Hà Giang: Mỗi dòng sông “cõng” từ 4 đến 6 nhà máy thủy điện

ThienNhien.Net – Những năm qua Hà Giang đã đẩy mạnh ngành công nghiệp phát triển thủy điện, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con… Đằng sau những điểm nổi bật đó, thủy điện ở Hà Giang đang để lại không ít hậu quả ảnh hưởng đến chính cuộc sống người dân nơi đây.

Một đập thủy điện trên sông Chừng thuộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
Một đập thủy điện trên sông Chừng thuộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Quy hoạch rồi loại bỏ

Chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 2005 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được quy hoạch 72 dựa án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch là 768,8MW. Với hai giai đoạn thực hiện hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu ngân sách lớn đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống dân sinh.

Trong giai đoạn 1 từ năm 2005 – 2010 và xét đến năm 2015 tại Quyết định 216/QĐ-UBND ngày 19.5.2005 của UBND tỉnh Hà Giang và các quyết định bổ sung thì trên địa bàn tỉnh Hà Giang được quy hoạch 26 dự án với tổng công suất lắp máy 474,9 MW. Trong giai đoạn này Bộ Công nghiệp cũng phê duyệt một thủy điện với công suất 45MW trên sông Gâm thuộc địa phận tỉnh Hà Giang.

Còn tại Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 22.8.2008 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2 gồm 34 dự án, vì đây chủ yếu là thủy điện nhỏ nên tổng công suất lắp máy của 34 dự án chỉ 80 MW, điều đó cho thấy trong giai đoạn này Hà Giang đẩy mạnh phát triển thủy điện nhỏ.

Thủy điện Sông Miện 5A mới được bổ sung quy hoạc năm 2011 
Thủy điện Sông Miện 5A mới được bổ sung quy hoạc năm 2011

Không dừng lại ở hai giai đoạn quy hoạch trên, ngày 14.9.2009 Hà Giang tiếp tục quy hoạch 9 thủy điện trên hệ thống sông Lô, sông Chảy với tổng công suất lắp máy là 154,9 MW theo Quyết định số 3367/QĐ-UBND.

Những tưởng với hệ thống thủy điện dày đặc được quy hoạch trên hầu hết các con sông ở Hà Giang sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4 năm 2011 tỉnh Hà Giang tiếp tục quy hoạch bổ sung thêm 2 nhà máy thủy điện nữa là Sông Miện 5A tại Quyết định số 504/QĐ-UBND và Sông Miện 6 được phê duyệt tại Quyết định số 837/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, ngày 23.4.2013, sau khi rà soát các thủy điện trên địa bàn cả nước, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng chính phủ tại Văn bản số 3567/BCT-TCNL về kết quả rà soát quy hoạch xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên cả nước. Trong đó trên địa bàn tỉnh Hà Giang có các dự án thủy điện được UBND tỉnh thống nhất loại khỏi quy hoạch là 27 dự án.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương tỉnh Hà Giang) – cho biết: “Tỉnh cho xây dựng thủy điện dựa trên cơ sở có quy hoạch mà trước đây tỉnh đã thuê chuyên gia tư vấn có pháp nhân. Cho đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn lại 46 dự án với tổng công suất lắp máy là 774,8MW, trong đó 13 dự án đã hoàn thành, 8 dự án đang xây dựng”.

Cảnh tan hoang phía hạ du sông Miện
Cảnh tan hoang phía hạ du sông Miện

Những dòng sông ngừng chảy

Việc xây ựng nhiều nhà máy thủy điện trên một đoạn sông ngắn đã và đang khiến cho các dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Hà Giang tạo nên những dòng sông không chảy, dòng nước cuồn cuộn ngày nào đã bị ngăn lại thành những hồ đập.

Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có một số sông lớn chảy qua và có nhiều tiềm năng thủy điện như sông Miện, sông Nho Quế, sông Gâm, sông Lô, sông Chừng,… Với những nhà máy thủy điện xây dựng theo bậc thang đang dần giết chết những dòng sông này.

Đập nước nhà máy thủy điện sông Miện 5
Đập nước nhà máy thủy điện sông Miện 5

Đặc biệt phải kể đến sông Miện là một trong những dòng sông hiện nay đang cõng đến 5 nhà máy thủy điện, trong đó các nhà máy thủy điện Sông Miện 1, 3, 5 đã đi vào hoạt động, Sông Miện 5A sẽ phát điện trong tháng tới, Sông Miện 4 đã thi công được 30% giá trị xây lắp công trình và dự kiến phát điện vào năm 2017.

Nếu di chuyển từ thành phố Hà Giang, chúng ta sẽ đến thủy điện Sông Miện 5A đầu tiên, đây là thủy điện nhỏ với công suất lắp máy 5MW, thủy điện này đã cho chạy thử vào tháng 2.2015, đập dâng của thủy điện cách thân đập của thủy điện Sông Miện 5 chỉ một cánh đồng, còn mực nước dâng của thủy điện Sông Miện 5 có lúc dâng đến địa điểm đang xây dựng thủy điện Sông Miện 4 gây khó khăn cho đơn vị này thi công. Và tiếp đó lên phía thượng nguồn dòng sông Miện cũng bị ngăn đập làm thủy điện khiến dòng sông này gần như không chảy khi các nhà máy thủy điện không phát điện vào giờ thấp điểm.

Đập ngăn nước và chuyển dòng của nhà máy thủy điện Nho Quế 3 tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Đập ngăn nước và chuyển dòng của nhà máy thủy điện Nho Quế 3 tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Còn tại sông Nho Quế chảy qua địa phận huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã được quy hoạch ít nhất 3 nhà máy thủy điện bậc thang, trong đó nhà máy thủy điện Nho Quế 3 với công suất lắp máy 110MW đã được đưa vào vận hành từ năm 2012, thủy điện Nho Quế 2 dự kiến phát điện cuối năm 2015, còn thủy điện Nho Quế 1 đang trong quá trình thi công. Khi 3 nhà máy thủy điện trên sông này đi vào vận hành nhiều người lo ngại rằng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt là khu vực hẻm Tu Sản.

Đó là những dòng sông ở phía Đông Bắc của Tỉnh, ngược về phía Tây Bắc với các huyện có địa hình đồi núi dốc, có các con sông như sông Chảy, sông Chừng đã tạo ra một tiềm năng thủy điện lớn. Tuy nhiên những dòng sông này cũng đang được khai thác bởi hệ thống thủy điện dày đặc.

Vậy với quy hoạch dày đặc các nhà máy thủy điện trên các sông chảy địa bàn tỉnh Hà Giang đã vấp phải những khó khăn gì trong quá trình xây dựng, vận hành, cũng như tiềm ẩn những nguy các nào đến với bà con nơi đây.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc…