Cần thống nhất trong xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Trước nguy cơ tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã quý hiếm, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quản lý, trong đó có các chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương công tác xử lý vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ động vật hoang dã, nhất là đối với những loài nguy cấp, quý, hiếm…

Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh kiểm đếm số tê tê hoang dã sau khi bị thu giữ. (Ảnh: Vũ Thành)
Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh kiểm đếm số tê tê hoang dã sau khi bị thu giữ. (Ảnh: Vũ Thành)

Vi phạm nhiều

Theo Cục Kiểm lâm, trong năm 2014, cả nước phát hiện và xử lý 432 vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã, đã tịch thu 8.051 cá thể, tương đương 17.473 kg (trong đó 598 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm). Những địa phương có số vụ vi phạm nhiều là: Cà Mau 97 vụ, Vườn quốc gia Cát Tiên 41 vụ, Ðồng Nai 40 vụ, Ðác Lắc 32 vụ, Ðác Nông 21 vụ… Mặc dù công tác quản lý động vật hoang dã ngày càng được tăng cường và chặt chẽ hơn, nhưng tình trạng săn bắn, bẫy bắt, mua bán, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã trên địa bàn một số tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Ðặc biệt, lợi dụng quy định thông thoáng trong phát triển gây nuôi động vật thông thường, không ít nhà hàng ăn uống ở nhiều nơi đã biến tướng, trà trộn tiêu thụ thịt thú rừng, sản phẩm của các loài động vật hoang dã với động vật gây nuôi các loại, nhằm qua mắt các cơ quan chức năng, nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho thấy, riêng năm 2014 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hàng chục vụ vận chuyển tê tê trái phép, trong đó đều bị xử phạt hành chính. Hiện tại tỉnh này có hàng chục cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại các hộ gia đình phục vụ cho mục đích khai thác thương mại. Tại tỉnh Hải Dương, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển trái phép 137 cá thể tê tê Java được phát hiện ngày 1-4-2014 và bán đấu giá tang vật vi phạm. Ngoài ra, tại nhiều địa phương khác như Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Ðịnh, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Ðồng Nai… trong thời gian gần đây các lực lượng chức năng cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm đối với động vật hoang dã. Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh được Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an chuyển giao xử lý 42 cá thể tê tê Java vận chuyển trái phép tại địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng vi phạm, đồng thời tiến hành bán đấu giá toàn bộ số tang vật bị thu giữ…

Xử lý nhẹ

Trở lại vụ việc xử lý tê tê Java của tỉnh Bắc Ninh, theo ENV, thì việc xử lý hành chính đối với hành vi vận chuyển trái phép các cá thể tê tê Java của địa phương này không những vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ động vật hoang dã, mà còn làm giảm ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Trong khi đó, để bảo vệ cho việc bán 42 cá thể tê tê Java với giá tham khảo thị trường là 1,2 triệu đồng/kg, theo quan điểm của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh thì cho rằng, đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ðồng thời khẳng định, do “tình trạng sức khỏe của các cá thể tê tê ốm yếu, không có cơ sở khoa học để xác định nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên”, cho nên phải tiến hành thanh lý.

Trong khi đó, trao đổi ý kiến với chúng tôi, đại diện ENV cho biết, hiện nay các cá thể tê tê tại Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái phép. Do vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 160/2013/NÐ-CP, trong đó quy định hai loài tê tê Java và tê tê vàng thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ. Các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép tê tê hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của chúng phải bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Thêm vào đó, tang vật tê tê sau khi tịch thu cần được xử lý theo các biện pháp quy định tại Nghị định 160/2013/NÐ-CP mà không tiến hành bán đấu giá. Sau khi Nghị định nói trên có hiệu lực thi hành (1-1-2014), ENV đã gửi khuyến cáo đến các địa phương và các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan nhằm cập nhật tình trạng bảo tồn cũng như cách thức xử lý các vụ việc liên quan đến tê tê vàng và tê tê Java theo đúng quy định hiện hành. Ðáng tiếc, nhiều cơ quan chức năng vẫn tiếp tục áp dụng quan điểm xử lý vi phạm theo quy định cũ, tức là xử phạt hành chính và bán đấu giá tang vật vi phạm. Theo Nghị định 157/2013/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định các vi phạm liên quan đến một số loài quý, hiếm có thể xem xét khởi tố hình sự nếu gây hậu quả vượt quá mức tối đa xử phạt hành chính là 500 triệu đồng. Trong khi, căn cứ để xác định giá trị tang vật lại không được quy định dẫn đến bất cập trong việc xử lý triệt để các vi phạm về vận chuyển số lượng lớn các loài này. Cũng theo ENV, do việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã của các cơ quan chức năng ở các địa phương, các ngành còn khác nhau, nên các vụ việc vi phạm phần lớn đều được xử lý hành chính đã gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Cần biện pháp kiên quyết

