Gần 10 tỷ và hơn 14 tỷ từ… phá rừng

ThienNhien.Net – 6 tháng đầu năm 2015, Lâm Đồng thu nộp ngân sách từ các vụ vi phạm lâm luật là 9,9 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này của cả năm 2014 là 14 tỷ 410 triệu đồng.

Một cánh rừng thông thuộc rừng đầu nguồn ở Lâm Đồng bị chết đứng vì nạn ken cây...
Một cánh rừng thông thuộc rừng đầu nguồn ở Lâm Đồng bị chết đứng vì nạn ken cây…

Số tiền thu nộp ngân sách từ những vụ phá rừng luôn luôn là những con số không đáng vui. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng lần thứ 14 khóa 8 vừa được tổ chức mới đây, ngành chức năng đã đưa ra một vài số liệu khiến nhiều người quan tâm một cách đặc biệt.

Đó là 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 1.049 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng – tăng 5,5% so với cùng kỳ 2014; trong đó, số vụ phá rừng trái phép chiếm 279 vụ với tổng diện tích rừng bị phá gần 115ha (tăng 54,8ha so với cùng kỳ 2014).

Với 1.049 vụ vi phạm lâm luật trong 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xử lý 862 vụ; qua đó đã tịch thu 1.150m3 gỗ các loại, 396 phương tiện vi phạm và thu nộp ngân sách 9,9 tỷ đồng.

Nhắc lại những con số này của cả năm 2014: Trong 1.615 vụ vi phạm, tính đến cuối năm, cơ quan chức năng đã xử lý 1.554 vụ; qua đó tịch thu 1.639m3 gỗ các loại, 539 phương tiện vi phạm và thu nộp ngân sách 14 tỷ 410 triệu đồng.

Cũng tại kỳ họp nói trên, vấn đề vi phạm lâm luật được nêu ra một cách thẳng thắn rằng: Đã xảy ra một số vụ phá rừng có tổ chức và chống người thi hành công vụ với nhiều người tham gia.

Thêm vào đó là tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép xảy ra nghiêm trọng tại hầu hết các địa phương; tình trạng san ủi đất rừng, ken cây, bỏ hóa chất làm chết cây rừng (thông ba lá) để lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương diễn ra nghiêm trọng…

Năm 2015, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu giảm số vụ vi phạm lâm luật 20%; tức là từ 1.651 vụ năm 2014 sẽ giảm xuống còn khoảng 1.200 vụ.

Trong giải pháp 6 tháng cuối năm 2015, tại kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng nêu ngắn gọn: “Tiếp tục thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, khoáng sản; điều tra làm rõ và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân xâm hại đất rừng, tài nguyên rừng trong thời gian vừa qua; thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán, khoán quản lý bảo vệ rừng năm 2015…”.

Thoáng qua “nhiệm vụ và giải pháp” này, tưởng chừng như đơn giản; nhưng nếu đặt hai con số gần 10 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2015 và hơn 14 tỷ đồng của cả năm 2014 cạnh nhau, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng nhiệm vụ và giải pháp đó thật không đơn giản tí nào!