Chống hạn, mặn: Chuyên gia đề xuất đổi cây trồng hoặc không canh tác

ThienNhien.Net – Tại các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, cần xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn hay sử dụng các giống chịu hạn, mặn, thậm chí không canh tác để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Nhiều giải pháp đã được nêu lên tại tọa đàm về hạn hán, xâm nhập mặn và công tác phòng chống, do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 8/4, tại Hà Nội.

Những cánh đồng khô cạn tại Ninh Thuận. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Những cánh đồng khô cạn tại Ninh Thuận (Ảnh: VGP/Nguyên Linh)

Theo Tổng cục Thủy lợi, tình trạng thiếu nước, hạn hán đang diễn biến nghiêm trọng ở một số địa phương tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Cụ thể, tại Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận hiện có 6.100 ha đất lúa không đủ nước để sản xuất; tỉnh Khánh Hòa với 571 ha dừng sản xuất, 600 ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng do không đủ nước tưới và khoảng 2.998 ha cây trồng đang bị hạn.

Tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đã xảy ra hạn hán ở những vùng không có công trình thủy lợi hoặc công trình thủy lợi nhỏ. Tổng diện tích bị hạn, thiếu nước là 52.708 ha. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước tưới cho lúa cũng diễn ra ở một số địa phương Tây Nam Bộ do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, tính đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được trên 2.354 công trình thủy lợi. Tuy vậy, diện tích được tưới bằng các công trình thủy lợi chỉ đạt 27,8% diện tích cây trồng cần tưới.

Vùng Nam Trung Bộ đã xây dựng được khoảng 2.200 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới cho khoảng 101.780 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đạt 70% diện tích tưới thiết kế.

Vào vụ Hè Thu, các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận có khả năng tiếp tục xảy ra hạn hán. Đồng thời, mùa khô ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ kéo dài đến tháng 5/2015. Do vậy, tình trạng hạn hán sẽ sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân ở một số địa phương.Trước tình hình này, các chuyên gia nông nghiệp đã đề xuất giải pháp thiết thực nhằm hạn chế tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, biện pháp ngắn hạn là bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý dựa trên khả năng cân đối nguồn nước.

Tại các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, cần xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn hay sử dụng các giống chịu hạn, mặn, thậm chí không canh tác để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, cần chủ động nạo vét hệ thống kênh mương, cống lấy nước, khơi thông dòng chảy, lắp đặt phương tiện lấy nước… để vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Về lâu dài, đề nghị Chính phủ xem xét đầu tư các dự án xây dựng đập ngăn mặn, trữ ngọt trên dòng chính một số con sông để phục vụ sản xuất có hiệu quả. Đầu tư các công trình thủy lợi nhằm khép kín các hệ thống, tạo điều kiện vận hành ngăn mặn, chủ động vận hành lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước phục vụ dân sinh.

Đồng thời, có kế hoạch xây dựng những công trình thủy lợi lớn, tận dụng các nguồn nước để xây dựng các hồ trữ nước, kết nối hồ… nhằm đảm bảo tưới ổn định và có nguồn nước để chống hạn.