Rút ngắn phương án di dời khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam

ThienNhien.Net – Chiều 10.6, UBND tỉnh Đồng Nai họp tiếp tục hoàn chỉnh đề án “Khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1” trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Tại cuộc họp, đã thống nhất rút ngắn phương án di dời KCN này.

Bên trong KCN Biên Hòa 1 đã ô nhiễm báo động. (Ảnh: Báo Lao động)
Bên trong KCN Biên Hòa 1 đã ô nhiễm báo động. (Ảnh: Báo Lao động)

Theo đề án, lộ trình thực hiện đề án sẽ được phân làm 3 giai đoạn, kéo dài từ 2015 – 2025, gồm 3 phương án: Phương án 1 sẽ thành lập Ban QLDA thực hiện GPMB, xây dựng hạ tầng. Sau đó, các doanh nghiệp tự chuyển đổi phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách và đóng góp chi phí đầu tư hạ tầng cho BQL; Phương án 2, các DN tự đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước, và phải gánh chi phí hỗ trợ ngừng sản xuất, hỗ trợ mất việc làm; Phương án 3 dựa vào việc Chính phủ cho cơ chế miễn giảm tối đa tiền đất, từ đó các DN tự chuyển đổi đóng tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư cấp 1, và các phí hạ tầng liên quan…

Ông Trần Thanh Hải – Phó TGĐ Tổng Cty Phát triển KCN (TCty Sonadezi) cho biết: Hiện nay việc tính toán chi phí di dời các doanh nghiệp đang làm ăn tại KCN Biên Hòa 1 là rất khó khăn. Vì theo cách tính khấu hao của các doanh nghiệp này đều bằng “0” do các doanh nghiệp đã làm ăn lâu đời tại KCN này. Điều này gặp phải sự phản đối của các doanh nghiệp.

Sau đó,ông Nguyễn Ngọc Thường – PGĐ Sở TNMT đã chủ trì họp báo cáo xây dựng cơ chế riêng, thống nhất ở các sở ngành. Theo đó, sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định “giá trị còn lại” của các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1. Sau đó, sẽ trình hội đồng thẩm định của tỉnh. Tổng mức đầu tư của dự án của cả 3 phương án đều trên 11.000 tỷ đồng.

Trong khi đề án vẫn đang còn nhiều tranh cãi thì số phận của người lao động tại KCN Biên Hòa 1 vẫn chưa biết đi về đâu. Theo Sở LĐTBXH, KCN Biên Hòa 1 có trên 26.000 lao động, trong đó nữ chiếm hơn 9.000, lao động ngoại tỉnh hơn 11.000 chiếm 43%. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động từ lâu, người lao động cũng đã có thâm niên nhiều năm cống hiến tại đây. Nhiều doanh nghiệp khi di dời đề nghị phải hỗ trợ tiền trợ cấp thôi việc đối với công nhân vị mất việc làm do không thể đến nơi làm việc mới và tiền lương công nhân bị ngưng việc trong thời gian di dời.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, vấn đề này cũng không được các sở ngành đề cập đến. Trong đề án, chỉ tính toán, đối với người lao động ngừng việc được hỗ trợ 1 tháng lương/tháng và phụ cấp lương, mức hỗ trợ cao nhất không quá 12 tháng (chỉ áp dụng với hợp đồng lao động đã làm việc từ 6 tháng trở lên); Đối với lao động nghỉ việc thì được hỗ trợ 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương cho mỗi năm thực tế làm việc (chỉ áp dụng với hợp đồng lao động đã làm việc từ 1 năm trở lên).

Ông Phúc kết luận: Đề án rút lại còn 2 phương án hoặc là nhà nước đứng ra làm chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án, thực hiện cuốn chiếu từng giai đoạn, hoặc thành lập công ty cấp 1 với hình thức là công ty cổ phần, cả 2 phương án đều phải có hỗ trợ di dời. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tự chuyển đổi nếu có đủ năng lực, đầu tư theo đúng quy hoạch, không phải đấu giá.

KCN Biên Hòa 1 là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam, hình thành từ năm 1963, tổng diện tích 335ha. Hiện KCN này có 52 cơ sở phát sinh khí thải, khói, bụi, gây ảnh hưởng đến môi trường chung, có cơ sở vượt tiêu chuẩn tới 11,49 lần. Mỗi ngày, 97 DN đang hoạt động tại KCN xả ra hơn 9.000m3 nước thải, trong đó chỉ có 1.100m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại được các DN tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai, khiến con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tổng nguồn vốn ban đầu để thực hiện chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa gần 15.000 tỉ đồng. Hiện, tỉnh Đồng Nai cũng chuẩn bị KCN Giang Điền (xã Giang Điền, huyện Trảng Bom), cách KCN Biên Hòa 1 khoảng 20km với quy mô 528ha để di dời với một NM xử lý nước thải, trong quy hoạch tổng thể có công suất 12.000m3. Ngoài ra, các DN muốn di dời về các KCN Ông Kèo, Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch, KCN Long Thành, huyện Long Thành… trên địa bàn Đồng Nai cũng được tỉnh tạo điều kiện.