Ô nhiễm trầm trọng tại nhà máy nhôm Đông Á: Dân bất lực, chính quyền bó tay?

ThienNhien.Net – Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, thì khói, tiếng ồn, nước xả… từ Cty nhôm Đông Á đã len lỏi vào cả bữa ăn, giấc ngủ của người dân thôn Kỹ Sơn (xã Tân Dân, Chí Linh, Hải Dương.

Đằng sau nhà máy nhôm Đông Á (ảnh nhỏ: ống khói của Cty Nhôm Đông Á). (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)
Đằng sau nhà máy nhôm Đông Á (ảnh nhỏ: ống khói của Cty Nhôm Đông Á). (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009, với hợp đồng thuê đất 50 năm, diện tích 6ha, Cty Nhôm Đông Á là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài. Cũng từ đó đến nay, người dân phải sống trong ô nhiễm môi trường nặng nề.

Người dân liên tục kêu cứu

Theo báo cáo của nhà máy, giới hạn thông số, nồng độ chất ô nhiễm, quy định tọa độ, các vị trí  xả thải đều nằm trong sự cho phép. Nhưng thực tế, nguồn nước thải từ nhà máy xả ra khiến người dân lo ngại về mầu sắc và mùi vị của nó. Gặp gỡ và trao đổi với nhóm phóng viên báo DĐDN, nhiều người dân bức xúc: tại khu vực xả thải, nước mầu vàng đục, bốc mùi tanh, khó chịu. Ban ngày, lượng khói lớn bốc ra từ nhà máy, gặp đúng hướng gió sẽ bay cả vào trong nhà, bao trùm cả hai thôn, tạo thành lớp sương mù, dày đặc… có khi đứng gần nhau nhưng khó nhận ra nhau…

Chưa tin kết quả quan trắc môi trường

Nguyện vọng chính đáng của người dân lúc này là là nên có phương án di dời Cty ra xa khu dân cư, hoặc nếu hoạt động lâu dài, phải có hệ thống xử lý xả thải tập trung bảo đảm.

Trước tình trạng ô nhiễm mà nhà máy gây ra, năm 2010, nhà máy đã bị tỉnh xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường với số tiền 112 triệu đồng và đền bù thiệt hại vụ lúa mùa. Ông Hoàng Anh Minh – đại diện nhà máy cho biết: Sau khi bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, nhà máy đã lấp hoàn toàn các đường ống xả thải phía sau, chỉ sử dụng các đường xả thải ở phía trước Cty và xả thải đúng như giấy phép quy định, xây dựng nhệ thống lọc xả thải và nâng cấp thệ thống lọc khí… Tuy nhiên, theo thiết kế thi công, hệ thống lọc khí mới chỉ đạt độ cao 28m và không thể nâng cao hơn được nữa. Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt mà không tìm cách khắc phục hoặc tạm dừng việc xả thải thì chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trường (phó Chủ tịch xã Tân Dân) khẳng định: “Hoàn toàn không có việc người dân bỏ hoang ruộng canh tác phía sau nhà máy và không nhận được đơn thư khiếu nại của nhân dân về việc này. Chúng tôi đã cung cấp mặt bằng cho nhà máy nhưng không có quyền giải giải quyết ô nhiễm và  không được ra vào vì bảo vệ rất nghiêm ngặt, vì đó là nhà DN nước ngoài… và muốn vào kiểm tra phải có sự đồng ý của cấp trên”.

Điều này đồng nghĩa với việc người dân thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân sẽ phải tiếp tục “sống chung với lũ” ngay tại địa bàn của mình. Và đã nhiều năm trôi qua, không biết kêu ai, nhiều người dân tự khắc phục bằng cách bỏ nhà đi nơi khác sinh sống, thậm chí bỏ cả đất canh tác… Nguyện vọng chính đáng của người dân lúc này là là nên có phương án di dời Cty ra xa khu dân cư, hoặc nếu hoạt động lâu dài, phải có hệ thống xử lý xả thải tập trung bảo đảm; xử lý triệt để khói và tiếng ồn, mùi tanh, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Gần đây nhất, vào trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/05, nhân dân phát hiện và chứng kiến việc xả thải ngang nhiên của nhà máy nhôm Đông Á, kèm theo nước xả vẫn là màu vàng đục, mùi tanh khó chịu và thời gian xả thải kéo dài. Thiết nghĩ, cần phải có sự vào cuộc trở lại của các ngành chức năng, thường xuyên kiểm tra việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường, đã và đang tiếp tục làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe và tình trạng canh tác của nhân dân thôn Kỹ Sơn.