Trận cuồng phong kinh hoàng tại Hà Nội: Hé lộ sự cẩu thả của việc trồng cây mới?

ThienNhien.Net – Sáng ngày 14.6, khảo sát của Lao Động trên một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương… rất nhiều cây vừa được trồng thì đã đổ gục xuống đường. Tại đường Khuất Duy Tiến chỉ trong vòng chưa đầy 1km đã có hơn chục cây bật gốc. Điều đáng nói, theo quan sát của PV những cây bị đổ xuống được trồng vô cùng cẩu thả, rất nông, nhiều cây khi bị đổ xuống mới phát hiện là đang còn nguyên cả bọc bầu.

Những cây mới được trồng đã bật gốc trên đường Khuất Duy Tiến vẫn còn nguyên bọc bầu trong trận cuồng phong lớn xảy ra ngày 13.6. Ảnh Cao Nguyên
Những cây mới được trồng đã bật gốc trên đường Khuất Duy Tiến vẫn còn nguyên bọc bầu trong trận cuồng phong lớn xảy ra ngày 13.6. Ảnh Cao Nguyên

2 người chết, hàng chục người bị thương

Cơn giông mạnh vào chiều ngày 13.6 đã khiến hàng trăm cây tại các con phố trên địa bàn Hà Nội và các biển quảng cáo đã đổ sập. 2 người đi đường không may đã bị cây đè chết, hơn 10 người bị thương, hàng trăm ôtô, xe máy bị cây đè gây hư hại nghiêm trọng.

Nạn nhân tử vong là chị Đào Thị Oanh (21 tuổi) bị cây xanh đổ đè vào xe đạp điện trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng) và ông Dương Quang Thọ (61 tuổi, ở Tứ Liên, Tây Hồ) đi xe máy bị cây đè tại ngã tư Quang Trung – Nguyễn Du.

Chị Phạm Thị Luyện (SN 1987) khi đi xe máy qua KĐT Mễ Trì đã bị một tấm biển quảng cáo cỡ lớn rơi xuống trúng vào người. Thượng Sĩ CSCĐ Nguyễn Anh Quốc tổ Y5/141 đang làm nhiệm vụ kịp thời hỗ trợ và đưa chị đến bệnh viện 198. Trong cơn giông vừa qua, khoa cấp cứu bệnh viện 198 đã cấp cứu gần 10 trường hợp bị ngã xe, bị cột biển báo, bị cây đổ. Tổ công tác Y5/141 hai chiến Sĩ Phòng CS PCCC Cầu Giấy trên đường đi làm nhiệm vụ cũng kịp thời đưa một phụ nữ cấp cứu vì bị tấm quảng cao lớn trên đường Trần Duy Hưng đổ vào người.

 Một chiếc Honda CR-V "tử nạn" do cây cổ thụ đổ khi đang đỗ dưới đường. Rất may không ai bị thương.
Một chiếc Honda CR-V “tử nạn” do cây cổ thụ đổ khi đang đỗ dưới đường. Rất may không ai bị thương.

Thời điểm xảy ra mưa giông nhiều người đang điều khiển phương tiện giao thông đã bị gió quật ngã làm bị thương. Nhiều người phải bỏ xe giữa đường để tìm nơi trú cơn lốc xoáy giật mạnh. Cây đổ, cành lá vung vãi trên đường. Niều ngôi nhà, trung tâm thương mại bị vỡ kính, bay mái tôn…

Hé lộ sự cẩu thả của việc trồng cây mới? 

Sáng ngày 14.6, khảo sát của Lao Động trên một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương… rất nhiều cây vừa được trồng thì đã đổ gục xuống đường. Tại đường Khuất Duy Tiến chỉ trong vòng chưa đầy 1km đã có hơn chục cây bật gốc.

Điều đáng nói, theo quan sát của PV những cây bị đổ xuống được trồng vô cùng cẩu thả, rất nông, nhiều cây khi bị đổ xuống mới phát hiện là đang còn nguyên cả bọc bầu.

Bà Mai Thị Hạnh (Thanh Xuân) chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ khi thấy hàng loạt cây mới được trồng rất cẩu thả, hời hợt, không có sự gắn kết với mặt đất. Gần như “họ” chỉ đặt gốc cây vào đó chứ không đào hố sâu, chèn nhiều đất cho chắc. Với kiểu trồng ấy, tôi nghĩ chỉ cơn gió khá mạnh là đã đổ rồi, huống gì cơn giông lớn như chiều ngày 13.6”.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết trận mưa giông xảy ra lúc 17 giờ ngày 13.6 tại Hà Nội đã gây gió giật tới cấp 9 tại Hà Đông và cấp 8 tại Láng. Tuy nhiên, lượng mưa không quá lớn. Các điểm đo mưa của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội ghi nhận lượng mưa tập trung lúc 17 – 17 giờ 20′ đo được tại Vân Hồ là 34mm, Cầu Giấy 16,4mm, Hoàn Kiếm 27,2mm…

Theo nguồn tin này, chiều tối và đêm ngày 14.6, Hà Nội chuyển nhiều mây, có mưa rào và giông rải rác, cần đề phòng gió giật mạnh, lốc, tố trong cơn giông.

Hàng chục cây xanh đổ ở công viên Thống Nhất đè lên khu vui chơi của trẻ em. 
Hàng chục cây xanh đổ ở công viên Thống Nhất đè lên khu vui chơi của trẻ em  

Theo ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cơn mưa giông vào chiều 13.6 có thể coi là một cơn “siêu giông” bắt nguồn từ những ổ giông nhỏ ở Hòa Bình. Ổ giông này di chuyển từ Hòa Bình tới các quận phía Tây Nam Hà Nội. Khi đi vào nội thành thì cơn giông đạt đến đỉnh điểm.

Trước đó, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hình ảnh chụp từ ra đa thời tiết và ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những đám mây đối lưu từ khu vực tỉnh Hòa Bình di chuyển về phí Hà Nội trong chiều 13.6. Những đám mây đối lưu gây mưa rào và giông trước khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận, huyện Chuơng Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, sau đó lan dần đến các khu vực khác trong nội thành.

Cơn cuồng phong vào chiều ngày 13.6 đã gây sự cố làm gián đoạn việc cung cấp điện cho các phụ tải khu vực Quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… Ngay sau đó, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã yêu cầu các Công ty Điện lực khẩn trương huy động mọi nguồn lực tập trung khắc phục sự cố để đảm bảo cấp . Ngày 14.06.2015 Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã cơ bản cấp điện trở lại phục vụ nhân dân.