Nhập nhèm xâm lấn đất rừng

ThienNhien.Net – Xâm lấn rừng tự phát là câu chuyện không mới của các địa phương có rừng thời gian qua, tuy nhiên trong quá trình quy hoạch và quản lý rừng đặc dụng thì nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng chồng lấn quyền sử dụng đất, dẫn đến đất rừng bị thu hẹp dần…

Nhiều hộ dân được giao đất rừng không hề biết khu đất đang nằm trong khu vực chồng lấn, dẫn đến tranh chấp. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Nhiều hộ dân được giao đất rừng không hề biết khu đất đang nằm trong khu vực chồng lấn, dẫn đến tranh chấp. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nhóm nghiên cứu gồm bà Nguyễn Hải Vân, ông Nguyễn Việt Dũng và các cán bộ thuộc Trung tâm Con người và Thiên Nhiên (PanNature) cho biết, kể từ năm 1980 đến nay thì tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của Việt Nam đã suy giảm ở mức độ nghiêm trọng. Trong đó, tỷ lệ che phủ rừng từ 43% (năm 1943) thì đã giảm chỉ còn 27,8% (năm 1990). Đáng chú ý, Chính phủ đã xây dựng cấp bách Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 1991) và Luật Đất đai (năm 1993) để phân loại rừng sản xuất và khai thác và rừng cần được bảo tồn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, quá trình quy hoạch, thành lập và mở rộng liên tục các khu rừng đặc dụng (RĐD) đã không tránh khỏi những sai sót không đáng có. Trong đó, tình trạng chồng lấn quyền sử dụng đất giữa Ban Quản lý (BQL) các khu RĐD và người dân địa phương.

Theo các khảo sát của PanNature, Trung tâm Tư vấn và Quản lý Tài nguyên (Corenarm) và Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) thì chỉ trong năm 2014 có đến 47,4% các khu RĐD được tham vấn có hoặc có khả năng hiện tượng chồng lấn quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, có đến 61,7% trường hợp chồng lấn xảy ra ở các RĐD thuộc các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, và có xu hướng giảm dần ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (30%) và Nam Bộ (8%).

Thời gian qua, quy mô chồng lấn được phát hiện tại các khu vực vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) với diện tích khoảng 1,5 – 2 nghìn ha. Trong khi đó tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Hòa Bình) phát hiện đến hơn 1.045 hộ gia đình nằm trong khu vực diện tích 10.000 ha. Hiện nay, các VQG Cúc Phương, Cát Tiên, Bái Tử Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Canh đang nỗ lực để giải quyết triệt để tình trạng nêu trên, tuy nhiên kết quả còn nhiều hạn chế.

Tình trạng chồng lấn tranh chấp nêu trên là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy hoạt động phá rừng xâm lấn và xâm canh (trái phép), trực tiếp đe dọa hiệu quả của các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học trong RĐD. Điển hình như Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông hiện đang phải đối mặt với tình trạng khai thác gỗ lậu, xâm canh đất rừng, những mâu thuẫn về quyền tiếp cận và hưởng lợi từ đất rừng, cũng như khó khăn trong việc củng cố niềm tin và thúc đẩy hợp tác giữa các BQL khu bảo tồn thiên nhiên với cộng đồng và chính quyền địa phương. Ngoài Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tại Khu bảo tồn tự nhiên Kim Hỷ (Bắc Cạn) cũng xảy ra tình trạng chồng lấn trên diện tích 2450,44 ha đất lâm nghiệp giữa BQL và các hộ gia đình các xã Kim Hỷ, Ân Tình, Lương Thượng, Lạng San, Côn Minh (huyện Na Rì) và xã Cao Sơn, Vụ Muộn (huyện Bạch Thông). Tình trạng chồng lấn đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền khai thác gỗ hợp pháp của cộng đồng cư dân địa phương (được giao đất rừng – PV).

Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo, việc thành lập mới hoặc mở rộng các khu RĐD, thậm chí còn làm cho hàng nghìn người dân mất dần đất sản xuất, cản trở việc tiếp cận, khai thác và sử dụng lâm sản trên các khu vực mà họ đã được Nhà nước giao (50 năm) để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc hoặc phát triển rừng sản xuất theo Nghị định 02/CP của Chính phủ.

Theo PanNature, để giải quyết thực trạng nhức nhối nêu trên, bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân được giao đất rừng, cũng như bảo tồn các RĐD, khu bảo tồn thiên nhiên hiện nay thì các BQL rừng phải chủ động tách diện tích chồng lấn và giao lại cho người dân sử dụng.