“Công ty ma” tiếp tay buôn lậu quặng

ThienNhien.Net – Hàng loạt “công ty ma” mọc lên như nấm để tiếp tay cho buôn lậu quặng sang bên kia biên giới khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác chống buôn lậu quặng.

Liên quan đến các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, trong cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Quốc phòng tuần qua, Trung tướng Nguyễn Đình Giang, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cho biết: Một trong những thủ đoạn bị các đối tượng sử dụng là việc hình thành các “công ty ma” nhằm hợp thức hóa cho hoạt động kinh doanh XNK, mua bán hóa đơn Giá trị gia tăng.

Về việc “công ty ma” tiếp tay cho xuất lậu quặng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã dẫn trường hợp của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận (gọi tắt Công ty Bình Thuận). Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết: Vừa qua tình trạng xuất lậu quặng có giảm, song vẫn còn tình trạng lợi dụng vận chuyển trong nội địa để tìm cơ hội xuất lậu, hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ. Qua đơn tố cáo của công dân về dấu hiệu trốn thuế và xuất lậu khoáng sản tại Công ty Bình Thuận, Tổng cục Hải quan đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và nhận thấy có dấu hiệu xuất lậu trốn thuế đối với mặt hàng khoáng sản.

Khai thác titan tại Công ty CP Đầu tư Khoáng sản - Thương mại Bình Thuận (Ảnh: Báo Lao Động)
Khai thác titan tại Công ty CP Đầu tư Khoáng sản – Thương mại Bình Thuận (Ảnh: Báo Lao Động)

Theo kết luận vụ việc của cơ quan Hải quan, có trường hợp kí hợp đồng mua bán quặng với Công ty Bình Thuận nhưng thực tế một số hợp đồng không được thực hiện theo đúng nội dung đã kí. Tuy nhiên, Công ty Bình Thuận vẫn phát hành hóa đơn và kê khai thuế đầu ra. Từ đó cho thấy có dấu hiệu lợi dụng tư cách pháp nhân của một số công ty để hợp thức hóa chứng từ đi đường với mục đích xuất bán hàng cho đối tượng khách hàng khác không rõ địa chỉ, tổ chức… Một số trường hợp thanh toán tiền mua hàng không phải do DN mua hàng kí và đóng dấu trên hợp đồng thanh toán mà do cá nhân hoặc tổ chức khác thanh toán hộ hoặc do cá nhân tự nộp tiền vào tài khoản của Công ty Bình Thuận, hợp thức hóa thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế.

Ngoài ra, một số trường hợp DN chỉ thành lập với thời gian ngắn và sau đó giải thể. Khi cơ quan Hải quan tiến hành xác minh thì giám đốc DN chỉ là những nhân viên làm nghề cắt tóc gội đầu nhưng lại kí hợp đồng mua bán quặng với Công ty Bình Thuận và không có kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương và không rõ số lượng hàng này được bán tiếp cho đơn vị nào trong nội địa hay đã xuất lậu. Trên cơ sở phân tích, Tổng cục Hải quan nhận thấy có việc buôn bán lòng vòng trong nước, nhưng một số DN chỉ kí hợp đồng mà không nhận được hàng, không thanh toán, trong khi đó tài khoản của Công ty Bình Thuận mở tại ngân hàng vẫn thể hiện đã được thanh toán.

Đó là điển hình về lợi dụng thành lập “công ty ma”, vận chuyển nội địa để xuất lậu khoáng sản. Chúng tôi đã có kết luận vụ việc và kiến nghị Tổng cục Cảnh sát sớm khởi tố vụ án-Phó Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn nói.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển, việc xuất lậu than, quặng liên quan rất nhiều đến các “công ty ma”. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng khi cấp phép, các địa phương lại không buộc DN phải đáp ứng các điều kiện đó. Chẳng hạn về điều kiện kho bãi, phần lớn DN chúng tôi đi điều tra không có tên tuổi, kho bãi thuê ở các cảng biển còn thực chất DN không có kho bãi. Nhiều công ty 7-8 năm không nộp thuế, không kinh doanh. Ví dụ Móng Cái có tới hàng trăm “công ty ma” đang tồn tại.

“Quá trình chúng tôi đi xác minh cực kì khó khăn. Cho nên đề nghị Chính phủ rà soát lại các DN sản xuất kinh doanh, không thể để tình trạng một thành phố Móng Cái lại có tới hàng trăm công ty kinh doanh than quặng. Các Sở đã cấp giấy phép cho các công ty này cũng nên rà soát lại giấy phép kinh doanh” – Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm phát biểu.

Trước tình trạng “công ty ma” hoành hành, Trung tướng Nguyễn Đình Giang, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, quản lí chặt chẽ các DN trên địa bàn, nhất là DN có đăng kí ngành nghề kinh doanh mua bán, chế biến than, quặng các loại, kịp thời phát hiện “công ty ma” để thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và xóa tên DN theo quy định của pháp luật.

Báo cáo tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 4-2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Từ cuối năm 2012 trở về trước, buôn lậu khoáng sản (quặng titan, quặng sắt) mang lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng lợi dụng vận chuyển nội địa để xuất lậu sang Trung Quốc với số lượng lớn. Tuy nhiên, từ năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 mặt hàng quặng titan, quặng sắt xuất lậu sang Trung Quốc giảm rõ rệt, do các biện pháp hạn chế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát của phía Việt Nam và cũng do giá bán bên Trung Quốc không chênh lệch nhiều so với giá bán tại nội địa.

Để xử lí, ngăn chặn việc xuất lậu khoáng sản qua biên giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lí thị trường phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 (nay là Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa trái phép trên thị trường, phát hiện và xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho hoạt động xuất lậu khoáng sản qua biên giới.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lí thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những đội tàu thuộc các công ty nhà nước, DN tư nhân và các loại phương tiện khác có dấu hiệu hoạt động buôn lậu, vận chuyển quặng và các loại khoáng sản trái phép ra nước ngoài.