Báo động ô nhiễm nguồn nước tại Hải Dương

ThienNhien.Net – Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, môi trường nước tại địa phương đang bị ô nhiễm nặng, nhất là nước kênh, mương nội đồng.

Thanh niên ra quân xử lý rác thải gây ô nhiễm nguồn nước (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)
Thanh niên ra quân xử lý rác thải gây ô nhiễm nguồn nước (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

Đối với nước sông tự nhiên, theo quan trắc cho thấy, do tốc độ dòng chảy lớn, mang nhiều phù sa và khả năng đồng hóa chất thải tốt nên chủ yếu bị ô nhiễm bởi tổng chất rắn lơ lửng trong nước (TSS).

Sông Thái Bình tại xã Nhân Huệ có nồng độ tổng chất thải rắn lơ lửng trong nước vượt 5,76 lần so với mức B1, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2008/BTNMT), tại sông Đuống vượt 4,62 lần, sông Cầu vượt 2,84 lần; một số đoạn sông bị ô nhiễm bởi N-NO2-, N-NH4+ như sông Thái Bình tại xã Nhân Huệ vượt 1,55 lần, sông Đông Mai tại xã Văn Đức vượt 1,73 lần, sông Hương tại xã Quyết Thắng vượt 2,33 lần so với mức B1, Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08:2008/BTNMT).

Cùng với đó, nước ở kênh, mương nội đồng cũng bị ô nhiễm do tốc độ dòng chảy nhỏ và thường xuyên phải nhận lượng nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, môi trường nước ao, hồ tại Hải Dương có mức độ ô nhiễm cao nhất do tốc độ dòng chảy nhỏ và thường xuyên phải tiếp nhận nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: Hào Thành, ao làng thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng; ao làng thôn Văn Giang, xã Văn Giang, huyện Ninh Giang…

Trước tình trạng báo động về ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Hải Dương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế và từng bước xử lý môi trường để bảo vệ nguồn nước.

Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng chế độ kiểm tra, quan trắc nước thải sau xử lý từ các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện…