Tìm nước ngọt cho những miền đất khát

ThienNhien.Net – Họ là những cán bộ không quản khó khăn, quanh năm suốt tháng lặn lội khắp những vùng núi đá vôi thiếu nước như Hà Giang cho đến hải đảo xa xôi để tìm ra nguồn nước phục vụ cuộc sống của người dân.

Vất vả, gian nan

Cao nguyên đá Hà Giang, vùng đất được mệnh danh là “miền đá khát”, với diện tích chủ yếu là núi đá vôi và đá tai mèo, quanh năm thiếu nước. Nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của bà con nơi đây chủ yếu trông chờ vào mùa mưa. Mùa khô, từng thớ đá cũng tưởng như nứt nẻ dưới cái nắng gắt của miền Bắc. Vậy nhưng các cán bộ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bất kể mưa hay nắng, ngày cũng như đêm vẫn kiên trì, cần mẫn khoan dò từng thớ đá, mong muốn tìm ra nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt cho bà con.

 Các cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tìm nguồn nước tại Hà Giang. (Ảnh: Trung tâm cung cấp)
Các cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tìm nguồn nước tại Hà Giang. (Ảnh: Trung tâm cung cấp)

Anh Triệu Đức Huy, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) cho biết, Hà Giang là một trong những nơi trọng điểm và cũng là vùng gian nan nhất trong số các điểm cần tìm nguồn nước. Những năm trước đây, khi đường sá đi lại chưa được xây dựng như bây giờ, để lên được địa điểm cần tìm nước thì người đi đã mất vài ngày, còn xe chở máy khoan và các dụng cụ máy móc đi kèm thì phải mất nửa tháng.

“Mỗi máy khoan khoảng 3 – 4 tấn, máy móc cồng kềnh trong khi đường miền núi đều nhỏ, quanh co, nên phải đi chậm, cũng không thể tránh khỏi va đập vào vách núi, chưa kể là gặp phải sạt lở trong mùa mưa thì phải nằm chờ vài ngày là bình thường. Thậm chí có những khi, gần đến nơi thì phải dừng để làm đường mới đi tiếp được vì chưa có đường vào đến những vùng đó”, anh Huy cho biết.

Người dân sử dụng nước tại các giếng khoan từ nguồn nước do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tìm ra. (Ảnh: Trung tâm cung cấp)
Người dân sử dụng nước tại các giếng khoan từ nguồn nước do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tìm ra. (Ảnh: Trung tâm cung cấp)

Với địa hình vùng núi đá vôi và đá tai mèo, địa chất đa dạng nên quá trình khoan thăm dò rất khó khăn, phức tạp. Để đảm bảo mũi khoan hoạt động tốt thì cần phải có nước mồi. Đá tai mèo rất cứng nên mỗi mũi khoan tốn rất nhiều nước, thế nên đoàn phải chuyển nước từ thành phố Hà Giang lên (mỗi mũi khoan cần từ 2 – 5 xe nước). “Nước hút từ sông Nho Quế chở lên. Nước ít nên mỗi lần khoan phải tính toán kỹ càng, khoan đi khoan lại, vừa khoan vừa khống chế địa tầng nếu không sạt lở như chơi, còn chuyện vỡ mũi khoan, đứt cần khoan thì không phải là chuyện hiếm. Mỗi lần như thế phải “cứu” mũi khoan hàng tháng trời”, anh Đoàn Công Nga, kỹ sư khoan thăm dò khảo sát của liên đoàn cho biết.

Hơn 20 năm trong nghề, anh Nga cũng không nhớ nổi mình đã đặt chân đến bao nhiêu vùng đất khó khăn của Tổ quốc. Mỗi chuyến đi tìm nước thường mất vài tháng vì đa số các cuộc thăm dò, điều tra đều ở những nơi hang cùng ngõ hẻm, địa lý hiểm trở, xa xôi, từ miền núi đến hải đảo.

Với mỗi địa hình lại có khó khăn khác nhau, tìm nước ở vùng núi thì gian nan mà tìm nước ở hải đảo cũng rất vất vả. Có những khi gặp mưa bão, thuyền tiếp tế không ra kịp, cán bộ phải ăn lương khô hàng tuần liền, chưa kể đến việc di chuyển, thăm dò trên đảo cũng là vấn đề nan giải. Anh Nga kể, khi đoàn đi tìm nước ở đảo Thanh Lân (Cô Tô, Quảng Ninh), cả đảo có 3 mũi khoan nhưng cách xa nhau. Mỗi lần chuyển máy khoan là phải tháo hết máy móc rồi chuyển ra thuyền của người dân chở đi. Trung bình mỗi thiết bị nặng 2 – 3 tạ, phải làm cáng để 4 – 5 người khiêng. “Tháo máy đã 3 ngày, lắp máy cũng mất 3 – 4 ngày, nguyên việc chuyển máy 3 lần, anh em đã rất mệt. Trên đảo lại thiếu nước, mỗi ngày chỉ khoan được 1 hiệp, vừa khoan vừa chờ. Sau 3 tháng chúng tôi tìm ra được nguồn nước cho bà con và bàn giao cho xã”, anh Nga cho biết.

