Phương pháp mới nghiên cứu tình trạng loài không xương sống

ThienNhien.Net – Theo Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) – danh sách chính xác nhất về tình trạng đa dạng sinh học trên thế giới – từ năm 1600, đã có 830 loài tuyệt chủng. Nghĩa là tương đương với khoảng 2 loài biến mất mỗi năm, tỷ lệ gần ngang bằng với thời kỳ đồ đá. Điều này đã làm dấy lên nghi vấn về một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang diễn ra.

Trên thực tế, mặc dù 99% động vật được thống kê là các loài không xương sống, Sách Đỏ chỉ chủ yếu ghi nhận tình trạng của động vật có xương sống, đặc biệt là các loài chim và động vật có vú, và một phần rất nhỏ các loài không xương sống.

Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra cách tiếp cận mới nhằm đánh giá tình trạng của các loài động vật không xương sống và khẳng định khả năng tuyệt chủng của các loài này đã bị đánh giá thấp trong quá khứ, mặc dù chính tỷ lệ này có thể giúp xác định các loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai với chi phí rẻ hơn và nhanh chóng hơn.

Loài ốc xanh lá cây (Ảnh: conservationmagazine.org)
Loài ốc xanh lá cây (Ảnh: conservationmagazine.org)

Trong nghiên cứu đầu tiên, một nhóm chuyên gia bao gồm các nhà phân tích, nhà toán học, và sinh vật học đã sử dụng 200 mẫu ốc sên đất, được lựa chọn ngẫu nhiên từ 17.102 loài ốc sên toàn cầu, và áp dụng hai cách tiếp cận độc lập để ước tính tỷ lệ tuyệt chủng.

Ở cách tiếp cận thứ nhất, các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu từ các ấn phẩm khoa học, các bộ sưu tập trong bảo tàng, và tham vấn các chuyên gia phân loại để đánh giá khả năng tồn tại của một loài ốc sên nhất định. Cách tiếp cận thứ hai mang tính định lượng hơn, với các mô hình toán học dựa trên hồ sơ thu thập được từ bốn bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn.

Kết quả phân tích thứ hai có vẻ bi quan hơn so với phân tích của chuyên gia, nhưng cả hai đều dẫn đến những kết luận tương tự. Ngoại suy từ ốc sên đến các loài khác, kể cả các loài động vật không xương sống còn ít được biết đến, các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 7% động vật trên cạn được biết đến, tương đương với khoảng 130.000 loài đã biến mất trong thời gian qua.

Một số thành viên của nhóm nghiên cứu đã cùng với các nhà sinh vật học nghiên cứu về loài ốc khác áp dụng một phương pháp tương tự để đánh giá chi tiết hơn về sự tuyệt chủng gần đây của loài ốc đất thân mềm amastrid, chỉ có thể tìm thấy tại quần đảo Hawaii.

Phân tích này dựa trên các hồ sơ thu thập từ Bảo tàng Bishop tại Honolulu, thông tin từ nhiều chuyên gia ốc đất thân mềm khác nhau và từ trường dữ liệu 10 năm về các cuộc điều tra ốc đất trên sáu hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hawaii.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, trong số 282 loài ốc hiện đại, 88 loài đã hoàn toàn tuyệt chủng, chỉ có 15 loài được biết đến vẫn còn tồn tại trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. Ít nhất 40% cho đến 95% loài ốc đã biến mất. Như vậy, con số 33 loài ốc đã tuyệt chủng theo phân loại trong Sách Đỏ của IUCN là xem nhẹ tình trạng hiện tại.

Vậy theo mục đích cốt lõi của Sách Đỏ, nên phân loại thứ tự ưu tiên của các loài không xương sống đang còn tồn tại như thế nào để có thể xác định loài cần được bảo tồn?

Để trả lời cho câu hỏi trên, nhà khoa học Nathan Whitmore thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã đã tiến hành nghiên cứu liên quan đến một loài ốc khác:  ốc cây xanh Manus – một sinh vật ấn tượng với một cơ thể nhợt nhạt và lớp vỏ xoáy trôn ốc có độ bóng cao chỉ có thể tìm thấy trên đảo Manus thuộc Papua New Guinea.

400 người dân địa phương đã được mời tập hợp tại khu chợ trung tâm của hòn đảo để vẽ bản đồ phân bố và sự phong phú của loài ốc này vào năm 2013 (tức thời điểm nghiên cứu), và theo  trí nhớ của họ từ năm 1998.

Phương pháp này dựa trên thuyết “Trí tuệ Đám đông” – tổng hợp kiến ​​thức của rất nhiều cá nhân thành một ước tính khá chính xác.

Theo báo cáo của Whitmore trên tạp chí Oryx, kết quả phân tích cho thấy số lượng loài ốc cây xanh Manus đang giảm dần, đồng thời các khu vực phân bổ cũng ít hơn vào năm 2013 so với năm 1998. Các phân tích cũng hé lộ mối liên hệ giữa quần thể ốc với độ che phủ rừng đang giảm dần trong những năm gần đây do các hoạt động phát triển trên đảo Manus.

Dựa vào phân tích trên, IUCN đã quyết định phân loại loài ốc này vào trạng thái “sắp bị đe dọa” trong Sách Đỏ năm 2015, dù trước đó khẳng định là không đủ thông tin.

Theo ông Whitmore, cách tiếp cận này không thể thay thế hoàn toàn các nghiên cứu sinh thái định lượng kỹ lưỡng. Nhưng trong điều kiện không có hỗ trợ tài chính cho hầu hết các nghiên cứu về các loài không xương sống, phương pháp “Trí tuệ Đám đông” còn tốt hơn là không có kết luận nào.