Quản lý an toàn hồ đập từ công cụ pháp lý

ThienNhien.Net – Chỉ vỡ đê quai của một thủy điện nhỏ, cả vùng hạ du đã chịu thiệt hại lớn. Vậy mà, trên toàn quốc có đến hàng nghìn hồ đập đang đứng trước nguy cơ mất an toàn. Trong bối cảnh ấy, Nghị định 72/2007/NÐ-CP ra đời, nhưng chỉ sau sáu năm đã bộc lộ những bất cập. Ðể vận hành được an toàn hồ đập, điều kiện cần và đủ chính là một nghị định thay thế đủ mạnh, đi kèm với chế tài phân định cụ thể. Sinh mạng và tài sản của người dân vùng hạ du đang trông vào những quyết sách đúng đắn, kịp thời.

Thiếu nhất quán trong quy hoạch

Trong số gần 7.000 hồ đập các loại trên phạm vi cả nước có tới hơn 1.000 hồ đập thủy điện. Chiếm đến 90% trong số đó là đập nhỏ dưới 30 MW. Ðó chỉ là phác thảo chung. Nhưng nếu đi vào những con số cụ thể mà chương trình giám sát của Quốc hội năm 2013 đưa ra sẽ thấy một thực tế đáng báo động: Có tới 30% thủy điện nhỏ chưa được kiểm định về mặt an toàn, 66% chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt và 55% số đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, cơ quan quản lý nhà nước về thủy điện, nhiều hồ, đập của thủy điện nhỏ đang tiềm ẩn những rủi ro cho vùng hạ du do buông lỏng công tác quản lý. Còn trong một văn bản trình Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại lý giải, chính quá trình phát triển đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn thiện và việc quản lý khai thác đập và hồ chứa thiếu kiểm soát chặt chẽ đã gây thiệt hại cho sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân hạ du, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Cụm từ về “uy tín của cơ quan quản lý” được bộ này nhắc tới, mang đến một góc nhìn khác trong câu chuyện quản lý và vận hành các hồ chứa. Ðiểm bất cập lớn trong Nghị định 72 là thay vì phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính, lại đi chia đều nhiệm vụ cho hai bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương (trước đây là Bộ Công nghiệp). Do mục đích khai thác, sử dụng nguồn nước khác nhau nên mỗi bộ đều có quy hoạch riêng, dù ngay trên cùng một lưu vực sông, dẫn đến việc khảo sát, phê duyệt các công trình xây dựng hầu như được tiến hành một cách riêng lẻ, gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn đập sau này. Một dàn nhạc có đến hai nhạc trưởng thì khó “chơi” ra sao! Vậy nên, cho dù gặp nhau ở quan điểm “bảo đảm an toàn đập, hồ chứa để qua đó bảo đảm an toàn vùng hạ du”- vốn đã trở thành vấn đề nóng hổi, đòi hỏi phải có sự hoàn thiện khẩn trương về khuôn khổ pháp lý đối với công tác này – nhưng nói đến sự hợp tác để hoàn thiện khung pháp lý thì còn rất khó khăn. Câu chuyện làm sao để bảo đảm được uy tín của cơ quan quản lý cũng theo đó mà càng trở nên thách thức.

Thủy điện Sông Bung (Ảnh: ThienNhien.Net)
Thủy điện Sông Bung (Ảnh: ThienNhien.Net)

Chồng chéo trong cơ chế

Nghị định 72 được ban hành chưa đủ sức kiến tạo môi trường pháp lý cho thực thi an toàn đập, nhất là những bất cập từ khâu xây dựng chính sách. Trước hết, đó là sự chồng chéo trong cơ chế. Bởi muốn bảo đảm an toàn đập thì các giải pháp kỹ thuật từ khi khảo sát, lập hồ sơ, thi công xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng phải được tiến hành ngay từ đầu và có cơ quan chuyên môn sâu thực hiện, ví như Bộ Xây dựng chẳng hạn. Thế nhưng, Nghị định 72 lại chưa đề cập đến những nội dung thiết yếu đó, mà mới dừng ở khâu an toàn sau vận hành nhiều hơn là trước và trong quá trình xây dựng đập. Ðiều ấy giống như thể quản lý phần ngọn thay vì từ gốc.

Thêm vào đó, một số quy định tại Nghị định 72 không còn phù hợp và cũng không còn đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Nghị định 114/2010/NÐ-CP ngày 6-12-2010 về bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 15/2013/NÐ-CP ngày 6-2-2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư 10/2013/TT-BXD…

Những cơ chế bảo đảm cho thực thi tiếc thay cũng chưa được quy định trong Nghị định 72, như đâu là nguồn tài chính duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố khi xảy ra vỡ đập, thiệt hại cho cư dân. Ngay các chế tài về công tác cung cấp thông tin công khai minh bạch, chế tài xử phạt các chủ đập không tuân thủ các quy định của Nhà nước…, cũng thiếu vắng trong Nghị định này.

Ðợi đến bao giờ?

Những bất cập trong nội dung của Nghị định 72/2007/NÐ-CP đã được các cơ quan chức năng nhìn nhận. Vì vậy, một nghị định thay thế đã được khởi thảo từ khoảng giữa năm 2013. Nhưng cho đến nay, nhiệm vụ cấp thiết này còn đang ở khâu trình Chính phủ xem xét, quyết định. Theo tin từ ban soạn thảo, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 nêu ra nhiều điểm mới trong quản lý an toàn đập. Theo đó, phải gồm quản lý trong giai đoạn xây dựng và cả khi đưa vào vận hành. Phân cấp rõ nhiệm vụ, thẩm quyền cho các bộ, ngành, địa phương; trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ đập, chủ quản lý đập đối với đập mới và đập đã đưa vào sử dụng; làm rõ hơn các quy định liên quan đến quy trình vận hành hồ chứa; vận hành đập; quan trắc; kiểm tra; báo cáo hiện trạng; kiểm định an toàn; khôi phục, sửa chữa, nâng cấp đập; phạm vi phương án bảo vệ đập…; kinh phí thực hiện công tác quản lý an toàn đập. Ðơn cử như trong giai đoạn thiết kế – xây dựng, ngoài các quy định khác, chủ đầu tư phải thiết lập các hạng mục cần thiết và có phương án giải quyết trong tình huống khẩn cấp; trang bị hệ thống thông tin liên lạc và thiết bị, vật tư, dụng cụ dự phòng cần thiết bảo đảm an toàn đập; bố trí thiết bị quan trắc, đo mưa, đo mực nước chứa, nhất là xây dựng bản đồ ngập lụt ứng với các kịch bản xả lũ và vỡ đập, cũng như kịch bản, kế hoạch ứng cứu cho vùng hạ du.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quản lý an toàn đập là công việc thường xuyên, liên tục, có ảnh hưởng và liên quan đến nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, nên nhất thiết phải có một cơ quan liên ngành giúp việc Chính phủ nằm trong một bộ. Bên cạnh đó, cần đưa các chế tài cụ thể để xử lý các chủ thể liên quan trong việc không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn đập. Có như vậy mới đẩy mạnh việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, khắc phục những tồn đọng bấy lâu nay.

Làm sao để không lặp lại thảm họa vỡ đập Ia Krel 2, điều ấy phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng và thời điểm ban hành của Nghị định thay thế! Xem ra không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp chờ đợi với bản nghị định này. Chính những cư dân vùng hạ du ở biết bao con sông cũng đang chung niềm đau đáu, điều gì sẽ giúp họ ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.