Theo quy định của pháp luật, tê tê vàng và tê tê Java đều được liệt kê trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Như vậy, đối với tang vật là loài động vật này còn sống chỉ được phép tái thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp hoặc chuyển giao cho các Trung tâm cứu hộ, nếu ốm yếu hoặc bị thương; nếu chết trong quá trình cứu hộ sẽ được chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng hoặc tiêu hủy đối với các cá thể bị chết do bệnh dịch, hoặc không thể xử lý được bằng biện pháp nói trên.

Tang vật vụ vận chuyển, tiêu thụ trái phép 16 bộ xương voọc chà vá tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Vũ Thành)
Tang vật vụ vận chuyển, tiêu thụ trái phép 16 bộ xương voọc chà vá tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Vũ Thành)

Theo quy định tại Ðiều 190 Bộ luật Hình sự, các hành vi “săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó” sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với mức tối đa lên đến bảy năm tù giam, bất kể khối lượng, số lượng, giá trị tang vật.

Mới đây, Cục Kiểm lâm đã có công văn về việc tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác xử lý vi phạm đối với động vật hoang dã. Theo đó khẳng định, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, vì vậy yêu cầu chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử phạt nghiêm minh, đúng quy định tại Nghị định số 157/2013/NÐ-CP của Chính phủ và Ðiều 190 Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2009) đối với danh mục loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Ðặc biệt, việc xử lý tang vật sau tịch thu phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Liên quan đến công văn của Cục Kiểm lâm, ENV rất hoan nghênh chỉ đạo này vì nó đã góp phần giải quyết vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng địa phương thống nhất về hình thức xử lý đối với những vi phạm liên quan đến loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, chỉ đạo về việc xử lý tang vật như đã ban hành của Cục Kiểm lâm theo ENV sẽ vô tình tạo căn cứ cho các chi cục kiểm lâm các địa phương tiếp tục tiến hành bán đấu giá tê tê vàng và tê tê Java như đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Như vậy, cho đến thời điểm này, việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm đối với động vật hoang dã vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến xử lý khác nhau tại các cơ quan thực thi pháp luật. Thiết nghĩ, áp dụng thống nhất, đúng luật, xử lý nghiêm minh là cách tốt nhất vừa nhằm răn đe, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, vừa bảo vệ hiệu quả loài động vật hoang dã, quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay.

Vận chuyển tê tê trái phép

Ngày 11-4, Công an TP Hải Phòng đã biểu dương, thưởng các cán bộ, chiến sĩ Phòng CSÐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ về thành tích phát hiện và phá đường dây chuyên mua bán, vận chuyển trái phép động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ khu vực miền trung ra biên giới phía bắc tiêu thụ, thu hơn 150 cá thể tê tê sống.

Trước đó, chiều 9-4, các chiến sĩ đội 5 đã phối hợp cùng Cảnh sát giao thông bộ – sắt và lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra xe ô-tô Mazda BT50 mang BKS giả: 29C-378.37 trên quốc lộ 10 tại khu vực cầu Kiền, thuộc địa bàn xã An Hồng (huyện An Dương), phát hiện trên xe đang vận chuyển 50 cá thể tê tê có tổng trọng lượng 175,4 kg. Mở rộng điều tra, công an kiểm tra thu tiếp hơn 100 cá thể tê tê xếp trên hai ô-tô tại bãi đỗ của Xưởng cơ khí chế tạo máy ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình.

Cơ quan CSÐT Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án hình sự theo Ðiều 190, Bộ luật Hình sự, quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Ðồng thời, tạm giữ Hoàng Anh Tuấn SN 1981, trú tại xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) và Ðào Ngọc Cường, SN 1991, trú tại tổ 32, phường Trần Lãm, TP Thái Bình để tiếp tục điều tra xử lý.