Hà Nội: Cần tổ chức lại bộ máy quản lý các “lá phổi” của thành phố

ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, hệ thống ao-hồ ở khu vực nội thành Hà Nội cũng đang bị xâm hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân khu vực.

Trước thực trạng đó, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiến hành rà soát lên kế hoạch cải tạo hệ thống hồ trên địa bàn. Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực “rửa sạch” nguồn nước, nhiều ao-hồ ở khu vực nội thành Hà Nội vẫn bị ô nhiễm nặng nề.

Cá chết hàng loạt tại hồ Thiền Quang do nguồn nước bị ô nhiễm. (Ảnh: Hùng Võ/VietnamPlus)
Cá chết hàng loạt tại hồ Thiền Quang do nguồn nước bị ô nhiễm. (Ảnh: Hùng Võ/VietnamPlus)

Cá chết “phơi trắng” mặt hồ

Hồ Thiền Quang nằm ngay phía trước cổng chính của Công viên Thống Nhất (trước là Công viên Lê Nin) là một trong những nơi nghỉ ngơi, thư giãn và hóng mát của người Hà Nội. Thế nhưng, những ngày gần đây, cuộc sống của người dân sinh sống ở gần khu vực hồ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt.

Ông Toàn, chủ một quán cắt tóc nằm ở ven hồ Thiền Quang, cho biết hơn một tuần nay, hiện tượng cá chết hàng loạt ở đây đã bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Mới đầu, số cá chết đếm được chỉ vài trăm con, sau đó, số lượng cá “phơi bụng” trên mặt nước phải lên tới vài tạ.

“Tôi làm đây nhiều năm, nhưng chưa bao giờ thấy cá ở hồ Thiền Quang lại chết nhiều như hiện nay. Đấy chú nhìn xem, cá chết phơi trắng xung quanh hồ thế cơ mà,” ông Toàn nói.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ vào thời điểm các chết “phơi trắng” hồ Thiền Quang, ông Vũ Văn Khải, công nhân tổ lao động thuộc Xí nghiệp thoát nước số 3 (Công ty Thoát nước Hà Nội) cho biết, hơn một tuần nay, ông và một công nhân khác thường xuyên phải dùng thuyền đi khắp hồ vớt xác cá chết mang đi tiêu hủy.

“Mấy hôm đầu, chúng tôi vớt khoảng vài tạ cá chết đưa đi tiêu hủy, thế nhưng hôm nay lượng cá chết còn lớn hơn nhiều, nên xí nghiệp đã phải huy động thêm 7 công nhân đến hỗ trợ,” ông Khải tiết lộ.

Cá chết "phơi trắng" mộc góc hồ Thiền Quang (Ảnh: Hùng Võ/VietnamPlus)
Cá chết “phơi trắng” mộc góc hồ Thiền Quang (Ảnh: Hùng Võ/VietnamPlus)

Công nhân tổ lao động thuộc xí nghiệp thoát nước số 3 cũng cho biết, vào hồi tháng 3/2014, hiện tượng cá chết hàng loạt cũng xảy ra ở Hồ Thiền Quang, khiến xí nghiệp này phải “dọn dẹp” rất vất vả. Nhiều nhất là khu vực Nhà văn hóa Học sinh-Sinh viên, khu vực đường Trần Bình Trọng.

Theo nhận định của ông Khải, nguyên nhân cá chết trắng Hồ Thiền Quang là do nguồn nước ở hồ bị ô nhiễm nặng. Hơn nưa, thời gian qua không có mưa khiến mực nước trong hồ giảm, cộng với thời tiết thay đổi khi giao mùa khiến lượng cá chết tăng đột biến.

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Thiền Quang, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết hiện đơn vị này đang tiến hành kiểm tra và lấy mẫu nước ở hồ xét nghiệm.

Không chỉ mỗi hồ Thiền Quang bị ô nhiễm, mấy năm gần đây, hồ Văn Quán-nơi được xem là “lá phổi” của khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông cũng bị ô nhiễm, đã lúc nguồn nước ở hồ bốc mùi nồng nặc do rác bẩn và cá chết hàng loạt…

Cần sự “hợp tác” của cộng đồng

Để bảo vệ nguồn nước các hồ khu vực nội thành, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản cấm thả cá trong khu vực hồ, thế nhưng hiện tượng thả và đánh bắt cá vẫn diễn ra.

Theo thống kê, khu vực nội thành Hà Nội có khoảng hơn 100 ao, hồ lớn, nhỏ với tổng diện tích khoảng 1.165 ha. Mặc dù được coi là thành phố của ao, hồ, nhưng vì tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, trong khi năng lực quản lý hạn chế, ý thức của người dân chưa cao, nên nhiều hồ đã bị xâm lấn, thu hẹp diện tích đáng kể và ô nhiễm nghiêm trọng.

Bảo vệ môi trường các hồ ở nội thành cần sự phối hợp của người dân khu vực (Ảnh: Hùng Võ/VietnamPlus)
Bảo vệ môi trường các hồ ở nội thành cần sự phối hợp của người dân khu vực (Ảnh: Hùng Võ/VietnamPlus)

Chia sẻ về vấn đề trên, tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng các hồ có giá trị càng lớn về cảnh quan thì mối lo về ô nhiễm, xâm phạm cảnh quan ở đó càng lớn.

Theo ông Liêm, để bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của hệ thống hồ Hà Nội, phải có sự tham gia của cộng đồng và sự giám sát của xã hội. Trong đó, thành phố cần phải tổ chức lại bộ máy quản lý hồ, để giao trách nhiệm quản lý, sử dụng hồ hợp lý.

“Chúng ta đừng vì tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ giá trị bền vững của hồ. Theo tôi, khi có được sự đoàn kết chung tay của cộng đồng và chính quyền cơ sở thì khu vực hồ-không gian công cộng sẽ tránh được những hoạt động tiêu cực vì lợi ích cá nhân,” ông Liêm nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết sẽ triển khai rộng các công nghệ xử lý nước hồ ô nhiễm. Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở dịch vụ xung quanh hồ để đảm bảo việc xả thải đủ tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, để bảo vệ các hồ hiệu quả, hồi sinh bền vững các không gian mặt nước, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý chức năng, chính quyền địa phương, theo ông Khánh thì cần phải có sự “hợp tác” của người dân sống quanh khu vực ao, hồ.

“Mong rằng vấn đề này sẽ được cộng đồng và chính quyền cơ sở quan tâm, đẩy mạnh hơn,” ông Khánh nói.