Tây Nguyên: Bất chấp cảnh báo, dân ồ ạt trồng hồ tiêu

ThienNhien.Net – Do giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục 200.000 đồng/kg, người dân Tây Nguyên đang ồ ạt chặt bỏ caosu, càphê để trồng hồ tiêu bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp và địa phương.

Nông dân Đắc Lắc đang tất bật dựng trụ để trồng hồ tiêu. Ảnh: Đ.T.K
Nông dân Đắc Lắc đang tất bật dựng trụ để trồng hồ tiêu. Ảnh: Đ.T.K

“Cây tiêu là số 1…”

Chỉ những dây tiêu mới trồng leo trên gốc caosu, ông Nguyễn Hành – xã Ea Pô, Cư Jút, Đắc Nông – cay cú nói: “5 năm trước, tôi đầu tư 300 triệu đồng để trồng 2ha caosu, đến ngày khai thác, mủ caosu rớt giá, tiền bán không đủ thuê nhân công. Tôi đành rong hết cành, dùng thân cây caosu làm trụ, đầu tư thêm 300 triệu nữa để trồng tiêu”. Tuy chán nản tận cùng, nhưng trong mắt lão nông kỳ cựu vẫn ánh lên niềm hy vọng: “Nếu không gặp bất trắc, chỉ 3 năm nữa thôi, mỗi năm tôi sẽ thu bạc tỉ từ vườn tiêu này, lúc đó nhà lầu, xe hơi là chuyện nhỏ. Cây tiêu bây giờ là số 1 đó chú…”.

Không riêng ông Hành, hàng trăm nông dân khắp các xã phía tây huyện Cư Jút cũng ồ ạt rong cành, biến caosu thành trụ trồng tiêu. Đây là vùng caosu mới nổi, nghĩa là người dân đã dốc hết vốn liếng, nhưng chưa hề được biết cảm giác “mở mắt ra là có vài triệu” như thời hoàng kim của cây caosu. Nhiều nông dân ở huyện Krông Năng (Đắc Lắc) lại chặt phá càphê, dựng trụ trồng hồ tiêu. Ông Lê Văn Hùng (xã Ea Hồ) đang tất bật dựng trụ bêtông trên 1ha càphê mới chặt, chuẩn bị thả dây tiêu cho kịp những cơn mưa đầu mùa. “Trên 1ha đất, càphê hay tiêu đều cho sản lượng khoảng 2,5 tấn, trong khi giá tiêu cao gấp 4 – 5 lần thì để càphê làm gì nữa” – ông Hùng giải thích.

Còn tại xã Thuận Hà (huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông), người dân lại trồng tiêu theo kiểu “đánh nhanh rút gọn” trên đất… phá rừng. Dọc hai bên quốc lộ 14C, những cánh rừng vừa bị chặt trụi để lấy “đất mới”, cây rừng được xẻ làm trụ thả tiêu. Bà Hà Thị Bích cho biết: “Tiêu trồng lâu kiểu gì cũng dịch bệnh, giá tiêu cũng chưa biết thế nào. Chi bằng đầu tư ít, tranh thủ thu hoạch đôi ba năm, có rủi ro cũng đỡ thiệt hại”. Trong khi đó, các hộ làm tiêu giống, những người đúc trụ tiêu cũng đang tất bật, làm không hết việc… Sức nóng từ cây hồ tiêu đang không ngừng tăng nhiệt.

Tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh

Ông Trịnh Tiến Bộ – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Đắc Lắc – cho biết: “Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 15.000ha hồ tiêu, nhưng hiện nay diện tích đã lên khoảng 17.000ha rồi”. Còn TS Trần Vinh – Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên – cho rằng, giá tiêu giữ mức 180.000 – 200.000 đồng/kg từ năm 2007 đến nay đã kích thích người dân trồng ồ ạt. Diện tích biến động mạnh, rất khó nắm bắt, chỉ ước lượng toàn vùng Tây Nguyên đang có khoảng 60.000ha. Cũng theo TS Vinh, đáng lo ngại là nhiều diện tích trồng trên đất không phù hợp, khiến vốn đầu tư tăng cao nhưng hiệu quả thấp, lại tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện Việt Nam chưa có vườn giống chuẩn, giống tiêu chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác nên có hàng chục loại giống, lai tạp. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, khó kiểm soát dịch. “Nguy hiểm là sau vài năm, cây tiêu mới đổ bệnh, lây lan nhanh và chết hàng loạt, đặc biệt do bệnh tuyến trùng hại rễ” – ông Vinh nói.

Thị trường hồ tiêu thế giới cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng sụp đổ do cung vượt cầu có thể xảy ra trong một vài năm tới. Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN, theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, cả nước mới có 50.000ha hồ tiêu nhưng hiện nay đã là 80.000ha. Với đà tăng diện tích như hiện nay, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi – khoảng trên 200.000 tấn/năm – trong một vài năm tới. Khi nguồn cung trên thế giới dư thừa, ngành hồ tiêu VN sẽ chết trước do tỉ lệ tiêu chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế trong tổng sản lượng rất thấp. Do vậy Hiệp hội Hồ tiêu VN khuyến cáo phải lập tức ổn định diện tích, đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng để hạn chế thấp nhất rủi ro.