Vì sao Hào Dương liên tục “thoát hiểm”?

ThienNhien.Net – Như đã thông tin, quyết định xử phạt Công ty CP Thuộc da Hào Dương 6,3 tỉ đồng sẽ được trình ký trong tuần này. Nếu làm nghiêm từ đầu, việc xử phạt vi phạm về môi trường đối với công ty này đã không lằng nhằng đến vậy.

Điểm qua một số vụ vi phạm nổi cộm trong lĩnh vực môi trường, có lẽ chuỗi sai phạm của Công ty CP Thuộc da Hào Dương (gọi tắt là Hào Dương; KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM) là hiện tượng lạ nhất với 11 lần sai phạm bị các cơ quan chức năng phát hiện.

Chờ xử phạt, vẫn vi phạm

Hào Dương từng gây ô nhiễm môi trường nên năm 2003 phải chuyển về hoạt động tại KCN Hiệp Phước, là nơi tập trung tiếp nhận các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở TP HCM. Hơn 10 năm qua, ý thức chấp hành bảo vệ môi trường của doanh nghiệp (DN) này vẫn không khá hơn khiến sông Đồng Điền chết dần chết mòn, người dân sống nhờ nguồn nước sông khốn đốn, kêu cứu khắp nơi.

 

Lực lượng chức năng lấy mẫu nước thải tại Công ty CP Thuộc da Hào Dương đưa đi phân tích (Ảnh: Minh Khanh/nld.com.vn)
Lực lượng chức năng lấy mẫu nước thải tại Công ty CP Thuộc da Hào Dương đưa đi phân tích (Ảnh: Minh Khanh/nld.com.vn)

Từ 2007 đến nay, năm nào cơ quan chức năng cũng phát hiện Hào Dương xả thải vượt chuẩn hay xả lén nước thải, chất thải ra môi trường. Đáng nói, trong thời gian khắc phục hậu quả và chờ kết quả xử lý từ cơ quan chức năng, DN này vẫn vi phạm, thách thức pháp luật. Đơn cử, năm 2009, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phát hiện Hào Dương xả thải quá quy định và đã chuyển hồ sơ về Sở TN-MT TP HCM. Trong khi chờ Sở TN-MT xử phạt, công ty này vẫn tiếp tục gây ô nhiễm.

Tháng 6-2012, Công ty CP KCN Hiệp Phước gửi văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng về việc Hào Dương liên tục dẫn nước thải chưa qua xử lý và hóa chất nhuộm da vào hệ thống thu gom nước mưa để xả ra sông Đồng Điền. Tháng 7-2012, Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza) phát hiện công ty này xả nước thải, khí thải vượt chỉ tiêu cho phép nên đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình UBND TP xử phạt. Tháng 8-2012, Hepza lại phát hiện Hào Dương không khắc phục hậu quả, vẫn tiếp tục vi phạm nên kiến nghị UBND TP đình chỉ hoạt động và thanh tra toàn diện.

Tháng 9-2012, Hào Dương gửi văn bản đến các cơ quan chức năng hứa khắc phục sai phạm, xin được tiếp tục hoạt động nhưng khi Hepza tái kiểm tra vẫn chứng kiến nước thải chứa mỡ, chất thải từ công ty này thoát thẳng ra sông Đồng Điền, lượng nước thải đổ về nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN chỉ bằng 50% lượng nước tiêu thụ hằng ngày.

Quá bức xúc, tháng 10-2012, Hepza gửi văn bản đề nghị Thanh tra Sở TN-MT tham mưu cho UBND TP xử lý vi phạm của Hào Dương. Tuy nhiên, tháng 11-2012, Sở TN-MT báo cáo riêng UBND TP, đề xuất không xử lý vi phạm theo đề nghị của Hepza vì các sai phạm của Hào Dương không đủ điều kiện để đình chỉ hoạt động, trong khi Hepza cho rằng hoàn toàn đủ điều kiện đình chỉ hoạt động theo điều 48, điều 49 của Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tháng 11-2013, UBND TP chỉ đạo Sở TN-MT đình chỉ hoạt động của Hào Dương trong 6 tháng để khắc phục hậu quả các sai phạm và cải tạo hệ thống xử lý nước thải.

Sự khó hiểu của Sở TN-MT TP HCM

Nghiêm trọng nhất là tháng 10-2013, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 – Bộ Công an) bắt quả tang Hào Dương lắp đặt 3 đường ống ngầm, 1 đường ống hở và 4 máy bơm để bơm nước thải, mỡ thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Lĩnh vực nào cũng mắc sai phạmNgoài lĩnh vực môi trường, Công ty CP Thuộc da Hào Dương còn xây dựng công trình không phép, nợ BHXH, vi phạm các quy định về hợp đồng lao động và an toàn vệ sinh lao động… Không chỉ sai phạm ở trụ sở chính, tại mặt bằng thuê lại trong KCN Hiệp Phước, Hepza cũng phát hiện DN này xả nước lẫn bùn thải vào hệ thống thu gom nước mưa của DN khác để xả ra môi trường, gây tắc nghẽn hệ thống.

