Tập trung thực hiện lập “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn 2021-2030”

Những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã đạt nhiều thành tích đáng kể tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý nhà nước, tuy vậy vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động cấp phép khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lại Hồng Thanh để làm rõ vấn đề trên.


Công trường khai thác khoảng sản mỏ đa kim Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) của Công ty Cổ phần tài nguyên Masan. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Ngày 31/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ông cho biết kết quả thực hiện Nghị định này ở Trung ương và địa phương?

Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định 67) được ban hành để thay thế Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 (Nghị định 203). Theo đó, Nghị định 67 ban hành đã giải quyết được những hạn chế, bất cập và vướng mắc khi thực hiện Nghị định 203 như: Khắc phục tình trạng kê khai sai sản lượng khai thác thực tế bằng việc yêu cầu việc kê khai theo thuế tài nguyên phải phù hợp với bản đồ hiện trạng khai thác mỏ (điểm e khoản 1 Điều 6); sau khi gia hạn Giấy phép khai thác, nếu trữ lượng còn lại theo thực tế lớn hơn trữ lượng đã tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo giấy phép đã cấp thì tổ chức, cá nhân phải nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (khoản 6 Điều 6); quy định trường hợp tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi chưa có giá tính thuế tài nguyên hoặc giá tính thuế tài nguyên ban hành chưa phù hợp với loại khoáng sản đề nghị cấp phép khai thác (khoản 2 Điều 8); điều chỉnh quy định thu tiền nộp lần đầu (trước lúc nhận giấy phép) chỉ còn 30% số tiền trung bình nộp hàng năm (khoản 2 Điều 9) và nộp tiền từ lần thứ 2 trở đi sẽ được nộp thành 2 kỳ, cụ thể là ngày 31/5 và ngày 31/10 (điểm a khoản 3 Điều 9); quy định trường hợp tạm ngừng khai thác khoáng sản vì lý do bất khả kháng (điểm b khoản 3 Điều 9); bổ sung mới quy định điều chỉnh, hoàn trả, gia hạn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định 203 chưa quy định)…

Về công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) không thay đổi so với Nghị định 203, mà chỉ giải thích rõ trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng như điều chỉnh hệ số R phù hợp với thực tiễn công tác quản lý thời gian vừa qua.

Như vậy, về cơ bản phương pháp tính, công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cơ bản vẫn thực hiện như đối với Nghị định 203 trước đây. Sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, theo số liệu thống kê từ ngày 15/9/2019 đến tháng 12/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ, tổng số tiền là 60 tỷ đồng; có 15/63 tỉnh, thành phố đã gửi 55 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền đã phê duyệt gần 83 tỷ đồng.

Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là một trong nhiệm vụ được Tổng cục quan tâm hàng đầu, vậy thời gian qua Tổng cục đã thực hiện công tác này như thế nào, thưa ông?

Thực hiện “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch, từ năm 2013 đến 2019, Tổng cục đã cơ bản hoàn thành 11 đề án lập bản đồ Địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền với diện tích gần 25.000 km2, nâng diện tích đã hoàn thành công tác này lên 70% tổng diện tích đất liền; hoàn thành 25 đề án đánh giá khoáng sản gồm các khoáng sản: than nâu, urani, sắt, bauxit, titan, chì, kẽm, đồng, vàng, wolfram, molipden, khoáng chất công nghiệp (Felspat, kaolin, barit, đá hoa, vermiculit…), khoáng sản làm vật liệu xây dựng (đá vôi, sét xi măng, đá ốp lát, đá xây dựng).

