‘Cụ cây’ chết, ai ‘khóc’?

ThienNhien.Net – Cây di sản đang đối mặt với sự tàn phá thời gian, tàn phá của con người. Sau khi được vinh danh là Cây di sản, biết bao cây hàng trăm, hàng nghìn tuổi ra đi “không kèn, không trống”.

Cây 2.100 tuổi hấp hối. (Ảnh: nongnghiep.vn)
Cây 2.100 tuổi hấp hối. (Ảnh: nongnghiep.vn)

“Cụ táu” 2.100 tuổi, có từ thời An Dương Vương là linh hồn của làng Hương Lan (xã Trưng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ). Tồn tại hơn 2 thiên niên kỷ bên miếu Thiên Cổ, “cụ” chứng kiến bao thăng trầm người dân nơi này. “Cụ táu” 2.100 tuổi đang hấp hối Năm 2012, “cụ táu” được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao danh hiệu Cây di sản Việt Nam.

Vậy mà, những ngày này, người dân làng Hương Lan như ngồi trên đống lửa khi chứng kiến sự hấp hối của “cụ cây” già nhất Việt Nam. Qua 2 thiên niên kỷ, cụ táu đang đối mặt với tử thần khi thân cây bị sâu mọt đục khoét, thiếu chất dinh dưỡng, nhiều cành bị khô và chết dần. “Cụ” sống thoi thóp, từng ngày một đang tiến dần đến cái chết không tránh khỏi, khiến cả làng mất ăn mất ngủ.

Tìm cách chữa bệnh cho “cụ cây” không phải là điều đơn giản. Ba năm trước, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để tìm phương pháp cứu chữa cây.

Thậm chí, hồ sơ theo dõi sức khỏe của “cụ táu” cũng được lập ra. Hai chuyên gia là TS Phạm Quang Thu (Viện Lâm nghiệp) và TS Paul Barber đến từ Australia đã phát hiện nấm và sâu bệnh tấn công cành cây.

Theo TS Paul Barber, cây di sản cũng như người già vậy. Vì vậy việc chữa trị phải được tôn trọng và phải có liệu pháp riêng.

Tỉnh Phú Thọ đã lên phương án để cứu chữa như phá dỡ phần đất đá, bê tông đè lên gốc và rễ cây; cắt bỏ cành khô và cành tầm gửi, tìm những loại phân bón phù hợp đất và cây. Tuy nhiên, “cụ táu” vẫn đang chết dần.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch VACNE cho biết: “Chăm sóc cây táu đang rất khẩn thiết. Làm sao kéo dài được tuổi thọ của cây là vấn đề khó, cần sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. Hiện chúng ta chưa có đủ kinh phí, cũng như chuyên môn sâu để có thể tìm ra cách chữa trị cho cây táu. Do vậy, vẫn phải chờ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Úc”.

Ai bảo tồn, chăm sóc?

Hiện cả nước có khoảng 700 Cây di sản, các cây này có tuổi thọ trung bình từ 200 đến 300 năm và được vinh danh tại nhiều địa phương. Đây là những cây cổ thụ gắn liền với các giai đoạn lịch sử của dân tộc, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của nhân dân.

Được công nhận là Cây di sản nên các cây này ắt sẽ được bảo vệ, chăm sóc. Thế nhưng, có một thực trạng trái ngược đang diễn ra, đó là các cây đã tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm lại lặng lẽ chết chẳng bao lâu sau khi được công nhận Cây di sản.

Được công nhận là Cây di sản thì quý nhưng sau khi vinh danh, ai là người bảo tồn, chăm sóc các “cụ cây”? Theo ông Phùng Quang Chính – Thư ký Hội đồng Cây di sản Việt Nam (VACNE) thì VACNE chỉ là một tổ chức phi chính phủ và không có quyền trong việc bảo vệ cây di sản. Tuy nhiên, Hội vẫn cử các nhà khoa học có chuyên môn hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc, bảo vệ Cây di sản khi được vinh danh.

Sắp tới, Hội sẽ ra một tài liệu hướng dẫn người dân chăm sóc và bảo vệ cây một cách khoa học hơn, tài liệu này do chuyên gia Úc hỗ trợ. Kinh phí không có, Hội không thu bất cứ thứ gì của người dân khi làm thủ tục công nhận Cây di sản cũng không có nguồn thu nào khác nên đa phần việc chữa bệnh, mua thuốc cho cây là do ban quản lý tự lo liệu. Còn ban quản lý hàng trăm Cây di sản lại đang loay hoay với việc xin kinh phí, tìm Mạnh Thường Quân, tìm “thần dược”.

Hiện vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào cho việc bảo vệ các Cây di sản. Các chuyên gia cho rằng, cần giao các Cây di sản cho một đơn vị quản lý với những ràng buộc trách nhiệm cũng như lợi ích phù hợp, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” khiến những “cụ cây” di sản tức tưởi ra đi “không kèn không trống” như hiện nay.

Cây di sản chết dần mònĐã có biết bao cây hàng trăm, hàng nghìn tuổi “ra đi” tức tưởi sau khi được vinh danh là Cây di sản.

Đó là quần thể 9 cây muỗm ở đền Voi Phục (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) với hơn 700 năm tuổi là những cổ thụ đầu tiên trong cả nước được công nhận Cây di sản Việt Nam vào dịp 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi được vinh danh, 8 cây đã chết và 1 cây còn lại cũng đang chết dần.

Quần thể 20 cây xoài cổ chùa Đá Trắng ở xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên đang bị bệnh rầy bông, muội than. Cây lớn nhất có đường kính 1,2m, tán rộng hàng chục mét. Nếu không được cứu chữa kịp thời, cây có nguy cơ chết rất cao.