Tòa án đừng để dân phải… tự xử!

ThienNhien.Net – Thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách diễn ra ngày 24-8, một số ĐBQH lo ngại, nếu quy định: “Toà án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng…” sẽ dễ xảy ra tình trạng oan, sai. Ngược lại, nếu bỏ quy định này, tức để dân “tự xử” thì Nhà nước sẽ có lỗi với dân.

Dân “kêu”, sao lại từ chối?

ĐB Trần Đình Nhã (đoàn ĐBQH Thừa Thiên – Huế) cho rằng, quy định “Toà án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng mà phải áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng để xử lý” không phải là vấn đề mới mà thực chất chúng ta đã áp dụng. Song, qua thực tế áp dụng dần dần đã xảy ra tình trạng “lợi bất cập hại”. Đồng quan điểm, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu: “Có rất nhiều vụ việc dù đã có luật quy định còn xử sai, thậm chí cả 3 cấp xét xử còn sai, bây giờ quy định Tòa án không được từ chối giải quyết, nhưng nếu không có luật thì xử thế nào, chưa kể đến việc… nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Một số ĐBQH khác lo ngại tính khả thi của quy định này, bởi thế nào là lẽ công bằng, rồi tập quán mỗi nơi một khác, rất khó thống nhất, thẩm phán cũng rất khó xét xử.

Ngược lại, nhiều ĐBQH nhấn mạnh đây là một quy định tiến bộ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền dân sự của công dân. ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM cho rằng, không thể chấp nhận được việc Tòa án có quyền từ chối giải quyết tranh chấp dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng. “Nếu một người nhân danh thẩm phán mà nói không có pháp luật, không biết xử kiểu gì thì không nên làm thẩm phán. Tòa án phải nhân danh công lý, nhân danh lẽ phải để xét xử” – ông Trần Du Lịch nói. Tương tự, Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào phân tích, nếu Tòa án từ chối xét xử các vụ tranh chấp dân sự thì sẽ đẩy dân vào hoàn cảnh phải… tự xử với nhau, hậu quả sẽ rất khó lường.

Đặt vấn đề “nhân dân lập ra Nhà nước là để giải quyết việc của dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Vậy khi dân “kêu”, sao Nhà nước lại từ chối xét xử? Theo Chủ tịch Quốc hội, Hiến pháp giao cho Tòa án quyền tư pháp, quyết định phải-trái, đúng-sai để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân nên Tòa án không thể viện cớ không có điều luật quy định để từ chối xét xử. “Tòa phải tìm cách mà xử, theo lẽ phải, công bằng để xử cho đúng. Một khi tòa xử rồi là phải theo, như thế dân mới sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật được. Tòa xử oan thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Các phiên tòa dân sự sẽ giúp hạn chế tình trạng phức tạp ngưới dân tự giải quyết với nhau
Các phiên tòa dân sự sẽ giúp hạn chế tình trạng phức tạp ngưới dân tự giải quyết với nhau

Cần có quy định về hoạt động giám sát

Tiếp tục thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ĐB Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chỉ ra thực trạng: “Hoạt động giám sát của chúng ta dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung vẫn còn hình thức, còn cưỡi ngựa xem hoa”. Cho rằng cái gốc của vấn đề này là do hoạt động giám sát chưa bám sát thực tế, ĐB Bùi Mạnh Hùng đề nghị cần bổ sung thêm chức năng kiểm tra khi quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong luật này. “Tới đây chúng ta đi giám sát về đất rừng, tôi dám chắc nếu chỉ giám sát trên văn bản báo cáo thì đất rừng của ta còn nhiều lắm, nhưng có đi thực tế kiểm tra mới thấy đất rừng đang giảm sút nghiêm trọng. Nếu không kiểm tra thì sẽ khó kết luận chính xác, như thế có khi còn là tiếp tay cho sai phạm” – ĐB Bùi Mạnh Hùng dẫn chứng.

Tán thành quan điểm này, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, lâu nay dù giám sát chuyên đề hay giám sát báo cáo các bộ, ngành, giám sát khiếu nại của cử tri, hầu như các đoàn giám sát đều nghe báo cáo là chính. Theo ĐB Đỗ Văn Đương, cần có quy định về các phương thức giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát. Cụ thể, khi giám sát cần theo trình tự: thứ nhất, vẫn nghe báo cáo từ đơn vị được giám sát; thứ hai, phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc liên quan đến phạm vi giám sát; thứ ba, phải xem xét tại chỗ, chẳng hạn giám sát cơ sở ô nhiễm thì phải đến tận nơi, lập biên bản… Đồng thời, mọi cuộc giám sát đều phải ban hành kết luận và bên được giám sát khi đã chấp nhận kết luận đó thì buộc phải thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra: “Trong dự thảo luật lần này vẫn chưa quy định rõ hoạt động giám sát, hiệu quả như thế nào, đem lại kết quả gì. Chất lượng giám sát của ta, kể cả giám sát tối cao của Quốc hội, HĐND vẫn trôi đi đâu mất, trong khi đây là trọng tâm, là điểm mấu chốt của dự luật này”. Theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi một cuộc giám sát khi kết thúc cần phải cho ra được 2 kết quả: một là các kiến nghị, khi nhận được kiến nghị đương nhiên các chủ thể giám sát phải nghiên cứu, tiếp thu, trả lời chấp nhận hay không; thứ hai là kết luận. Giá trị pháp lý của kết luận cao hơn nhiều so với kiến nghị. Người ra kết luận phải chịu trách nhiệm về kết luận do mình đưa ra, còn người chịu giám sát phải chấp hành, thi hành kết luận đó.