C49 đề xuất mức phạt đối với mỗi vị trí xả chui là 550 triệu đồng (có 3 vị trí) và buộc phải nộp gần 4,4 tỉ đồng là tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi xả chui; tổng số tiền phạt là 6,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, Sở TN-MT cho rằng Hào Dương dùng 3 ống bơm để bơm nước thải từ một hệ thống xử lý nước thải có tính chất tương đồng nên vẫn có thể xác định không thuộc trường hợp có nhiều điểm xả thải. Do đó, Sở TN-MT đề xuất phạt 1 tỉ đồng. Tháng 7 vừa qua, tại cuộc họp giữa các cơ quan chức năng, C49 và Sở Tư pháp thống nhất xử phạt Hào Dương đã xả thải 3 vị trí. Vì thế, con số hơn 6,3 tỉ đồng tiền phạt đã được Sở TN-MT đưa vào dự thảo quyết định xử phạt hành chính trình UBND TP.

Còn nhớ, Hào Dương từng xin Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM “trả góp” mỗi tháng 100 triệu đồng cho số tiền nợ phí bảo vệ môi trường hơn 640 triệu đồng và cơ quan này không còn cách nào ngoài việc cho “trả góp”, dù điều đó là không công bằng với các DN đóng phí đầy đủ. Lần này, nếu số tiền phạt đề xuất được UBND TP chấp thuận, liệu Hào Dương sẽ trả trong bao lâu?

Đừng nhìn vào số tiền phạtViệc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đề xuất xử phạt 6,3 tỉ đồng đối với Công ty CP Thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, TP HCM) đang được dư luận bình phẩm như là một kỷ lục. Nhiều người đã khen ngợi Sở TN-MT TP quyết liệt với hành động gây ô nhiễm của doanh nghiệp.
Đúng là kỷ lục vì xưa nay chưa thấy địa phương nào ở nước ta đưa ra mức xử phạt doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường ở mức hàng tỉ đồng. Ngay cả vụ Vedan Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) từng nổi đình nổi đám về vụ đầu độc sông Thị Vải (phát hiện vào năm 2008) thì mức phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường cũng mới dừng lại ở con số 267,5 triệu đồng.

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng tạm dẫn như thế để thấy nếu chỉ nhìn vào vi phạm liên tục của Công ty Hào Dương rồi nhìn vào đề xuất mức phạt của Sở TN-MT TP HCM thì có vẻ như thế là rất nghiêm.

Nhưng vấn đề chưa hẳn vậy. Bởi sau khi phát hiện Công ty Hào Dương lắp đặt 3 đường ống ngầm, 1 đường ống hở và 4 máy bơm để bơm nước thải, mỡ thải chưa qua xử lý ra môi trường (cuối năm 2013), hồi tháng 8 năm nay, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 – Bộ Công an) đã đề xuất mức phạt 6,3 tỉ đồng, trong đó có gần 4,4 tỉ đồng là tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi xả chui. Tuy nhiên, khi nhận được đề xuất này, Sở TN-MT TP lại cho rằng chỉ nên phạt 1 tỉ đồng vì nhiều lý do. Cho nên, nói cho cân phân, mức đề xuất xử phạt Công ty Hào Dương 6,3 tỉ đồng là xuất phát từ C49 chứ không phải từ Sở TN-MT TP.

Mới là đề xuất, chưa hẳn Công ty Hào Dương rồi sẽ phải chịu mức xử phạt kỷ lục này. Tuy nhiên, ngay từ lâu, dư luận đã biết đến kỷ lục về số lần vi phạm và hứa khắc phục của công ty này vì chỉ sơ tính, Hào Dương đã 11 lần vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện, số lần chưa được phát hiện hẳn phải lớn hơn nhiều. Nói như thế để thấy tại sao dư luận bàn tán về kỷ lục vi phạm của công ty này còn sôi nổi hơn nhiều so với kỷ lục về mức đề xuất xử phạt.

Còn nhớ sau rất nhiều lần vi phạm của Công ty Hào Dương được phanh phui, chính Bộ TN-MT từng có văn bản yêu cầu Sở TN-MT TP làm rõ việc vì sao không đưa công ty này vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để (?). Hẳn sau đó còn nhiều ẩn số.

Không đưa hay vì sao không đưa Công ty Hào Dương vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là thẩm quyền của Sở TN-MT TP. Điều quan trọng mà dư luận nhìn thấy rất rõ là với cách xử lý và tham mưu của sở này, Công ty Hào Dương vẫn liên tục vô tư xả thải, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước, đầy thách thức. Cho nên, với sai phạm của Công ty Hào Dương, nếu chỉ trông chờ vào kỷ lục về mức đề xuất xử phạt (nếu được phê chuẩn) hẳn cũng sẽ không xử lý được tận gốc vấn đề.

Theo Lương Duy Cường/nld.com.vn, 11/11/2014