Việt Nam còn hơn 10.000 điểm có nguy cơ sạt lở

ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa công bố kết quả điều tra phân vùng cảnh báo lũ quét và bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở các tỉnh miền núi Việt Nam. Trao đổi với báo chí, ông Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Chủ nhiệm Đề án Điều tra đánh giá phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam cho biết, tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc hiện có 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.

Ông Lê Quốc Hùng (Ảnh: Báo Biên Phòng)
Ông Lê Quốc Hùng (Ảnh: Báo Biên Phòng)

PV: Thưa ông, ông có thể giới thiệu khái quát các đề án liên quan đến lũ quét và sạt lở đất mà Bộ TN&MT đang triển khai?

Ông Lê Quốc Hùng: Từ năm 2006 đến nay, Bộ TN&MT thực hiện song song hai dự án, một là lập bản đồ phân vùng, cảnh báo nguy cơ lũ quét của các địa phương và một bản đồ phân vùng, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở tỉ lệ tương đối nhỏ là 1/500.000 và 1/200.000.

Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” đang triển khai theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ và quy trình đề ra. Các sản phẩm chính đã hoàn thiện của bước 1 là điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000, bản đồ cấu trúc địa chất, bản đồ phân bố mưa cho 10 tỉnh miền núi bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An. Công tác điều tra, đánh giá và thành lập các loại bản đồ thành phần sẽ được tiến hành trong năm 2014-2015.

PV: Các kết quả nghiên cứu cùng với việc lập các loại bản đồ trên có ý nghĩa như thế nào đối với thực tiễn, thưa ông?

Ông Lê Quốc Hùng: Hiện nay, tình hình lũ quét, trượt lở đất đá ngày càng tăng, cả về cường độ lẫn mức độ thiệt hại. Để phục vụ các cơ quan quản lý Nhà nước, tỉ lệ nghiên cứu được tăng dần lên. Một số lưu vực khả năng lũ quét cao đã được nghiên cứu đến tỉ lệ 1/5.000. Trên đó, các tác giả đã đưa ra các kịch bản có thể xảy ra với các mức độ khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng dân cư và liên quan đến lưu vực đó để phục vụ việc cảnh báo, phòng tránh thiên tai cho người dân, nhất là trong mùa mưa, bão năm nay.

Hiện tại, trong bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá, chúng tôi hoàn thành mức độ nghiên cứu khá chi tiết ở tỉ lệ 1/50.000 và 1/25.000. Bản đồ thể hiện hiện trạng các điểm đã xảy ra sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Các sản phẩm đầu tiên này có thể dùng để phục vụ cho chính quyền và người dân địa phương biết tại vùng họ đang sinh sống có hay không có, đã xảy ra hiện tượng trượt lở đất đá hay chưa. Tuy nhiên, đó mới là sản phẩm ban đầu, sản phẩm trung gian cho các bước tiếp theo.

Trong năm 2014 và 2015, bước tiếp theo, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ tỉ lệ 1/50.000 về trượt lở đất đá sẽ được tiến hành ở một số địa phương. Trong giai đoạn đề án kéo dài đến năm 2020, cả bản đồ phân vùng trượt lở và lũ quét sẽ được xây dựng với tỉ lệ tăng dần, mức độ nghiên cứu chi tiết hơn. Hy vọng những thông tin đóng góp của Bộ TN&MT sẽ giúp cho công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai sẽ ngày càng hiệu quả.

Ảnh: SGGP
Ảnh: SGGP

PV: Lâu nay người ta nói rằng những nghiên cứu khoa học đôi khi ứng dụng trong thực tế rất khó khăn, nhất là với một công trình nghiên cứu mới như thế này. Theo ông, cần ứng dụng kết quả nghiên cứu của Bộ TN&MT trong thực tế như thế nào?

Ông Lê Quốc Hùng: Đúng là việc ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn ở nước ta hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhưng thực ra là không phải không có giải pháp. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai mô hình giáo dục cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.