Các kết quả nổi bật là đã đánh giá xác định tài nguyên quặng titan trong tầng cát đỏ chủ yếu thuộc tỉnh Bình Thuận và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, với tài nguyên khoảng 550 triệu tấn quặng tinh cấp 333 và 334a; quặng bauxit (nhôm) khoảng 1,87 tỷ tấn quặng tinh cấp 333 và 334a. Riêng trong năm 2019, Tổng cục đã hoàn thành 2 đề án lớn của Chính phủ gồm: Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng than phần đất liền bể Sông Hổng sơ bộ xác định tài nguyên than nâu trên diện tích 265 km2 khu vực ven biển Tiền Hải, Thái Bình – Nam Định cấp 333 và 334a đạt 6,7 tỷ tấn; Đề án thăm dò quặng urani khu Pà Lừa – Pà Rồng, Nam Giang, Quảng Nam. Ngoài ra còn phát hiện, đánh giá xác định tài nguyên hàng chục mỏ quặng kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đã được chuyển sang thăm dò, khai thác, chế biến phục vụ phát triển kinh tế – xã hội các địa phương phương và xuất khẩu.

Các đề án lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền đã phát hiện hàng trăm điểm quặng có triển vọng để chuyển sang đánh giá, thăm dò tiếp theo. Vấn đề tồn tại hiện nay là việc thực hiện quy hoạch còn chậm so với tiến độ đã được phê duyệt, nguyên nhân chủ yếu do vốn cấp không đủ để thực hiện theo tiến độ các đề án đã phê duyệt.

Để khắc phục một phần tồn tại trên, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”, gồm đề án lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50,000 và 14 đề án đánh giá khoáng sản. Qua 2 năm thực hiện, bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan, đã phát hiện một số khu vực có triển vọng khoáng sản và mỏ quặng kim loại, khoáng chất công nghiệp.

Trong năm 2019, Tổng cục cũng đã gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”. Việc thực hiện 2 đề án của Chính phủ đó là đề án Tây Bắc và Trung Trung Bộ nêu trên và các đề án cấp Bộ đang triển khai, sẽ góp phần hoàn thành Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã duyệt.

Trong năm 2020, Tổng cục sẽ tập trung cụ thể vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Năm 2020 là năm bản lề để Tổng cục bước sang một kỳ kế hoạch 5 năm mới, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016-2020). Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch chung của ngành Tài nguyên và Môi trường, trong năm nay Tổng cục tập trung thực hiện nhiệm vụ lập “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quy hoạch; thực hiện tốt công tác thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, tổ chức họp rà soát, thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật về khoáng sản. Tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo kế hoạch (dự kiến khoảng 10 khu vực); tăng cường triển khai thực hiện giải quyết thủ tục thủ tục hành chính về địa chất, khoáng sản thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; triển khai hiệu quả thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế đối với khoáng sản đá ốp lát, sét nguyên liệu xi măng theo kế hoạch, kiên quyết xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát khoáng sản, ngân sách nhà nước, cập nhật đầy đủ hồ sơ hoạt động khoáng sản trên hệ thống phần mềm dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phát huy kết quả đạt được trong năm 2019, Tổng cục tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, theo đó hoàn thiện để Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; xây dựng, trình Chính phủ xây dựng 2 Nghị định của Chính phủ. Đó là Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt. Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đồng thời, xây dựng 7 Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: Thông tư quy định kỹ thuật thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản đá khối làm ốp lát, mỹ nghệ; Thông tư quy định kỹ thuật công tác khai đào công trình (hào, hố, giếng, dọn vết lộ); Thông tư quy định kỹ thuật công tác lấy mẫu trong các công trình khoan, khai đào; Thông tư quy định về giao nộp, thu nhận và lưu giữ, bảo quản và cung cấp dữ liệu về Địa chất và Khoáng sản; Thông tư ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật công tác bay đo từ và trọng lực; Thông tư ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật phân tích mẫu trên hệ quang phổ khối ICP-MS; Thông tư ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật công tác đánh giá tiềm năng khoáng sản rắn phần đất liền trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Bên cạnh đó, Tổng cục thực hiện các đề án thành phần thuộc “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”; tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trân trọng cảm ơn ông!