Thu “quả ngọt” từ trang trại rừng

ThienNhien.Net – Sau khi xuất ngũ, anh Phạm Anh Thạch trở về địa phương ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cùng gia đình sản xuất nông nghiệp. Sau hơn 10 năm làm trang trại, đến nay, gia đình anh đã có một trang trại theo mô hình kết hợp ao, chuồng, rừng (ACR) trên diện tích 24ha, trong đó có 4ha đất trang trại và 20ha đất rừng.

Công lao, tâm huyết của người nông dân một thời mặc áo lính đã bước đầu cho kết quả. Giờ đây mỗi năm, trang trại cho tổng thu gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập trên 400 triệu đồng, trong đó nguồn thu lớn nhất là từ rừng.

Trên diện tích 20ha rừng, từ năm 2010 đến nay mỗi năm gia đình anh Thạch thu về 200 triệu đồng.  (Ảnh:  Ngọc Tấn)
Trên diện tích 20ha rừng, từ năm 2010 đến nay mỗi năm gia đình anh Thạch thu về 200 triệu đồng.  (Ảnh:  Ngọc Tấn)

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, đa dạng các giống vật nuôi, anh Thạch đã tạo nên một chu trình khép kín, liên hoàn. Trên diện tích 20ha gồm bạch đàn, keo lá tràm, keo lai, từ năm 2010 đến nay mỗi năm thu hoạch bình quân 4ha rừng, sau khi trừ chi phí, anh còn thu về 200 triệu đồng.

Từ diện tích đất trang trại, anh dành 0,5ha mặt nước để nuôi nhiều loại cá như cá mè, cá trôi, cá chép, nhưng chủ yếu vẫn là cá trắm cỏ. Trên mặt nước anh tận dụng nuôi vịt, lúc nào trang trại cũng duy trì trên 150 con vịt và trên 100 con gà thịt. Để tăng thêm nguồn thức ăn cho cá trôi, cá mè, anh cho xây chuồng và nuôi 4 con lợn nái. Mỗi năm anh bán hơn 100 con lợn giống. Tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cỏ ngọt cho cá còn thừa, anh nuôi 5 con bò, vừa lấy sức kéo cho sản xuất vừa có thêm phân bón cho cây trồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Thạch còn tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân tại địa phương trong sản xuất nông nghiệp, như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế, anh còn là một hội viên nhiệt tình tham gia công tác hội, sẵn sàng giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho những gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn.