Ứng phó với BĐKH là “không hối tiếc”

ThienNhien.Net – Từ ngày 1-12 đến ngày 12-12, Hội nghị lần thứ 20 của Liên hiệp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP-20) diễn ra tại Peru, với sự tham gia của đại diện gần 200 quốc gia. Nhân dịp này phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Trung Thắng (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) về những nỗ lực của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

ông Nguyễn Trung Thắng (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
ông Nguyễn Trung Thắng (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

* Phóng viên: Thưa ông, hệ thống chính sách về BĐKH của Việt Nam hiện đã hoàn thiện chưa?

* Ông NGUYỄN TRUNG THẮNG: Hệ thống pháp luật của ta thời gian qua đã được quan tâm xây dựng. Chúng ta đã có những văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, từ đường lối chính sách của Đảng đến chiến lược, chương trình quốc gia của nhà nước về vấn đề này. Trong mỗi ngành, lĩnh vực cũng đã có những quy định có liên quan. Tuy nhiên, mặc dù chủ trương, định hướng đã có, nhưng cái còn thiếu là những quy định cụ thể của pháp luật để đảm bảo chủ trương đó được hiện thực hóa. Vừa rồi Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có một số quy định về BĐKH, nhưng chưa nhiều, chưa cụ thể. Những quy định về BĐKH hiện nay vẫn còn nằm tản mát ở nhiều văn bản khác nhau, chưa được tập hợp một cách đầy đủ, có hệ thống.

* Việt Nam là một nước có mức thu nhập trung bình thấp, kinh tế chưa phát triển, trong khi cắt giảm khí nhà kính thường được coi là vấn đề của các nước công nghiệp phát triển. Suy nghĩ như vậy có đúng không?

* Ứng phó với BĐKH thường bao gồm thích ứng và giảm nhẹ. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là dù phát thải khí nhà kính của ta chưa lớn, chưa đến mức phải cắt giảm, nên trước mắt ưu tiên cho các hoạt động thích ứng, lấy thích ứng làm trọng tâm, nhưng cũng cần kết hợp với các hoạt động giảm nhẹ ngay từ bây giờ. Đừng nghĩ giảm khí nhà kính là mất mát tăng trưởng. Nhìn từ một góc độ khác, đó chính cơ hội để đổi mới công nghệ, tái cơ cấu kinh tế, hướng đến tăng trưởng xanh.

* Nền kinh tế Việt Nam nói chung vẫn còn khó khăn, nợ công cao; đầu tư cho ứng phó với BĐKH liệu có phải là một ưu tiên?

* Đúng là trong bối cảnh hiện nay nguồn lực của chúng ta còn phải đáp ứng cho nhiều nhiệm vụ khác; kinh phí cho BĐKH phần lớn lấy từ nguồn hỗ trợ quốc tế. Vừa qua, chúng ta cũng đã có nhiều chương trình, dự án; tính đến nay đã có hàng tỷ USD được đầu tư. Như tôi đã nói, chúng ta đang ở giai đoạn chú trọng thích ứng, là giai đoạn mà nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, ở giai đoạn chú trọng giảm nhẹ BĐKH thì các nguồn lực xã hội đóng vai trò không thể thiếu.

Hiện cũng đã có những chương trình thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính; nhưng chính bản thân mỗi doanh nghiệp phải thấy rằng đầu tư công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, làm cho giá thành sản phẩm về lâu dài sẽ có tính cạnh tranh bền vững hơn trên thị trường. Nếu thấy rõ cái lợi đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư.

* Các kịch bản BĐKH của Việt Nam chính xác đến mức nào; có đủ thuyết phục để xã hội tập trung nguồn lực vào công tác ứng phó với BĐKH?

* Ở Việt Nam, Bộ TN-MT đã nhiều lần cập nhật kịch bản BĐKH, dựa trên phương pháp luận và cơ sở khoa học chắc chắn, có tham khảo các kết quả nghiên cứu khoa học quốc tế, cho nên đây là những thông tin đáng tin cậy. Và trong ứng phó với BĐKH thì nguyên tắc chung là “không hối tiếc”. Dự báo như thế này, chúng ta đã thực hiện phòng ngừa rồi, nhưng nếu kịch bản đó không xảy ra thì cũng không có gì hối tiếc, vì đó cũng là hướng tới sự phát triển bền vững. Ví dụ chúng ta dự báo nước biển xâm thực mạnh, nên đã trồng rừng ngập mặn, nhưng nếu không bị xâm thực sâu đến thế thì trồng rừng vẫn tốt!

* Những ưu tiên trước mắt là gì, thưa ông?

* Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo sớm; xây dựng bản đồ ngập lụt đến cấp xã để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Đồng thời, từng bước nâng cao năng lực thích ứng, cả bằng công trình cứng như đê biển, đến các giải pháp mềm như đổi mới công nghệ…

* Cảm ơn ông!