BP đối mặt án phạt hàng tỷ USD vì thảm họa tràn dầu Vịnh Mexico

ThienNhien.Net – BP có khả năng phải lãnh án phạt lên tới hàng tỷ USD vì thảm họa tràn dầu Vịnh Mexico xảy ra năm 2010, Bloomberg đưa tin.

Sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ xảy ra vào năm 2010, khi một giàn khoan của công ty dầu khí BP phát nổ và chìm, làm thiệt mạng 11 người.

Dầu thô đã tràn ngập hơn 110km tại vùng bờ biển Louisiana, đe dọa vùng đất ngập nước và tạo nguy cơ lớn đối với ngành đánh bắt tôm cá trọng yếu tại khu vực này.

Sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ xảy ra vào năm 2010, khi một giàn khoan của công ty dầu khí BP phát nổ và chìm, giết chết 11 người (Ảnh: Bloomberg)
Sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ xảy ra vào năm 2010, khi một giàn khoan của công ty dầu khí BP phát nổ và chìm, giết chết 11 người (Ảnh: Bloomberg)

Vụ kiện tụng quy kết trách nhiệm kéo dài 4 năm qua giữa BP và chính phủ Mỹ đã có một bước ngoặt lớn, khi Thẩm phán Carl Barbier đưa ra phán quyết kết luận công ty dầu khí trụ sở London đã hành động một cách hoàn toàn vô trách nhiệm, đồng nghĩa với việc BP có thể phải lãnh án phạt bổ sung lên tới 18 tỷ USD.

Quyết định này càng làm đẩy công ty lún sâu vào vũng lầy, trong bối cảnh BP đang chật vật mở rộng dự án khoan dầu khi chi phí gia tăng còn năng suất thì trượt giảm.

Tính từ năm 2010 tới nay, BP đã chi tổng cộng 28 tỷ USD bồi thường cho tai nạn, chưa kể khoản 15 tỷ USD phục vụ công tác dọn dẹp và khắc phục sau thảm họa.

“Điều này có thể mở ra kịch bản tồi tệ nhất cho BP, mặc dù vụ kiện này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm”, ông Brian Youngberg – chuyên gia phân tích tại Edward Jones & Co chỉ ra.

Dầu loang đã hủy hoại môi trường sinh thái của hơn 110km vùng bờ biển Louisiana (Ảnh: Bloomberg)
Dầu loang đã hủy hoại môi trường sinh thái của hơn 110km vùng bờ biển Louisiana (Ảnh: Bloomberg)

Hai đồng bị cáo của BP là công ty Transocean và Halliburton (BP thuê giàn khoan bị phát nổ từ Transocean, và nhà thầu xi măng của Transocean là Halliburton) bị quy kết ít trách nhiệm hơn trong vụ việc.

Vị thẩm phán chưa đưa ra kết luận về lượng dầu tràn – yếu tố quyết định trong việc xác định khoản bồi thường bổ sung.

Về phần mình, BP cho biết công ty “cực lực phản đối” phán quyết trên và sẽ đâm đơn kháng cáo ngay lập tức.

Thiếu bằng chứng

“Không có bằng chứng nào được đưa ra trong phiên xử, minh chứng rằng công ty đã hành động vô trách nhiệm trong vụ tai nạn, hay các hoạt động của BP tại giếng dầu Macondo là bất hợp pháp”, BP viết trong thông cáo.

Khẳng định trên có vẻ hoàn toàn trái ngược với phán quyết của Thẩm phán Barbier trước tòa án liên bang New Orleans, cho rằng: “Hành vi của BP là vô trách nhiệm. Transocean và Halliburton đã hành động một cách cẩu thả”.

Phán quyết này đã giáng thêm một đòn nặng vào BP, khi các nguồn dầu thô dễ tiến cận đang cạn kiệt dần và trở nên đắt đỏ.

BP đã phải bán đi nhiều tài sản tại các công ty con, từ Ohio đến Pakistan để gom tiền trả án phạt.

Công ty này đã buộc phải ngừng hoạt động khoan dầu nước sâu trong nhiều tháng, đồng thời buộc các nhà thầu khảo sát địa chất phải tăng ngân sách cho các biện pháp bảo hộ khi tiếp cận mỏ dầu sâu hàng dặm dưới mặt đại dương.

Áp lực bị thâu tóm

Từng là công ty dầu khí hùng mạnh nhất thế giới, giờ BP phải đối mặt với một tương lai nhiều bất trắc, có thể khiến công ty này tính đến phương án bán thân cho các đối thủ lớn hơn như Shell hay Exxon Mobil.

Ngay cả trước khi phải đối mặt với các án phạt, BP cũng đã nợ nần chồng chất hơn nhiều công ty cùng ngành, tỷ lệ nợ/lãi đạt 1,67, gần gấp đôi so với tỷ lệ 0,9 của Shell và 0,39 của Exxon.
Điều này kéo tổng chi phí bảo hiểm vỡ nợ của BP lên mức cao nhất trong số các công ty dầu khí Mỹ và châu Âu, tính theo giá trị thị trường.

Trong 4 năm kể từ khi xảy ra thảm họa, cổ phiếu BP trượt tổng cộng 26%, trong khi đó, cổ phiếu Shell tăng 44%, còn cổ phiếu Exxon Mobil leo dốc 34%.

Giàn khoan dầu Deepwater Horizon sụp đổ tại Vịnh Mexico ngày 21/4/2010 (Ảnh: Bloomberg)
Giàn khoan dầu Deepwater Horizon sụp đổ tại Vịnh Mexico ngày 21/4/2010 (Ảnh: Bloomberg)

Phán quyết đưa ra vào ngày 5/9 sẽ xác định mức bồi thường cuối cùng, khoản này sẽ được thông qua vào phiên tòa diễn ra vào tháng 1/2015.

Nếu Thẩm phán Barbier nhất trí với số lượng 4,2 triệu thùng dầu tràn do chính phủ ước tính trước đó, khoản phạt có thể cán mốc 18 tỷ USD, dựa trên đạo luật liên bang về ô nhiễm môi trường.

Ngược lại, nếu ông đồng ý với ước tính của BP tại 2,45 triệu thùng, khoản phát sẽ dừng lại tại 10,5 tỷ USD.

Ngoài ra, BP có thể phải chịu thêm các chi phí phát sinh từ các vụ kiện. Việc đâm đơn khiếu nại có thể đẩy vụ kiện kéo dài trong hơn 10 năm.

Trong một tiền lệ, Exxon đã thanh toán án phạt từ vụ tràn dầu tại Alaska 1989 sau 20 năm tranh tụng.