Chuyến đi nhớ đời với anh Nga là chuyến đi khảo sát ở Hòa Bình cách đây vài năm. Khi đó, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, đang trên đường chuyển quân về. “Trời mưa, đường đất lầy lội rất khó đi. Phanh của xe khoan lại kém nên khi lên dốc cao, chúng tôi phải xuống chèn bánh xe cho xe đỡ bị trượt dốc. Khi đó tôi cầm chèn đứng bên vách núi, một người đứng ở tả li. Bất ngờ cục chèn trượt theo bánh xe, may mà tôi kịp bám vào sàn, trôi theo xe. Nếu khi đó không kịp phản ứng thì chắc đã bị nghiền nát rồi”, anh Nga rùng mình nhớ lại.

Hồi sinh những vùng đất khát

Cuộc sống của người cán bộ điều tra nước nay đây, mai đó, mỗi năm thời gian được ở cùng gia đình chẳng được bao nhiêu. Vợ con ốm đau cũng không có thời gian ở nhà chăm sóc. Anh Đoàn Công Nga kể, năm 2006, khi anh đang thi công tìm nguồn nước ở Đồng Văn (Hà Giang) thì nhận được điện thoại của vợ thông báo sắp lên bàn đẻ. Lúc đó là giữa trưa, không còn xe nên đến hôm sau mới về được. Cũng may mà có anh em họ hàng trông giúp đứa con đầu lòng mới 1 tuổi và chia nhau chăm sóc vợ anh. Xuống xe là anh lao ngay đến bệnh viện để nhìn mặt con. “Thậm chí có thời điểm khó khăn hết sức, 2 con nhỏ mới được 2 – 3 tuổi, vợ tôi bị ốm nặng, mà tôi không về được nên phải nhờ người nhà đưa 3 mẹ con về quê ngoại ở Hà Tĩnh để chăm sóc. Anh em cũng động viên nhiều, những chuyện như thế, người “phu vàng trắng” như chúng tôi đều phải trải qua cả”, anh Nga cho biết.

Khó khăn, vất vả và hi sinh, nhưng chỉ cần tìm thấy một tia nước trong núi đá hay dưới lòng đất thì mọi gian khổ đều tiêu tan. “Hạnh phúc nhất có lẽ là khi chúng tôi tìm ra nguồn nước tại Mèo Vạc sau gần 10 năm tìm kiếm”, anh Nga cho biết.

Năm 2007, sau gần 10 năm với hàng chục mũi khoan, cuối cùng mũi khoan MV1 tại Pả Vi (Mèo Vạc) đã tìm thấy nước với lượng nước bơm lên ổn định, có thể khai thác 314 m3 nước mỗi ngày, đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con. Từ trước đến nay, người dân Mèo Vạc chủ yếu sống dựa vào nguồn nước mưa, việc tìm ra nguồn nước ở núi đá vôi tưởng chừng là chuyện trong mơ. “Hôm đó, người dân bản mừng khôn xiết, ùa đến hứng nước uống và tắm luôn tại chỗ khoan. Anh em trong trung tâm thì nghẹn ngào không nói nên lời, niềm vui quá đỗi to lớn”, anh Nga vẫn không giấu nổi xúc động kể.

Đồng chí chủ tịch huyện Nguyễn Văn Tuệ khi nhìn thấy đã phải thốt lên: “Có nước rồi, đồng bào yên tâm bám đất, bám làng, bám biên cương Tổ quốc”. Cũng ngay sau đó, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đi công tác qua cũng đến uống thử nước giếng khoan. “Tôi vẫn nhớ như in, nguyên Phó Thủ tướng rưng rưng giữ những giọt nước trong tay nói, đồng bào uống được thì tôi cũng uống được, đây là “vàng trắng” cực quý hiếm. Anh em khi đó nhìn nhau rưng rưng”, anh Triệu Đức Huy kể.

Năm đó, sự kiện tìm thấy nguồn nước dưới đất ở Mèo Vạc là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Bộ TNMT.

Đến nay Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện 8 dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên 1.000 km2 phân theo 16 khu vực trên toàn tỉnh Hà Giang, tìm ra khoảng 85 lỗ khoan có nước với nhiều lỗ khoan có lưu lượng nước cao, thu được kết quả tổng trữ lượng nước gần 1,7 triệu m3/ngày đêm, có khả năng đáp ứng nhu cầu về nước cho gần 74 vạn người dân trong tỉnh. Cùng với đó, đã tìm ra nguồn nước ở nhiều vùng khan hiếm nước ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Thái Nguyên… Các cán bộ trung tâm đã điều tra, tìm kiếm nguồn nước tại các vùng đặc biệt khan hiếm nước, hải đảo xa xôi, vùng biên cương Tây Nam của Tổ quốc như đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Đức Phổ (Quảng Ngãi), Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng núi Trung Bộ và Tây Nguyên…

Cần mẫn, kiên trì, những cán bộ điều tra nước vẫn hàng ngày âm thầm làm công việc của mình, góp phần không nhỏ giúp các địa phương giải quyết khó khăn về nước, phát triển kinh tế – xã hội bền vững.