Nắng nóng Ấn Độ và nguy cơ thời tiết của tương lai

ThienNhien.Net – Những con đường chảy nhựa vì nhiệt độ quá cao, hàng nghìn người tử vong vì say nắng và mất nước trầm trọng,… là tình trạng của Ấn Độ hiện nay và cũng là hồi chuông cảnh báo nắng nóng toàn cầu do tình trạng biến đổi khí hậu.

Những người lao động ngoài trời là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất vì nắng nóng.  (Ảnh: The Guardian)
Những người lao động ngoài trời là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất vì nắng nóng. (Ảnh: The Guardian)

Chỉ trong vòng 10 ngày, số người tử vong vì nắng nóng ở Ấn Độ đã lên tới hơn 2.000 người, cao nhất trong 20 năm qua. Trong số đó có nhiều người già, trẻ nhỏ và người nghèo khổ, đặc biệt là những người lao động liều mình làm việc ngoài trời nóng do lo sợ mất “cần câu cơm”.

Những tuần qua, khi nhiệt độ gần chạm mức 50 độ C, đơn nghỉ phép của các bác sĩ bị hủy bỏ và chính phủ ra cảnh báo cho người dân ở trong nhà và giữ cơ thể đủ nước tuy với nhiều người, đó không phải một lựa chọn.

“Mọi người đang chết dần và chịu đựng. Nắng nóng vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn ở khu vực đã quen với thời tiết nóng”, Peter Stott thuộc Cơ quan khí tượng ở Exeter, Anh nói.

Nắng nóng do biến đổi khí hậu

Ông Scott cho biết thêm: “Thật khó để khẳng định chắc chắn liệu một sự kiện thời tiết cực đoan đơn lẻ nào đó có phải là kết quả của biến đổi khí hậu hay không, nhưng đây là kịch bản mà chúng ta nên quen rằng sẽ tiếp tục diễn ra. Khi mà những hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra và nhiệt độ toàn cầu tăng lên, những trận nắng nóng kinh khủng sẽ xảy ra thường xuyên hơn”.

02062015_nangnongando2

Một phát ngôn viên thuộc Tổ chức Hòa bình xanh nói: “Nghiên cứu gần đây cho thấy những trận nắng nóng hiện nay xảy ra nhiều gấp 5 lần so với nắng nóng do tình trạng nóng lên toàn cầu, và khả năng nắng nóng xảy ra do biến đổi khí hậu là 80%”. Theo phát ngôn viên này, trừ khi chính phủ các nước nỗ lực thực hiện cắt giảm phát thải khí cácbon gây hiệu ứng nhà kính, các đợt nóng được dự báo sẽ xảy ra nhiều hơn 12 lần vào năm 2040.

Nhìn lại đợt nắng nóng ở Ấn Độ, những người phải làm việc ngoài trời trong các điều kiện nắng nóng là những người có nguy cơ bị say nắng, đột quị nhiều nhất. Có những báo cáo cho thấy công nhân công trường ở thành phố Gurgaon, Ấn Độ không còn cách nào khác ngoài làm việc suốt cuối tuần qua trong cái nắng 43 độ C để kiếm 200 rupee/ngày (gần 70.000 đồng).

Vượt ngưỡng chịu đựng

“Con người có thể tồn tại trong những khoảng thời gian ngắn trong môi trường nóng đủ để làm món bít tết, khi không khí khô. Nhiệt độ như vậy ở khí hậu ẩm ướt hơn có thể làm chúng ta tử vong. Con người có khả năng đặc biệt để làm mát bằng cách đổ mồ hôi, nhưng nó chỉ hiệu quả nếu không khí tương đối khô”, ông Matthew Huber, Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Purdue ở Indiana, chuyên gia nghiên cứu phạm vi con người có thể thích ứng với nắng nóng như một hậu quả của biến đổi khí hậu, cho biết.

Ở điều kiện rất khô, con người có thể làm việc ngoài trời ở nhiệt độ lên tới 40 độ C. Tuy nhiên mức an toàn giảm xuống dưới 30 độ C khi độ ẩm cao. Để tính toán giới hạn an toàn cho con người làm việc trong nắng nóng, các nhà khoa học dựa vào một thang đo nhiệt độ tính cả độ nóng và độ ẩm. Đây được gọi là nhiệt độ ẩm toàn cầu. Ở nhiệt độ ẩm cao hơn 35 độ C, da người không thể tự làm mát thông qua toát mồ hôi. Thậm chí, khi nhiệt độ ngoài trời vượt quá 32 độ C, quân đội Mỹ đã hoãn các bài tập huấn luyện và thể chất của quân nhân. Trong khi đó, nhiệt độ ẩm đạt đỉnh trong đợt nắng nóng ở Ấn Độ vừa qua rơi vào khoảng 30-31 độ C.

“Nhiệt độ ẩm 35 độ C là ngưỡng an toàn cho con người khỏe mạnh và đủ nước nhưng trong điều kiện không phải lao động”, ông Huber giải thích lý do trận nắng nóng ở Ấn Độ kéo theo số lượng người tử vong lớn như vậy.

Những năm gần đây, một số nhóm nghiên cứu đã sử dụng cách tính này để dự báo về sự ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao tới lực lượng lao động toàn thế giới, và vẽ một bức tranh về năng suất lao động toàn cầu khi nhiệt độ trung bình tăng. Một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên Tạp chí Nature Climate Change ước tính những đợt nắng nóng đã làm giảm lực lượng lao động toàn cầu còn 90% trong những tháng nóng nhất của năm và được dự đoán còn 40% vào năm 2200. Những khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất bao gồm Ấn Độ, Bắc Australia và Đông Nam Mỹ.

Theo một báo cáo của Chính phủ Anh, khoảng 17 triệu người phải rời khỏi nhà cửa do các mối nguy hiểm tự nhiên năm 2009, và 42 triệu người năm 2010. “Trong tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, người dân làm việc ngoài trời có thể trở thành những người lao động di cư theo mùa”, ông Huber nói.

Cách cơ thể phản ứng với nắng nóng

Tự làm mát: Cơ thể người hoạt động để giữ thân nhiệt ở khoảng 37 độ C. Khi nhiệt độ tăng lên, các mạch máu sẽ giãn ra, đưa máu tới bề mặt da để làm mát cơ thể. Cơ thể tăng toát mồ hôi để làm mát bề mặt da qua quá trình bốc hơi. Tuy nhiên độ ẩm cao sẽ khiến điều này không thể thực hiện được.

Kiệt sức do nóng: Sau vài ngày tiếp xúc với nắng nóng, những nỗ lực tự làm mát của cơ thể bắt đầu bị mất đi. Mất nước và muối khiến các cơ bắp ngừng hoạt động, làm cơ thể yếu đi và có thể co giật. Máu tới não giảm dẫn tới đau đầu, chóng mặt. Người già và những người bị huyết áp cao gặp những nguy cơ lớn về sức khỏe.

Say nóng: Hệ thống làm mát của cơ thể bị nắng nóng áp đảo và ngừng lại. Nhiệt độ cơ thể có thể chịu được là 41 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10 phút. Các cơ quan không hoạt động nữa. Nếu say nóng không được điều trị kịp thời, bộ não trở nên quá nóng và có thể dẫn tới tử vong.

Say nắng: Đây là dạng thường gặp nhất của say nóng, do ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào đầu và cổ trong những khoảng thời gian dài.