Gia Lai: “Vàng tặc” lại lộng hành

ThienNhien.Net – Tại tiểu khu 416 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa (huyện Đắk Đoa), “vàng tặc” ngang nhiên khoét núi Đắk K’dók, đào, đãi vàng trái phép. Lán trại dựng lên, súng độ chế, dao, mã tấu… được trang bị để giữ vàng và chống đối lực lượng chức năng. UBND huyện, CA huyện Đắk Đoa nhiều lần tổ chức truy quét, đốt máy móc, lán trại… nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động.

Băng rừng tìm “vàng tặc”

Để xâm nhập bãi vàng, chúng tôi được 2 cán bộ thôn Bok Rei (xã Đắk Sơmei), 2 cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk Đoa dẫn đường. Xe máy để ở bìa rừng, phải cuốc bộ, leo lên những con dốc thăm thẳm. Đường mòn dẫn lên núi Đắc K’dók (thôn Bok Rei) giống như sợi dây thừng ngoằn ngoèo, vắt qua vách núi dựng đứng. Một bên đường là vực, một bên là vách núi, chỉ cần sẩy chân là bỏ mạng.

Gần đến bãi vàng, một cán bộ căn dặn, phải chú ý tránh các giếng vàng cũ, bởi chúng sâu đến 25m, miệng rộng 2m. “Rớt xuống thì hết lên, không gãy tay, chân thì cũng gãy cổ”, một cán bộ nói. Dọc đường, đoàn chúng tôi giáp mặt hai “vàng tặc” lưng mang balô, một cán bộ nhận định, chúng đang “tiếp tế lương thực”. “Ai hỏi thì chúng trả lời đi lấy măng rừng, rà sắt”, cán bộ khác cho biết.

Bãi vàng ở núi Đắk K’dók (thôn Bok Rei, xã Đắk Sơmei, huyện Đắk Đoa) đang được khai thác trái phép.
Bãi vàng ở núi Đắk K’dók (thôn Bok Rei, xã Đắk Sơmei, huyện Đắk Đoa) đang được khai thác trái phép.

Càng vào sâu, các bãi vàng cũ dần hiện ra. Đất đai bị xới tung nham nhở, cây cối xung quanh bật gốc, ngã rạp. Lán trại, máy móc vương vãi, nằm lăn lóc khi bị đoàn liên ngành đốt phá trước đó.

“Để đưa máy móc vào rừng sâu, “vàng tặc” tháo rời, khiêng bộ từng bộ phận. Đến nơi thì lắp ráp, tổ chức khai thác”, cán bộ thôn Bok Rei khẳng định. Tại tiểu khu 416 núi Đắk K’dok, cán bộ địa phương ra hiệu giáp mặt một bãi vàng đang khai thác. Thấy người lạ, một đối tượng dừng hẳn việc kéo dây tời đang quay dở. Đối tượng thứ 2, tóc chấm vai, xăm trổ đầy tay, từ dưới đất chui lên “tiếp chuyện”.

“Sao mình biết chỗ này có vàng mà đào”. “ Thì mình cứ đào tù mù vậy, chỗ nào khả nghi thì mình đưa lên thử mâm – tức lấy đất, đá, cát có lẫn vàng, sàng qua sàng lại ở nước sẽ đọng vàng ở đáy mâm. Có thì được, không có thì thôi, 10 ngày, nửa tháng không có thì về”, đối tượng này nói.

Cách bãi 100m, lán trại với đầy đủ võng ngủ, nồi niêu, xoong chảo, gạo, mắm muối, cá khô được dự trữ để phục vụ cho việc khai thác lâu dài. “Cai vàng” có Võ Đình Khối (SN 1960) đang ngồi ra lệnh, chỉ đạo. Ông Khối nói thẳng là chỉ khai thác trên hầm cũ của các đối tượng đến từ tỉnh Thái Nguyên để lại.

Địa phương né tránh trách nhiệm

Trưởng CA xã Đắc Sơmei – Vũ Hữu Hân cho biết, từ tháng 7-8, đoàn liên ngành gồm UBND xã Đắk Sơmei, kiểm lâm địa bàn, BQLRPH Đắk Đoa, CA huyện Đắk Đoa đã 3 lần vào truy quét, đẩy đuổi. Các giếng vàng cũ, ông Hân khẳng định đó là các hầm vàng khai thác vào năm 2003, với 100-200 giếng như thế, cao điểm lên đến 1.000 người đổ xô khai thác. Hiện tại, các đối tượng lại đang khai thác chính trên các hầm vàng nói trên.

Báo cáo số 76/BC-UBND của xã Đắk Sơmei nêu: Ngày 23.7, tại bãi vàng thôn Bok Rei, CA xã phát hiện 3 đối tượng đào đãi, vàng trái phép, đã tiến hành xua đuổi, đập 1 máy nổ, 1 máy nghiền đất, 1 lán trại. Các đối tượng hứa không đào, đãi vàng, nhưng qua thông tin từ người dân các đối tượng đã quay lại. Các đối tượng là người lạ mặt, có hình xăm trổ trên người, trang bị giáo mác, mã tấu gây nhiều khó khăn cho lực lượng tuần tra. Cùng ngày, UBND xã phát hiện gần bãi vàng thôn Bok Rei có 5 đối tượng đang lập lán trại. CA xã, quân sự xã, ban quân dân thôn đã xua đuổi, tháo dỡ lán trại.

“Cứ 10-15 ngày, chúng tôi vào truy quét. Khi đến nơi, chúng trốn hết vào rừng, rất khó bắt. Thậm chí, đi ban đêm nhưng cũng không bắt được, chỉ tịch thu súng độ chế, đập phá máy móc, đốt lán trại”, Trưởng CA xã Đắc Sơmei – Vũ Hữu Hân, nói. Ông Hân cho biết, các đối tượng đào, đãi vàng là người xã Tân Sơn (TP.Pleiku), cao điểm 5-7 người.

“Chức năng quản lý khoáng sản bên mình không có quy định, lại không được trang bị công cụ hỗ trợ. Muốn truy quét thì phải phối hợp với công an, chứ đơn phương thì khó”. Trưởng BQLRPH Đắk Đoa – Hoàng Thi Thơ, nói.

Phó GĐ Sở TNMT tỉnh Gia Lai – Lương Thanh Bình khẳng định, việc để xảy ra tình trạng đào, đãi vàng trên địa bàn, trách nhiệm chính là của Ban QLRPH Đắk Đoa, UBND huyện Đắk Đoa. “Huyện “sơ suất” không báo cáo tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Đáng lẽ, huyện phải cử phòng chuyên môn của mình là phòng TNMT phối hợp, đằng này không cử lực lượng ra, đẩy trách nhiệm sang CA huyện”, ông Bình thẳng thắn.

Điều đáng nói, tại trụ sở UBND huyện Đắk Đoa, PV Lao Động nhiều lần liên hệ làm việc nhưng huyện này kiên quyết từ chối, dù văn phòng đã lấy số điện thoại, hứa báo cáo lãnh đạo.