Tiềm năng di sản địa chất Krông Nô

ThienNhien.Net – Ngày 16-5, tại Hà Nội đã diễn ra buổi trò chuyện “Từ công viên địa chất Krông Nô đến mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển”. Diễn giả chính là TS Lương Thị Tuất – Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản (KHĐC&KS). Từ câu chuyện của công viên địa chất Krông Nô đã đặt ra những vấn đề khác.

Tiềm năng di sản địa chất

Ở nước ta hiện nay mới chỉ có một Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu là Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Hiện Viện KHĐC&KS đang rất nỗ lực để xác lập thêm CVĐC núi lửa tiềm năng Krông Nô (Đăk Nông). Những CVĐC này bao gồm rất nhiều giá trị di sản, trong đó có di sản văn hóa. Tuy nhiên, ở đây câu hỏi làm thế nào có thể cân bằng giữa bảo tồn và phát triển vẫn đang được đặt ra.

Trước khi có CVĐC đã có những di sản địa chất được hình thành. Đây là phần tài nguyên địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. Chúng bao gồm các cảnh quan địa mạo, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng, các di chỉ cổ sinh; các thành tạo, cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt; các địa điểm mà tại đó có thể quan sát được các quá trình địa chất đã và đang diễn ra hàng ngày, thậm chí cả các khu mỏ đã ngừng khai thác… Là di sản quan trọng hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên. Đặc biệt di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi đã mất đi thì không thể lấy lại được.

Di sản địa chất cũng là nguồn tài nguyên địa chất, thành tạo qua quá trình vận động của vỏ trái đất. Cũng là tài nguyên hữu hạn, nhưng phương thức khai thác của nó khác với tài nguyên khoáng sản. Ví dụ hang động, cảnh quan… tùy giá trị khoa học của nó đến đâu, phản ánh thế nào về mặt địa chất xác lập, biến khu vực giàu tài nguyên di sản địa chất thành CVĐC. Một CVĐC ra đời sẽ thu hút đông đảo khách tham quan, hướng tới phát triển bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia rất giàu tiềm năng di sản địa chất. Những năm trở lại đây, ngành nghiên cứu di sản địa chất cũng đang được quan tâm nghiên cứu thông qua việc thành lập các khu bảo tồn địa chất và xây dựng CVĐC. Sau CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn thì Krông Nô đang được xây dựng để trở thành CVĐC thứ hai tại Việt Nam.

CVĐC núi lửa tiềm năng Krông Nô
CVĐC núi lửa tiềm năng Krông Nô

Giá trị Krông Nô

Sau khi tiếp cận được những thông tin về hang động núi lửa ở Tây Nguyên, Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản đã kết hợp với Bảo tàng Địa chất, Viện KHĐC&KS tiếp tục khảo sát nghiên cứu hang động núi lửa khu vực Đông Nam Á. Tại Krông Nô, Đăk Nông họ xác lập được độ dài kỷ lục của hang C7, C8, C9… Các di sản địa chất ở phía Bắc của tỉnh Đăk Nông là cơ sở để các nhà khoa học lập đề án xây dựng “CVĐC núi lửa Krông Nô”, trong đó di sản địa chất liên quan hoạt động núi lửa. Hang động sẽ là điểm nhấn cho CVĐC này.

Theo TS Lương Thị Tuất: “Việc ra đời CVĐC núi lửa Krông Nô lần đầu tiên ở Việt Nam có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ và phát triển của khu vực Tây Nguyên. Chúng ta vừa khai thác vừa bảo tồn, để làm cân bằng lại. Một trong những nội dung chính của CVĐC là bảo tồn. Một phần của bảo tồn là phát triển và ngược lại”.

170515_congviendiachat2

Tài nguyên giàu mấy khai thác mãi cũng cạn kiệt

Theo TS Lương Thị Tuất, ngay từ thời đồ đá, tổ tiên chúng ta đã biết khai thác tài nguyên. Nhưng tài nguyên thì hữu hạn, dần dần sẽ hết nếu cứ khai thác mãi. Tài nguyên nếu cứ khai thác không có quy hoạch, thì việc khai thác chính là làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên; không mang hiệu quả kinh tế cao, không có quy định khắc phục hậu quả môi trường, thì sẽ có tác động rất lớn tới môi trường và xã hội.

Cũng theo bà Tuất: Chúng ta là nước đang phát triển, nên việc dừng khai thác tài nguyên khoáng sản lại là điều “bất khả kháng”. Các nước khác như Trung Quốc, Indonesia… họ thăm dò khoáng sản, điều tra địa chất xong, sẽ thống kê “kho của” của mình và “đóng cửa”. Sau đó họ có thể đi nhập khẩu một số loại khoáng sản từ các nước khác. Việt Nam cũng vậy, việc khai thác cần phải được ở chừng mực cho phép. Phải đánh giá tình hình trước khi khai thác. Ví dụ cụ thể, năm 2007 Viện KHĐC&KS bắt đầu tiến hành đề án cấp nhà nước nghiên cứu các di sản địa chất ở miền Bắc và thành lập đề xuất thành lập 1 số CVĐC ở miền Bắc. Lúc này có vấn đề rất nổi cộm, là khai thác mỏ ở huyện Yên Minh. Khai thác mà không đảm bảo thì sẽ gây hệ lụy tới môi trường, ảnh hưởng lâu dài tới cộng đồng. Đây là mỏ khai thác lộ thiên, đất đá sau khi khai thác họ đẩy xuống suối Mậu Duệ, nhìn vào ai cũng biết môi trường đang bị hủy hoại. Trong khi mỏ được tỉnh cấp phép theo đúng quy định từ trước đó rất nhiều năm…

Theo TS Tuất, giải quyết những vấn đề mâu thuẫn này rất khó. Hai cách khai thác tài nguyên địa chất đó rất khác nhau. Mình nên đi bằng 2 chân. Vấn đề là đi như thế nào cho không khập khiễng… Đầu tiên phải tác động đến các nhà hoạch định nghiên cứu. Vì khi khai thác, các nhà đầu tư được lợi, nhưng những người dân sẽ bất lợi. Với Krông Nô, bà Tuất chia sẻ sẽ vẫn làm theo cách của CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang. Sau khi tỉnh công nhận sẽ thông qua UNESCO Việt Nam trình lên quốc tế.