Phải đảm bảo đời sống của người dân hậu dự án thủy điện

ThienNhien.Net – Đây là ý kiến của ông Thào Xuân Sùng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương khi đề cập đến thực trạng tỉ lệ hộ nghèo ở các vùng tái định cư các dự án thủy điện đang tăng cao, thậm chí có nơi người dân đòi về nơi ở cũ vì nơi ở mới không đủ điều kiện đảm bảo đời sống cho gia đình họ…

Đảm bảo đời sống người dân vùng thủy điện “hơn hoặc bằng nơi ở cũ” là mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định khi xây dựng các công trình thủy điện. Vì vậy, một hệ thống chính sách đã được ban hành, khâu tổ chức thực hiện nhìn chung khá nghiêm túc.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Ban Dân vận Trung ương (TƯ), ông Thào Xuân Sùng – Phó trưởng ban Dân vận TƯ cho biết vẫn có những nơi người dân “đòi” về nơi ở cũ vì nơi ở mới không đủ điều kiện đảm bảo đời sống cho gia đình họ, thậm chí có nơi chính quyền “đem con bỏ chợ” sau khi dân nhường đất để thực hiện các dự án thủy điện.

Người dân tại khu tái định cư Thủy điện Sơn La lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới
Người dân tại khu tái định cư Thủy điện Sơn La lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới

Chính quyền nhiều nơi “hứa rồi để đấy”

Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng các dự án tái định cư thủy điện, nhất là đầu tư cho đồng bào tái định cư có cuộc sống ở nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, cả về nơi ở lẫn nơi sản xuất. Song thực tế vẫn có tình trạng “chỉ hứa rồi để đấy”, phải không thưa ông?

– Đáng tiếc phải thừa nhận là có tình trạng như vậy. Cá nhân tôi cũng thấy cuộc sống của bà con vùng hậu thủy điện rất khó khăn. Ban Dân vận TƯ đã khảo sát và nhận thấy một số nơi cấp ủy, UBND các cấp, Ban quản lý dự án… thực hiện trách nhiệm chưa đầy đủ, tham mưu, tổ chức tái định cư có nơi, có lúc làm chưa tốt, nếu không nói là chưa vì dân. Vì thế, hiện nay có một số vùng, khu tái định cư, đồng bào thiếu những điều kiện cần thiết để sinh sống như đất xấu và ít hơn nơi ở cũ; thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước tưới ẩm, thiếu sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ có kiến thức về sản xuất, kinh tế để làm ăn, sinh sống.

Thậm chí người dân vùng hậu thủy điện còn chịu nghịch lý là “thiếu cả điện”. Thực sự đau lòng khi những người dân đã vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc phải di dời khỏi nơi ở, bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi mới nhưng lại không có điện để sử dụng.

Trong quá trình khảo sát, để tìm rõ lý do vì sao cuộc sống của người dân tái định cư không những không hơn nơi ở cũ mà thậm chí thiếu thốn mọi bề, chúng tôi đã tìm Ban quản lý dự án thì không thấy. Hỏi lãnh đạo một số UBND thì đều nhận được câu trả lời: dự án của nhiệm kỳ trước, họ không nắm được. Nói một số dự án di dân tái định cư thủy điện “đem con bỏ chợ” thì hơi quá, nhưng thực tế có một bộ phận đồng bào muốn trở về nơi cũ vì lời hứa của chính quyền không được thực hiện.

Từ câu chuyện đời sống của người dân vùng hậu thủy điện cho thấy, khi người dân đặt niềm tin vào các cơ quan công quyền thì các cơ quan công quyền phải có trách nhiệm đáp lại niềm tin đó, không thể chỉ hứa suông. Ông có đồng tình như vậy?

– Tôi hoàn toàn đồng tình vì đồng bào dân tộc thiểu số đã hy sinh lợi ích của riêng họ cho những mục đích lớn lao của đất nước, phải trân trọng những đóng góp của họ. Tôi nhắc lại, chăm lo, đảm bảo đời sống cho người dân thuộc diện tái định cư thủy điện luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Các biện pháp, chủ trương đều đã được ban hành, không có lý do gì không thực hiện nghiêm túc.

Mà xét đến cùng thì đó là trách nhiệm của cán bộ đối với dân, mình đã hứa thì phải thực hiện, nếu không thực hiện thì đừng hứa.

Ông Thào Xuân Sùng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương
Ông Thào Xuân Sùng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương

Giải pháp tối ưu là kiểm tra, giám sát

Ngay tại diễn đàn Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần thể hiện những bức xúc, lo lắng về đời sống của người dân vùng hậu thủy điện. Theo ông, những việc nào cần phải làm ngay để không còn những câu chuyện như vậy?

– Khi ban hành các chủ trương, giải pháp cho người dân vùng hậu thủy điện, TƯ đều lấy ý kiến và được các địa phương đồng ý. Như vậy không có lý do gì mà địa phương không thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp đó. Ngay các dự án khi được phê duyệt đều qui định rõ, Ban Quản lý dự án giúp Chủ tịch tỉnh đôn đốc thực hiện, còn chủ đầu tư, công ty thi công – bên B đã ký kết rồi thì phải thực hiện.

Như vậy, phải xem xét Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư thực hiện có đúng trách nhiệm không? Nói chung, chúng ta phải làm rõ trách nhiệm, đôn đốc, giám sát hai cơ quan này. Cùng với đó, phải nắm rõ, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy, trình độ thấp nên diện tích đất đai phải bảo đảm quy mô nhất định; đồng thời phải dạy nghề cho bộ phận cư dân tái định cư, tạo công ăn việc làm… Khi chúng ta làm tốt những vấn đề đó, tôi tin người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách mà TƯ đã ban hành.

Để chặn tình trạng“đem con bỏ chợ” đối với vùng hậu thủy điện, có ý kiến cho rằng cần phải siết chặt khâu giám sát hậu tái định cư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Nếu chưa đến mức phải thanh tra thì rõ ràng rất cần sự kiểm tra, giám sát của các cấp, nhất là cấp TƯ để đôn đốc cấp dưới, vì tất cả mọi việc đều liên quan đến người dân của địa phương. Đơn cử như Dự án di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, khi các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức giám sát, kiến nghị, cấp ủy các cấp sẽ ra văn bản chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục ngay và UBND các cấp sẽ thông qua Ban Quản lý dự án, sở, ngành tiến hành khắc phục. Đây là giải pháp tốt nhất.

Giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cũng rất quan trọng. Tôi cho rằng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tổ chức, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức giám sát hậu di dân tái định cư các công trình thủy điện. Bằng phương thức của Mặt trận “ba bám, bốn cùng” với bà con, Mặt trận sẽ nắm được chính xác vấn đề đã đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân chủ quan, khách quan, từ đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền thực hiện đúng các chủ trương, giải pháp. Có như vậy, bộ phận nhân dân yếu thế này sẽ được chăm lo lợi ích mà người ta xứng đáng được nhận.

Trân trọng cảm ơn ông!