nhất, trong khi châu Âu, Bắc Trung Mỹ và Bắc Mỹ đạt mức thấp nhất so với kỳ báo cáo trước. Cùng lúc đó, mức tăng của châu Á trong giai đoạn 2010-2015 thấp hơn so với giai đoạn 2000-2010, mặc dù vẫn cao hơn so với mức tăng trong năm 1990.

FAO nhấn mạnh việc cải thiện quản lý rừng bền vững sẽ giúp giảm thiểu phát thải carbon từ các hoạt động phá rừng và suy thoái rừng – một vai trò sống còn của rừng trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu. Ước tính tổng lượng phát thải carbon từ rừng đã giảm hơn 25% từ 2001 cho đến 2015, chủ yếu do giảm tỷ lệ phá rừng trên toàn cầu.

Con số của FAO quá lạc quan

Sẽ là vô cùng đáng mừng nếu Báo cáo của FAO phản ánh đúng thực trạng phá rừng trên toàn cầu theo hướng ngày càng suy giảm. Song cũng chính bởi những con số  “trong mơ” đó mà không ít ý kiến hoài nghi về kết quả này.

Hãng thông tấn xã AFP đã sử dụng cụm từ “lạc quan một cách ngạc nhiên” để mô tả báo cáo của FAO. Nhiều tờ báo khác như Bản tin World Rainforest Movement cũng đưa ra các lập luận phản bác. Riêng nhà hoạt động môi trường Chris Lang đã đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác với những dẫn chứng thuyết phục từ báo cáo cùng thời điểm của Giám sát rừng toàn cầu (GFW), đăng tải trên trang web REDD-monitor do chính mình quản trị.

Chris Lang(*) dẫn số liệu vệ tinh do GFW cung cấp cho rằng thế giới đã mất đi 18 triệu ha rừng trong năm 2014, trong đó gần 10 triệu ha nằm ở các khu vực nhiệt đới.

150914_matrung2

Đường kẻ mầu đỏ trong biểu đồ trên thể hiện tỷ lệ mất rừng trung bình trong 3 năm, cho thấy nạn phá rừng có sự giảm nhẹ trong khoảng 2006-2011, nhưng lại tiếp tục tăng sau đó (đặc biệt là vào năm 2012).

Theo phân tích của Chris Lang, nguyên nhân khác biệt của hai báo cáo chính là do FAO và GFW sử dụng định nghĩa về rừng khác nhau. Năm 2000, FAO giảm tỷ lệ che phủ tiêu chuẩn từ 20% xuống còn 10% khi xác định một khu vực là rừng. Trong khi đó, GFW xác định tỷ lệ này nằm ở mức 30% trong các nghiên cứu của mình.

Bên cạnh đó, định nghĩa rừng của FAO bao gồm cả khu vực cây công nghiệp, đồn điền cao su, những khu rừng suy thoái trầm trọng và thậm chí cả những nơi được phát quang. Theo FAO, “bản thân khai thác gỗ không gây ra mất rừng nếu rừng được phép tái sinh,” vì vậy, khu vực phát quang vẫn được coi là “rừng tạm thời suy kiệt”. Còn đối với GFW, việc rừng có thực sự tồn tại hay không là một tiêu chuẩn quan trọng, cho nên phát quang rừng để trồng cây công nghiệp cũng được tính là mất rừng.

Thế nhưng, thành viên trong nhóm phân tích dữ liệu cho báo cáo FRA của FAO – ông Rod Keenan lại khẳng định: “nếu sử dụng cùng các chỉ số và định nghĩa (bao gồm cả mức độ che phủ), kết quả đánh giá năm 2015 của FAO là đồng nhất với các nghiên cứu khác”.

Vậy tại sao lại có sự trái ngược giữa kết luận của FAO và GFW? Chris Lang dẫn lời giải thích của Giám đốc toàn cầu Chương trình Rừng thuộc Viện Tài nguyên Thế giới, cho rằng báo cáo của GFW chỉ ra cả những điểm nóng phá rừng mới phát sinh ở các quốc gia nhiệt đới chủ chốt, trong đó có một vài điểm trước đây chưa từng xuất hiện trên bản đồ radar. Quả thực, chúng ta đang phải chứng kiến rừng bị tàn phá nhanh chóng tại lưu vực Mê Kông và một số quốc gia Tây Phi như Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Sierra Leone, chưa kể đến Madagascar, Gran Chaco phía Nam Mỹ và các quốc gia Argentina, Paraguay, Bolivia…

(*)Tốt nghiệp tại Viện Tài nguyên Rừng Oxfort, mặc dù trước đó là một kiến trúc sư, nhà hoạt động môi trường Chris Lang bắt đầu làm việc cho nhiều tổ chức Phi chính phủ về môi trường và xã hội như World Rainforest Movement (WRM), TERRA. Từ năm 2008, Lang khởi động và bắt đầu quản trị website REDD-Monitor (www.redd-monitor.org).