Quảng Nam: Làng ung thư khát nước sạch

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, nhiều người ở xã Đại Hồng và Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chết do căn bệnh ung thư. Người dân cho rằng, nguyên nhân gây ung thư là do nguồn nước bị nhiễm độc từ mỏ than An Điềm. Hiện hàng nghìn hộ dân ở đây vẫn phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.

Ám ảnh ung thư

Đến thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc vào trưa hè nắng rát, không khí vắng vẻ, u ám bao trùm cả ngôi làng. Ông Phạm Văn Thương, Trưởng thôn Đại Mỹ giải thích, ba năm trở lại đây số người bị mắc bệnh ung thư và tử vong trong thôn tăng nhiều làm người dân rất lo sợ. Ám ảnh với tên gọi “làng ung thư”, nhiều người đã bỏ đi địa phương đi làm ăn xa. Theo tìm hiểu, thôn Đại Mỹ có 273 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, đến nay đã có khoảng 30 người bị bệnh ung thư. Hiện cả thôn có 18 người chết vì bệnh ung thư và nhiều người mới mắc bệnh. Những người mắc bệnh ở độ tuổi ngoài 40, nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều bị mắc bệnh với các loại ung thư về đường ruột, ung thư vú, ung thư dạ dày.

Gia đình anh Đỗ Công Binh (sinh năm 1971) là một trong những hộ có hoàn cảnh rất éo le vì cả hai vợ chồng đang bị ung thư. Bản thân anh Binh bị ung thư dạ dày còn vợ bị ung thư vú và cả hai vợ chồng đang phải điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù đã được miễn giảm tiền điều trị nhờ có bảo hiểm y tế của hộ nghèo nhưng gia đình anh Binh vẫn đang phải treo biển bán nhà để có tiền chữa trị.

Mỏ than An Điềm – được coi là thủ phạm gây ra bệnh ung thư. (Ảnh: Võ Hà)
Mỏ than An Điềm – được coi là thủ phạm gây ra bệnh ung thư. (Ảnh: Võ Hà)

Theo ông Thương, Trưởng thôn Đại Mỹ, đã có nhiều đoàn công tác về địa phương tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh nhưng vẫn chưa có câu trả lời cho người dân về nguồn nước hoặc các yếu tố môi trường có phải là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tại đây hay không.

Còn tại xã Đại Hồng, chỉ tính riêng hai thôn Ngọc Kinh Đông và Ngọc Kinh Tây đã có gần 30 người chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư nội tạng. Dù đã nhiều lần nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND các cấp nhưng đến nay, hơn 500 hộ dân của 2 thôn Ngọc Kinh Đông và Ngọc Kinh Tây vẫn đang ngóng chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Theo người dân, nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc địa phương này có nhiều người mắc bệnh ung thư: nguồn nước nhiễm độc, phơi nhiễm dioxin, ô nhiễm thuốc trừ sâu…

Mòn mỏi chờ nước sạch

Xã Đại Hưng cách mỏ than An Điềm chừng 1km, người dân địa phương lo ngại nguyên nhân ung thư có thể do nguồn nước bị nhiễm bẩn từ mỏ than này.

Theo UBND xã Đại Hưng, mỏ than An Điềm được một doanh nghiệp khai thác từ năm 2000, sau đó ngưng hoạt động. Có lẽ lớp bùn than sau quá trình khai thác cùng với nước mưa đã chảy vào những khe nước đi qua các thôn của xã Đại Hưng và gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Hiện 2.000 hộ dân của xã đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ những chiếc giếng khoan hoặc đào. Chị Hồ Thị Thu, ở thôn An Điềm, xã Đại Hưng cho biết, gia đình chị đã phải đào đến giếng thứ 3 nhưng vẫn không tìm được nguồn nước đảm bảo cho sinh hoạt. Nhìn bằng mắt thường thì nước giếng rất trong nhưng không thể dùng cho ăn uống được vì nước có mùi rất tanh, còn sử dụng cho việc tắm giặt thì hay bị ngứa.

“Nước đóng một lớp màng mới nhìn tựa như lớp váng mỡ, tanh hôi, chỉ có thể dùng tưới cây. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm đến vùng này bởi bà con quá khó khăn, xa bệnh viện, thời gian qua thấy số lượng người chết vì căn bệnh ung thư ở vùng này nhiều nên ai nấy hoang mang” – bà Thu nói.

Ông Phạm Đức Thịnh – Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, toàn xã Đại Hưng có 10 thôn thì đã có tới 6 thôn gặp khó khăn về nguồn nước uống lẫn nước sinh hoạt gồm: Thạnh Đại, Đại Mỹ, An Điềm, Mậu Lâm, Trung Đạo Trúc Hà và An Tân. Đáng nói, cho tới nay, cả xã Đại Hưng vẫn chưa được đầu tư một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, dù đây là địa bàn luôn bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu lẫn sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt. Và một trong những ảnh hưởng nặng nề nhất là nguồn nước.

Người dân xã Đại Hồng tự bỏ tiền lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước từ trên suối về để sinh hoạt. (Ảnh: Võ Hà)
Người dân xã Đại Hồng tự bỏ tiền lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước từ trên suối về để sinh hoạt. (Ảnh: Võ Hà)

Còn tại xã Đại Hồng, hơn 12.000 nhân khẩu của xã sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày từ nguồn giếng đào và nước suối tự chảy từ trên núi xuống. Tuy nhiên, nguồn nước giếng đào cũng ở trong tình trạng ô nhiễm. Đối với nguồn nước suối tự chảy, trên địa bàn xã có hai bể chứa ở khu vực Khe Bò và Khe Lim nhưng do không có bể lọc nên vào mùa mưa nguồn nước chảy về rất đục, còn ở thời điểm này là mùa khô nên nguồn nước suối đang cạn dần. Người dân xã Đại Hồng rất mong cơ quan chức năng có những giải pháp bền vững cho việc đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.

Mới đây, trực tiếp đi kiểm tra và nắm bắt những phản ánh của người dân về tình trạng thiếu nước sạch ở xã Đại Hưng và xã Đại Hồng, ông Trần Xuân Vinh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, đoàn công tác sẽ đề nghị các ngành chuyên môn của tỉnh khẩn trương lấy mẫu nước giếng bị nhiễm phèn để tiến hành kiểm tra; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm đầu tư các công trình nước sạch phục vụ nhân dân tại hai xã Đại Hưng và Đại Hồng của huyện Đại Lộc.

UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung của Quảng Nam với tổng vốn hơn 58 tỷ đồng. Mong rằng, từ nguồn này, nước sạch – nhu cầu thiết yếu sẽ được hỗ trợ tới các địa phương trên.