Nhu cầu than đá tại thị trường châu Á dự kiến phục hồi

ThienNhien.Net – Theo báo Thư tín địa cầu (Canada) ngày 4/5, các thị trường than đá toàn cầu đang ảm đạm do thừa cung, nhưng tin tức về “sự cáo chung” của mặt hàng này đã bị thổi phồng.

Một nghiên cứu mới cho biết giá than được dùng trong các nhà máy nhiệt điện đã giảm xuống còn chưa đầy 75 USD/tấn, so với mức giá 180 USD/tấn hồi giữa năm 2008. Và giá than cốc, một thành phần chính được sử dụng để luyện thép, giảm xuống còn 120 USD/tấn, từ mức 300 USD/tấn hồi cuối năm 2011.

Một số nhà quan sát đang cảnh báo rằng những tháng tối tăm hơn có thể còn ở phía trước đối với ngành than. Nhưng dự báo dài hạn cho thấy nhu cầu của châu Á sẽ phục hồi, cho phép những người sản xuất than hy vọng để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo một nghiên cứu của nhà phân tích cao cấp Shoichi Itoh thuộc Viện kinh tế năng lượng có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), “bất chấp sự phản đối của các tổ chức môi trường về việc sử dụng than, than vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tổ hợp năng lượng toàn cầu và tiếp tục như vậy trong thời gian tới. Và việc sử dụng than đá đóng vai trò quan trong hơn cả tại châu Á.”

Ảnh: AFP/TTXVN
Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, các công ty sản xuất than cốc của Canada đang gặp khó khăn, khi công ty Walter Energy Inc. đã phải đình chỉ các hoạt động khai thác than tại khu vực Đông Bắc tỉnh British Columbia và tạm thời sa thải 700 người lao động.

Trong khi đó, công ty Teck Resources Ltd có trụ sở tại Vancouver trì hoãn khoản chi cho việc phục hồi mỏ than Quintette và cắt giảm 80 việc làm.

Tại Mỹ, giá than thấp cũng đang gây khó khăn đối với những công ty sản xuất than cho các nhà máy nhiệt điện, nhất là các công ty nằm ở khu vực lòng chảo sông Powder.

Ông Itoh nói trong nghiên cứu của mình: “Việc hạn chế sử dụng than sẽ làm tăng sự cạnh tranh quốc tế đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Mỹ có thể đóng một vai trò rất tích cực thông qua việc tăng xuất khẩu than đá trong bối cảnh cuộc cách mạng khí đốt đá phiến.”

Các công ty sản xuất than của Mỹ đang muốn tận dụng những dự báo lâu dài về nhu cầu than dùng cho các nhà máy nhiệt điện công suất lớn tại châu Á, với việc các công ty đang đề xuất các điểm xuất khẩu than tại Boardman ở Oregon và Longview, cùng Cherry Point tại bang Washington.

Theo một nghiên cứu của Mark Thurber, phó giám đốc chương trình Năng lượng và phát triển bền vững tại trường Đại học Stanford (Mỹ), “về lý thuyết, nhưng công nghệ cải tiến hiệu quả của các nhà máy nhiệt điện, làm giảm mức độ ô nhiễm và việc thu và tích trữ khí thải CO2 có tiềm năng biến việc sử dụng than trở nên cạnh tranh hơn cùng với mục đích bảo vệ môi trường, và do vậy có thể giải quyết sự phản đối xuất khẩu than của Mỹ.”

Tuy nhiên, sự phản đối của các nhóm môi trường đang tăng lên chống lại những đề xuất để xuất khẩu than dùng cho các nhà máy nhiệt điện tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ.

Tại Canada, những người bảo vệ môi trường đang quan ngại việc sẽ có thêm than nhiệt điện của Mỹ được chuyên chở qua tỉnh British Columbia để chuyển tới châu Á.

Kevin Washbrook, giám đốc của tổ chức Cử tri hành động vì biến đổi khí hậu có trụ sở tại tỉnh British Columbia, đang phản đối những nỗ lực tăng xuất khẩu than đá và nói rằng ngành điện tại Trung Quốc cần phải được “cai” than đá.