Đó là chương trình mà tôi cho rằng rất hiệu quả. Các cán bộ đã sử dụng các sản phẩm của các cơ quan chức năng nghiên cứu về lĩnh vực sạt lở đất đá, lũ quét để tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, duy trì cảnh giác của người dân đối với những vùng có nguy cơ cao. Trực tiếp người dân rất khó có thể đọc và hiểu được bản đồ, nhưng nếu chương trình giáo dục cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng được tiến hành tốt thì sẽ khắc phục được khoảng cách giữa các sản phẩm mang tính khoa học và nhận thức của người dân. Tôi cho rằng chắc chắn sẽ thành công.

PV: Theo ông, để ứng dụng được những bản đồ của Bộ TN&MT vào thực tế cuộc sống cần những nỗ lực như thế nào từ phía chính quyền và người dân?

Ông Lê Quốc Hùng: Theo những gì tôi được biết, chính quyền cấp huyện, xã đã sẵn sàng. Khi chúng tôi đến làm việc, ngay lập tức chính quyền địa phương cấp huyện trực tiếp họp với chúng tôi để nghe các kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, về phía người dân, với đặc điểm đa số sống ở vùng cao, không tập trung, đi lại khó khăn, thông tin liên lạc, tuyên truyền đến với họ khó hơn.

Hơn nữa, loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất không xảy ra đều đều hàng ngày, qua một hai năm nên người dân thường quên đi các ký ức về thiên tai trước đây. Họ bắt đầu chủ quan, lại tiếp tục quay về sinh sống gần sông suối, thậm chí quay lại ở trên những khu vực trước đây đã được cảnh báo nguy hiểm và từng xảy ra sạt lở, lũ quét.

Tôi cho rằng, người dân không phải không sẵn sàng, tuy nhiên chúng ta phải thường xuyên duy trì công tác nâng cao ý thức cộng đồng. Theo tôi, các tổ chức đoàn thể phải phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các đội mang tính tự nguyện thực hiện tốt “4 tại chỗ” thì sẽ duy trì được ý thức của người dân, lúc đó công tác cảnh báo mới hiệu quả.

PV: Trong bộ bản đồ của Bộ TN&MT có thể hiện số lượng dân cư cũng như công trình hạ tầng bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Ông Lê Quốc Hùng: Thực tế, ngay từ lúc bắt đầu triển khai dự án này, Bộ TN&MT đã tính đến các yếu tố đó. Hầu hết các điều tra đầu tiên đều điều tra về cơ sở hạ tầng, các vị trí trọng điểm và các khu vực dân cư… Ví dụ, trong Đề án “Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét” tại 14 tỉnh nghiên cứu, chúng tôi đã chọn ra 36 lưu vực ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Hoặc trong đề án liên quan đến phân vùng cảnh báo trượt lở, hiện tại, những điểm trượt lở xảy ra ở các vùng dân cư đã được phân cấp, phân tích nguyên nhân… Chúng tôi đã định vị và phân cấp theo quy mô với ý nghĩa người dân nhìn thấy thế sẽ biết mình đang ở vùng nguy hiểm như thế nào.

PV: Theo ông, khó khăn nhất trong cảnh báo sớm thiên tai là gì và hình thức cảnh báo sớm nào hiệu quả và phù hợp với thực tế nước ta?

Ông Lê Quốc Hùng: Công tác cảnh báo sớm mà chúng ta đang hướng đến không phải là những cảnh báo đồ sộ, những cảnh báo đến hàng nghìn điểm. Trước mắt, chúng tôi đang nghĩ tới một hình thức cảnh báo mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện rất hiệu quả là giáo dục cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Đó chính là hình thức cảnh báo sớm cho người dân. Việc phổ biến những điểm đã xảy ra sạt lở, những điểm xảy ra lũ quét cộng với giáo dục cộng đồng tôi cho là hiệu quả và phù hợp với Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!