Loay hoay việc phát triển điện gió

ThienNhien.Net – Theo Tổng cục năng lượng, nguồn năng lượng truyền thống không tái tạo đang ngày càng cạn kiệt. Nếu không nhanh chóng tìm ra phương án bù đắp vào sự thiếu hụt nguồn năng lượng này thì giai đoạn tới, nước ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

Tiềm năng lớn

Cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ, Việt Nam có những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển năng lượng gió nhưng cho đến nay, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Xét yếu tố địa lý, nước ta nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài, thuận lợi để phát triển năng lượng gió. So sánh tốc độ gió trung bình trong vùng Biển Đông Việt Nam và các vùng biển lân cận cho thấy gió tại Biển Đông khá mạnh và thay đổi nhiều theo mùa. Tận dụng được lợi thế này để sản xuất điện thì Việt Nam có thể sản xuất hơn 500.000 MW điện gió mỗi năm. Những vùng có thể xây dựng cơ sở năng lượng điện gió hiệu quả cao tập trung vào các tỉnh Trung Trung bộ từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận được coi là những địa phương có tiềm năng lớn nhất với tốc độ gió từ 6 – 7m/s. Ở độ cao từ 60m – 80m, hoàn toàn có thể xây dựng nhiều nhà máy với tổng công suất lên đến 9.500 MW.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu nhìn từ bờ đê. (Ảnh: Lâm Hương Nguyên)
Nhà máy điện gió Bạc Liêu nhìn từ bờ đê. (Ảnh: Lâm Hương Nguyên)

Tiềm năng dồi dào nhưng nhà đầu tư lại không mặn mà. Đại diện Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2011 có tới gần 50 dự án điện đã đăng ký, với tổng công suất đăng ký 4.876 MW. Thế nhưng, cho đến nay chỉ mới chỉ có 3 nhà máy điện gió phát điện thương mại. Gần đây nhất là dự án điện gió Bạc Liêu chạy thành công 10 turbine và hòa lưới điện quốc gia trên 20.000 MW (tương đương 20 triệu kWh điện).

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch tập đoàn Phú Cường cho biết, phát triển điện gió ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có thể kể đến như công nghệ đo gió của Việt Nam thuộc loại lạc hậu nên chưa có cơ sở dữ liệu tin cậy và đầy đủ để đánh giá được tiềm năng thực tế về năng lượng gió. Nước ta chưa có được những công nghệ phù hợp, tiên tiến để sản xuất điện gió hiệu quả. Ngoài ra, giá điện 9,8 cent/kW mà Tập đoàn Điện lực thâu vào chưa thể mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ năng lượng tái tạo và năng lượng mới, Tổng cục Năng lượng cho biết, để có thể khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần sự trợ giá mua điện sạch từ quỹ bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các dự án đầu tư phát triển điện gió còn nằm trong danh mục được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư về miễn giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa thiết bị phục vụ dự án mà trong nước chưa sản xuất được, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm, có thể gia hạn trong 30 năm, miễn phí toàn bộ với tiền sử dụng đất và phí bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, theo ông Chris Beaufait, Chủ tịch Tập đoàn Vestas (Đan Mạch), hiện tại Việt Nam chưa có chính sách và các quy định, trợ giá trong việc mua điện từ nguồn năng lượng gió. Việc thu xếp vốn của các nhà đầu tư còn khó khăn do còn thiếu các dịch vụ và khả năng tài chính để có thể vay vốn từ ngân hàng hoặc từ tổ chức tài chính cho việc phát triển điện gió.

Về phía nhà nước cũng chưa có quy hoạch và chính sách minh bạch, rõ ràng, thống nhất từ trung ương đến địa phương về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng. Đặc biệt là những quy định cụ thể nhằm quản lý hoạt động đầu tư phát triển điện gió. Chưa kể sự hạn chế về trình độ kỹ thuật để thiết kế, thi công, kể cả dịch vụ bảo quản, bảo trì, điều hành và quản lý công trình. Việc cấp phép, triển khai đến nay vẫn còn thiếu quy hoạch cụ thể cũng như việc bổ sung quy hoạch điện lực chung của địa phương và khu vực. Và để có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, xem ra Chính phủ Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm.