Vì sao nhiều chủ đầu tư quay lưng với dự án thủy điện ở Hà Giang?

ThienNhien.Net – Dù đã được UBND tỉnh Hà Giang ra văn bản giao làm chủ đâu tư xây dựng, nhưng đến nay nhiều chủ đầu tư nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh này không đầu tư xây dựng, xây dựng cả chục năm chưa xong hoặc xin không thực hiện dự án…

Một Nhà máy thủy điện được xây dựng ở tỉnh Hà Giang
Một Nhà máy thủy điện được xây dựng ở tỉnh Hà Giang

Chủ đầu tư không mặn mà với thủy điện nhỏ

Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Hà Giang, sau khi Bộ Công thương và tỉnh Hà Giang loại bỏ 27 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch thì tỉnh này còn 46 nhà máy, trong đó 13 nhà máy đã đi vào vận hành, 8 nhà máy đang thi công, số còn lại đã khởi công hoặc được cho phép đầu tư, được cấp chứng nhận đầu tư…

Thế nhưng, hiện nay nhiều chủ đầu tư không những không chấp hành theo đúng quy định của nhà nước mà còn thiếu hợp tác với cơ quan chức năng tỉnh trong quá trình đầu tư xây dựng.

Điển hình là tại Dự án thủy điện Nậm Yên được xây dựng trên địa bàn xã Chế Nà, huyện Xín Mần với công suất lắp máy là 3,8MW được UBND tỉnh Hà Giang giao cho Công ty CP thủy điện Sông Đà 25 làm chủ đầu tư tại Văn bản số 3767/UBND-NVKT ngày 28.10.2009. Từ ngày được cấp chứng nhận tới nay, Sở Công thương tỉnh Hà Giang đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện dự án, nhưng chủ đầu tư không báo cáo và cũng không đến làm việc.

 Một công trình thủy điện trên sông Nho Quế được khởi công vào cuối năm 2012
Một công trình thủy điện trên sông Nho Quế được khởi công vào cuối năm 2012

Do đó, Sở Công thương Hà Giang đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt chủ trương đầu tư dự án. Giải thích về vấn đề này, Sở Công thương Hà Giang cho rằng Dự án thủy điện Nậm Yên từ khi có chủ trương đầu tư đến nay là quá thời gian quy định theo Điều 23 của Thông tư số 43/2012/TT-BCT do Bộ Công thương ban hành ngày 27.2.2012, theo đó phải thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư.

Không chỉ thủy điện Nậm Yên, Dự án thủy điện Nậm Hóp tại xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình có công suất lắp máy theo quy hoạch là 4,8MW đã được UBND tỉnh Hà Giang giao cho Công ty TNHH Bạch Diệp làm chủ đầu tư tại Văn bản số 1397/UBND-NVKT ngày 10.5.2010 cũng có vấn đề.

Từ ngày 10.5.2010 đến nay, Sở Công thương Hà Giang không liên lạc được với chủ đầu tư theo địa chỉ, số điện thoại mà chủ đầu tư đã đăng ký và khi Sở gửi giấy mời đến làm việc, chủ đầu tư cũng không đến. Hiện Sở Công thương đang đề nghị chấm dứt chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Miện 6 đã đề nghị không thực hiện dự án sau khi được UBND tỉnh Hà Giang giao cho Công ty CP thủy điện Sông Miện 6 làm chủ đầu tư tại Văn bản số 2013/UBND-CNGTXD ngày 18.6.2010.

 Các công trình thủy điện trên sông Nho Quế đều được xây dựng ở nơi hiểm trở, khó khăn trong công tác thi công
Các công trình thủy điện trên sông Nho Quế đều được xây dựng ở nơi hiểm trở, khó khăn trong công tác thi công

Còn tại địa bàn huyện Hoàng Su Phì, hai dự án thủy điện là Sông Chảy 3 và Sông Chảy 4 đều với công suất 6,3MW đã được tỉnh Hà Giang giao cho Công ty CP thủy điện Nậm Mu tại Văn bản số 2798/UBND-NVKT ngày 20.8.2010. Đến thời điểm này dù chủ đầu tư kiến nghị là tiếp tục thực hiện các dự án nhưng Sở Công thương Hà Giang cho biết theo quy định hiện hành hai dự án thủy điện Sông Chảy 3, Sông Chảy 4 đủ điều kiện chấm dứt đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện nay còn nhiều dự án nhà máy thủy điện đã được tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện nhưng chưa được triển khai như dự án thủy điện Sông Lô 3, thủy điện Sông Lô 5 và thủy điện Phương Độ.

Vì sao chủ đầu tư quay lưng?

Việc hàng loại dự án thủy điện đã khởi công, hoặc đã được giao cho các chủ đầu tư thực hiện nhưng đã quá hạn theo quy định hiện hành mà không thực hiện khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao không đầu tư xây dựng?

Trao đổi với chúng tôi, một số chủ đầu tư cho biết đó là do dự án thủy điện nhỏ, chi phí đầu tư lớn, quá trình đánh giá thấy không khả thi, thiếu vốn, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế, biến động của giá vật liệu xây dựng.

 Địa hình phức tạp với nhiều núi đá dựng đứng, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng để  phát triển thủy điện gặp nhiều khó khăn
Địa hình phức tạp với nhiều núi đá dựng đứng, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển thủy điện gặp nhiều khó khăn

Còn Sở Công thương Hà Giang lại đưa ra lý do, hiện nay các nhà máy thủy điện trên sông Chảy không có điểm đấu nối với hệ thống điện lưới 110kV quốc gia, vì trong khu vực huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần chưa có đường điện này. Nếu các dự án nhà máy thủy điện tự xây dựng tuyến đường điện 110kV từ nhà máy về trạm phân phối điện 110kV Bắc Quang với khoảng cách 50km thì chi phí đầu tư xây dựng sẽ cao, nên việc đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ trong khu vực sẽ khó khả thi.

Ngoài việc quy hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện chưa đồng bộ với hệ thống truyền tải điện dẫn đến không phát huy được hết công suất các nhà máy thì công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, tiến độ thực hiện dự án… chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền triển khai thường xuyên.

Phá đá để làm nhà máy thủy điện
Phá đá để làm nhà máy thủy điện

Thêm nữa, theo thông tin mà ông Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương Hà Giang cung cấp, do năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, nhân sự thường xuyên thay đổi, việc quản lý hồ sơ thủ tục các dự án còn thiếu sót, dẫn đến triển khai một số dự án còn chậm so với chứng nhận đầu tư, việc xử lý các vướng mắc phát sinh kéo dài…

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, trong thời gian tới tỉnh Hà Giang cần rà soát lại các dự án thủy điện nhỏ công suất dưới 3MW, diện tích chiếm đất nông nghiệp lớn, hiệu quả kinh tế thấp cần kiến nghị Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch. Trước khi cấp phép đầu tư, hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, yêu cầu cơ quan chức năng xem xét năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư để lựa chọn ra các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ để tổ chức thực hiện.