Kỳ thú hang động núi lửa Việt Nam mới phát hiện: Bài 1: Bất ngờ từ hang dơi rừng thẳm

ThienNhien.Net Cuối năm 2014 Tổng cục Địa chất (Bộ Tài nguyên & Môi trường) công bố những phát hiện độc đáo về hệ thống hang động núi lửa trong đá basalt tại Đắk Nông có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, tương lai hứa hẹn sẽ thành Công viên Địa chất Quốc gia, hướng tới Công viên Địa chất Toàn cầu.

Các nhà khoa học khảo sát hang C7. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Các nhà khoa học khảo sát hang C7. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Những phát hiện ban đầu đã công bố tại nhiều hội nghị khoa học địa chất

Từ 10 năm trước khi công bố những phát hiện độc đáo về hệ thống hang động núi lửa trong đá basalt tại Đắk Nông, các nhà địa chất thuộc Bảo tàng Địa chất VN thực hiện một đề tài cấp bộ “Nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam”, đã chỉ ra thác Trinh Nữ nằm trên dòng chảy của sông Sêrêpôk là một trong những cụm thác đẹp chảy trên đá basalt dạng cột, có tuổi khoảng 781.000 – 126.000 năm.

Không lâu sau, những năm 2007 – 2008, đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông” do TS. La Thế Phúc – Giám đốc Bảo tàng Địa chất VN, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) chủ trì được tiến hành với nguồn vốn 15.000 USD do UNESCO tài trợ. Đề tài đã có nhiều phát hiện mới, đặc biệt là đã phát hiện ra hệ thống hang động trong đá basalt.

Thông tin về phát hiện mới này đã được công bố ở nhiều hội nghị khoa học địa chất trong và ngoài nước cũng như các tạp chí chuyên ngành trong nước như Hội nghị Khoa học Toàn quốc lần thứ nhất Hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên VN năm 2010, Hội nghị Công viên Địa chất Toàn cầu năm 2012 tại Unzen, Nhật Bản; Tạp chí Địa chất loạt A số 320, 9 – 10/2010, số đặc biệt kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Địa chất VN năm 2010, Journal of Geology, series B số 35-36/2010. Và đã có hàng chục ngàn tờ rơi quảng bá tuyên truyền về di sản địa chất khu vực cụm thác Trinh Nữ – Gia Long, trong đó có hang động trong đá basalt, phát cho khách du lịch và bà con.

Các thông tin phát hiện này đã được các tổ chức, các nhà khoa học nước ngoài quan tâm nghiên cứu và tạp chí nước ngoài đặt viết bài báo khoa học để công bố. TS. Hiroshi Tachihara – Chủ tịch Danh dự Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản – và TS. Tsutomu Honda – Chủ tịch Hội – đã đặt vấn đề hợp tác với Bảo tàng Địa chất VN để nghiên cứu hang động trong đá núi lửa ở khu vực này trên cơ sở nguồn vốn cá nhân tự đóng góp.

Qua các đợt khảo sát ngắn ngày từ năm 2012 đến nay, mỗi đợt từ 5 – 7 ngày, nhân lực từ 12 – 17 người với các thiết bị đo vẽ chuyên dụng, Đoàn khảo sát hang động núi lửa liên hợp Việt – Nhật đã khảo sát, đo đạc chi tiết 3 trong số hàng chục hang đã được phát hiện ở khu vực này, đã xác lập độ dài kỷ lục về hang động núi lửa ở Đông Nam Á và một số thông tin khoa học bước đầu liên quan.

Đây là hệ thống hang động trong núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, với hang động C7 là hang núi lửa dạng ống có chiều dài 1066,5m – dài nhất Đông Nam Á, Hang C3 có tổng chiều dài 594.4m – dài thứ 2; hang A1 có tổng chiều dài 456.7m – dài thứ 5 Đông Nam Á.

Một rừng đá, những hang động ấn tượng lạ lùng

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết ngày 12-1 về những ngày đầu tiên đi nghiên cứu di sản địa chất khu vực thác Trinh Nữ để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường, ông La Thế Phúc cho biết, năm 2007 là khi ông từ Liên đoàn Địa chất Biển về công tác tại Bảo tàng Địa chất được hơn 2 năm.

Thác Trinh Nữ gây ấn tượng bằng dáng vẻ độc đáo của những khối đá basalt có màu xám, xám đen có dạng cột hình lăng trụ chủ yếu là 6 cạnh. Nhiều khối đá có kích thước dài tới vài mét, muôn hình muôn vẻ nằm chồng chất, ngổn ngang chìm nổi bên lòng sông Sêrêpôk rất ngoạn mục. Có nhiều cây lớn cành mọc uốn lượn theo vách đá, cùng những cột đá tạo vẻ nguyên thủy hoang sơ, hấp dẫn như thể đá và cây cùng đua nhau mọc. “Chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một rừng đá với những ấn tượng là lùng khó quên” – TS Phúc nói.

Khi đến khu vực khảo sát, bao giờ những nhà địa chất cũng phỏng vấn, trao đổi những thông tin cần thu thập và thường rủ người bản xứ dẫn đường. Qua phỏng vấn anh Nguyễn Thanh Tùng – người của Công ty Thương mại và Du lịch hồi đó, TS Phúc được biết trong vùng có hang Dơi.

“Theo yêu cầu, anh Tùng đã dẫn chúng tôi đi vào hang và chỉ cho chúng tôi biết những nơi họ hay vào bắt rắn, bắt dơi” – TS Phúc kể. Người dân ở đây gọi hang này là hang dơi vì có nhiều dơi trú ẩn, họ hay vào đấy để bắt. Khi hoàng hôn buông xuống, hàng nghìn con dơi bay rợp khoảng không trong các hang động tạo một cảm giác rờn rợn, nhưng cũng rất thú vị. “Khi đến hang, chúng tôi đã biết được ngay đây là hang động trong đá basalt, đã quay phim chụp ảnh, lập báo cáo đề tài và tuyên truyền thông tin về di sản địa chất nơi đây, trong đó có hang động trong đá basalt”.

Con đường vào khu vực hang động này, theo TS Phúc, cũng không khó đi lắm. Vì rừng cây ở đây chủ yếu là khu rừng đặc dụng, toàn cây cao và không nhiều tầng lớp, không có vắt như rừng ngoài bắc. Đường đi cũng không xa, ô tô dừng lại trên đường từ thác Đray Sáp đến thác Gia Long, ở khoảng giữa dừng lại và đi vào đường mòn chỉ khoảng vài trăm mét.

Hiện nay, khu vực từ cụm thác Đray Sáp – Chư B’luc, đoàn khảo sát Việt – Nhật đã phát hiện hàng chục hang động trong đá basalt. Mỗi hang động lại có sự khác biệt về chiều dài, hướng phát triển, hình dạng bên trong, mức độ phân nhánh phân tầng, cấu tạo dòng dung nham, dấu tích dòng chảy dung nham, đặc điểm thạch nhũ, di tích thực vật … và hầu hết các hang đều là nơi cư trú của dơi và một số sinh vật khác.

“Hang động ở đây là di sản địa chất độc đáo, rất có giá trị về khoa học giáo dục, thẩm mỹ và tiềm ẩn nhiều điều thú vị đang cần được đầu tư nghiên cứu, khám phá và quy hoạch tổng thể. Trước mắt, để đảm bảo an ninh an toàn, chúng ta chưa khuyến khích khai thác du lịch…. ” – TS Phúc khuyến cáo.

Bài 2: Hang động Tây Nguyên và tiếng vang quốc tế