Lâm Đồng: Dân đổ xô vào rừng khai thác cây cù néo

ThienNhien.Net – Trong thời gian gần đây, trên nhiều cánh rừng ở các huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên đã xuất hiện một số nhóm người từ các nơi đến khai thác một loại lâm sản phụ có tên gọi là “cù néo” (hoặc còn gọi là “cù nèo”).

Cây cù néo sau khi được chặt thành đoạn khoảng 1,5m, người ta bóc tách lớp vỏ ngoài rồi phơi khô ngay trong rừng. (Ảnh: Báo Lao Động)
Cây cù néo sau khi được chặt thành đoạn khoảng 1,5m, người ta bóc tách lớp vỏ ngoài rồi phơi khô ngay trong rừng. (Ảnh: Báo Lao Động)

Vào một ngày nửa cuối tháng 3.2015, tiếp cận được một người đàn ông khoảng 40 tuổi ngay trong một khu rừng thuộc ba huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi được anh cho biết tên là Trần Hùng , quê ở Phương Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).“Hai vợ chồng em “lang thang” trong những cánh rừng ở Lâm Đồng được hơn năm nay rồi. Hằng ngày, chúng em dựng lều ngay trong rừng để khai thác vỏ cây cù néo; rồi, cứ khoảng một tuần, em hoặc vợ mang về Phương Lâm bán cho các tiệm thuốc bắc để họ bào chế. Bao nhiêu cũng không đủ!” – anh Trần Hùng nói.

Cũng theo lời anh Hùng, mặc dầu chỉ mới rộ lên trong thời gian gần đây nhưng hiện trong những cánh rừng của ba huyện phía nam Lâm Đồng đã có khá nhiều nhóm người ở Đồng Nai lên khai thác vỏ cây cù néo.

Nhóm đông thì hơn chục người; nhóm ít thì cũng 3 đến 5 người. Họ dựng lều trại ngay trong rừng để khai thác. Khi gom đủ hàng, từng nhóm phân công người mang về Đồng Nai tiêu thụ; hoặc cũng có thể tiêu thụ tại chỗ cho những người thu mua trung gian.

Cách khai thác của họ là, cây cù néo sau khi được chặt thành đoạn khoảng 1,5m, người ta bóc tách lớp vỏ ngoài rồi phơi khô ngay trong rừng.

Anh Trần Hùng, quê ở Phương Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), một người vào rừng khai thác cây cù néo tại Lâm Đồng. (Ảnh: Báo Lao Động)
Anh Trần Hùng, quê ở Phương Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), một người vào rừng khai thác cây cù néo tại Lâm Đồng. (Ảnh: Báo Lao Động)

Về giá cả, cũng theo anh Trần Hùng, 1kg vỏ cây cù néo khô được bán với giá 5.000 đồng ngay tại cửa rừng; nếu mang xuống Đồng Nai bán thì giá sẽ cao hơn – có khi lên đến 8.000 đồng/kg.

“Trung bình mỗi ngày em làm được 1 tạ vỏ tươi, tương đương 45kg khô; còn vợ em thì làm khoảng 35 – 40kg khô (vì cô ấy còn phải lo cơm nước nữa). Hơn năm nay, vợ chồng chúng em không mấy khi có mặt ở nhà…” – anh Trần Hùng nói tiếp.

Mang mẫu cây cù néo và cả những bức ảnh chụp được ngay trong rừng để tham khảo ý kiến một cán bộ ngành lâm nghiệp, chúng tôi lại được anh này thắc mắc: “Cái tên “cù néo” hay “cù nèo” nghe hơi lạ quá. Nhìn bên ngoài, loại cây dây này giống như dây chặc chìu. Chặc chìu cũng là một loại cây rừng thuộc dây trườn, cũng làm thuốc để chữa trị nhiều thứ bệnh ở người. Tuy nhiên, tên gọi chưa phải là tất cả, vấn đề là ở chỗ nếu tình trạng khai thác vô tội vạ như thế này tiếp tục diễn ra thì môi trường sinh thái rừng sẽ bị ảnh hưởng xấu!”.

Phải chăng đã đến lúc ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng cần vào cuộc để tìm hiểu và xử lý vấn đề khai thác lâm sản vừa mới phát sinh này?