Hy vọng nông nghiệp sẽ được chú trọng đúng mức

ThienNhien.Net – Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim – Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, đã gửi những ý kiến đóng góp bằng văn bản tới Kỳ họp. Đại Đoàn kết xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung những ý kiến đó.

 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim -  Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim –
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

I. Đặt nông nghiệp lên hàng đầu

Thời gian qua chúng ta tập trung quá mức vào công nghiệp hóa, hiện đại hoá và đô thị hóa nông thôn dẫn đến việc chuyển dịch quá mức và lãng phí quỹ đất nông nghiệp… Hậu quả là quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhiều dự án treo kéo dài cả chục năm. Theo đó dẫn tới việc khiếu kiện đất đai kéo dài, có vụ việc nhiều năm chưa giải quyết xong, 70% khiếu kiện tập trung vào lĩnh vực đất đai. Đó phải chăng cũng là một phần nguyên nhân khiến an ninh xã hội và niềm tin trong nhân dân suy giảm…khi thực tế ở các địa phương cho thấy có sự sai sót, tiêu cực trong vấn đề đất đai ở một bộ phận cán bộ chính quyền?

Từ Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) đã nhận định: “Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý; đầu tư còn phân tán, lãng phí và thất thoát nhiều”. Cho đến nay đã qua 14 năm nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu trọng tâm trọng điểm; chưa coi trọng chính sách thiết thực, khả thi và hiệu quả cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì tỉ trọng đầu tư vốn đầu tư cho khoa học công nghệ là quá thấp…

Nguyên nhân của tình trạng này đến Đại hội XI được nhận định là do: “Chiến lược qui hoạch, kế hoạch và chính sách được phê duyệt đều bị chi phối ở mức độ nhất định bởi “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm”. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách để khắc phục được những khuyết tật của mô hình tăng trưởng cũ là một quá trình đấu tranh nội bộ gay go và phức tạp.

Tại kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIII), Quốc hội đã cho rằng tái cơ cấu kinh tế phải coi trọng và phát huy các lợi thế về nông nghiệp, phải đặt nông nghiệp lên hàng đầu, trước hai ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên Quốc hội chưa làm đúng chức năng (đề cập ở phần sau) nhưng chừng mực nào đó đã giúp cho Chính phủ cần phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo xu hướng tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, nay phải tập trung hơn cho nông nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải lượng hóa giải pháp được tính toán bằng kết quả như một “bài toán” thì rõ tính khả thi và thuyết phục hơn.

Lý giải vấn đề này có nhiều cách, nhưng có 2 lý do chủ yếu:

1. Vì nước ta cũng như toàn thế giới đều phải coi trọng đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều lúc khó khăn, kinh tế khủng hoảng, ta phải dựa vào nông nghiệp như “bà đỡ”.

2. Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ đại dương” – kinh tế biển thực sự là một bộ phận cấu thành của ngành nông nghiệp nước ta. Nghị quyết “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (của Hội nghị Trung ương 4 khóa X) đã xác định: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh… Phấn đấu đến năm 2020 kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 – 55% tổng GDP cả nước”. Tới nay, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư thì Đề án về phát triển nông nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt cơ bản, chúng ta hy vọng rằng tỉ trọng nông nghiệp sẽ được tăng lên trong GDP với sự đóng góp lớn của kinh tế biển.

II. Về thẩm quyền phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội chỉ cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, rồi trên cơ sở đó Chính phủ phê duyệt Đề án này. Tôi e rằng Quốc hội đã chưa thực hiện hết chức năng của mình. Vì khoản 3 điều 70 của Hiến pháp hiện hành đã xác định Quốc hội “quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Trong khi đó theo khoản 2 điều 96 của Hiến pháp hiện hành thì Chính phủ “Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại điều này,…”. Như vậy cần phải xem lại thẩm quyền, việc nào Quốc hội xem xét và quyết định cần phải làm rõ, đừng để như đại biểu Quốc hội nêu: Quốc hội biểu quyết về thu chi ngân sách coi chừng là rất hình thức, ngập ngừng và còn nhiều băn khoăn!

Thêm nữa, Qui hoạch phát triển điện lực, phát triển mạng lưới đường sắt,… là những quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, còn Quốc hội chỉ phê duyệt một số dự án cấu thành của qui hoạch đó, tôi thấy cần phải xem xét lại. Đương nhiên tôi đồng tình với Nghị quyết 49 của Quốc hội khóa 12 về việc Quốc hội cần phải thảo luận quyết định những công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ trình để Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

Với cách làm như vậy, trong thực tế, việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án quan trọng thuộc thẩm quyền Chính phủ, còn Quốc hội chỉ lựa chọn phê duyệt phương án đầu tư được coi là cơ bản nhất trong các phương án được trình, chứ không phải là phê duyệt chủ trương đầu tư.

Vậy Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (quan hệ chặt chẽ với mô hình tăng trưởng và không tách rời chủ trương đầu tư) đáng lẽ Quốc hội phải giành thời gian thích đáng, xem xét và quyết định mới phù hợp với Hiến pháp hiện hành.

Vũ Trọng Kim (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTW MTTQ Việt Nam – Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi)


Tít bài do Đại Đoàn Kết đặt lại.