Cà Mau tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, các hiện tượng thiên tai cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) xuất hiện ngày càng nhiều tại tỉnh Cà Mau gây thiệt hại nặng đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, nhất là vùng ven biển. Để chủ động đối phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, đầu tư nhiều công trình nhằm thích ứng với BĐKH…

Sạt lở đất gia tăng

Bao bọc bởi Biển Đông và Biển Tây với chiều dài bờ biển hơn 254 km, tỉnh cực nam Cà Mau chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ BĐKH. Theo Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai: Trong những năm gần đây, tỉnh thường xuyên phải đối mặt với thiên tai nguy hiểm như mưa dông, gió lốc, triều cường, sạt lở đất; nhất là trong mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới… Với độ cao mặt đất thấp hơn mặt biển, cho nên chế độ thủy văn trên địa bàn tỉnh Cà Mau rất phức tạp; hình thành một hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt. Toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn km sông, kênh rạch đan xen nhau, trong đó có gần 100 con sông từ biển dẫn sâu vào nội địa. Khi triều cường, nước biển theo các con sông xâm nhập sâu vào bên trong làm ảnh hưởng đến hầu hết các vùng sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp, nhất là vùng sinh thái nuôi trồng hệ ngọt; đồng thời gây sạt lở đất ở nhiều nơi trong tỉnh.

Từ đầu năm 2014 đến nay, tác động của BĐKH trên địa bàn Cà Mau ngày càng tăng lên. Tình trạng sạt lở ven biển, khu dân cư ven sông diễn biến rất phức tạp, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, trong khi khả năng nguồn lực ứng phó của tỉnh còn hạn hẹp. Thiên tai đã làm 13 phương tiện khai thác hải sản bị chìm, 447 căn nhà dân bị sập và hư hỏng; trong đó sạt lở đất ven bờ sông, lốc xoáy làm sập gần 100 căn nhà của dân, một bến tàu, 46 bể sản xuất tôm giống; làm chết bốn người và bị thương hai người; tổng giá trị tài sản thiệt hại gần tám tỷ đồng.

Các huyện ven biển: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển thường xuyên bị sạt lở đất ven sông. Ngoài những điểm xung yếu bị sạt lở đất ven sông, Cà Mau còn rất nhiều điểm sạt lở ở bờ Biển Đông và Biển Tây, làm cho rừng phòng hộ ven biển từng ngày co hẹp, mất trắng; nhất là tại tuyến đê Biển Tây từ xã Khánh Hội, huyện U Minh đến giáp ranh tỉnh Kiên Giang. Theo khảo sát mới đây của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 80% chiều dài bờ Biển Đông và Biển Tây bị sạt lở với hơn 111 km; trong đó có 41 km sạt lở nghiêm trọng; 17 km đê Biển Tây sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, tập trung tại khu vực xã Khánh Tiến, Khánh Bình, Tây Bắc và xã Tân Hải thuộc các huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh. Ở bờ Biển Đông, khu vực sạt lở là ven biển xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển và xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi với chiều dài gần 9 km… Năm nào tỉnh Cà Mau cũng phải đối mặt với tình trạng sạt lở mỗi khi bước vào mùa mưa bão.

Qua nhiều năm, dồn sức, nhưng do nguồn vốn của địa phương hạn hẹp cho nên tỉnh chỉ có các phương án đối phó, khắc phục tạm thời, chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng lan rộng. Theo ghi nhận của ngành chức năng, do BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp, từ năm 2007 đến nay, gần bốn nghìn ha rừng phòng hộ bờ biển đã bị mất. Nếu tình trạng này không được khắc phục, dự báo trong thời gian tới sẽ có gần 100 nghìn ha đất sản xuất của tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập sâu…

Giải pháp giảm thiệt hại

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tỉnh đã triển khai chín dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống xói lở các cửa biển, bờ sông ở các khu vực biển Khánh Hội, Biển Tây, sông Gành Hào, sông Năm Căn, Mũi Cà Mau,… nhằm bảo vệ các cụm dân cư ven biển. Trong đó đã hình thành ba dự án tái định cư và di dời hơn 200 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới sinh sống ổn định. Tuy nhiên, tại một số khu tái định cư, công tác triển khai còn nhiều hạn chế bởi vẫn còn hàng nghìn hộ dân định cư ven sông; các tuyến bờ kè, đê biển chưa được hoàn thành sẽ gặp không ít khó khăn trong mùa mưa bão. Để khắc phục và bảo vệ tài sản, tính mạng người dân trong vùng sạt lở, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện nhiều giải pháp như đầu tư trồng rừng phòng hộ, xây dựng hơn 17,2 km bờ kè với mức đầu tư hơn 510 tỷ đồng; thực hiện các dự án tái định cư ven biển để sắp xếp, bố trí tái định cư các hộ di dân tự do, các hộ ở cửa sông, ngoài đê biển… Hiện, tỉnh Cà Mau còn thiếu vốn để đầu tư cho các dự án này, cả về nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương lẫn vốn đối ứng của địa phương, tỉnh cần sự hỗ trợ kịp thời nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành trung ương.

Qua nhiều năm xây dựng, đến nay đê Biển Tây vẫn chưa được nâng cấp toàn diện. Toàn tuyến đê đã và đang xuống cấp trầm trọng; cao trình đê bị lún dần… Nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung sửa chữa, gia cố lại những nơi bị sóng biển gây sạt lở nặng. Cách làm vẫn chỉ là giải pháp tình thế, thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao và tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn mỗi khi mùa mưa bão đến. Để đối phó với BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay, để bảo vệ an toàn đê Biển Tây, tỉnh đã và đang thi công kè kiên cố bằng vật liệu có độ bền cao, như: kè bản nhựa, kè bê-tông, kè ngầm bằng cọc ly tâm… tạo bãi để trồng lại rừng hộ đê tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao: khu vực nam Đá Bạc, Vàm Giáo Bảy, Cái Cám, Hương Mai, Lung Ranh, Khánh Tiến với chiều dài gần 8 km. Ông Nguyễn Văn Phước, ở xã ven biển Khánh Tiến, huyện U Minh cho biết: Hiện, một số đoạn đê biển kè xong trước đây đã tạo được bãi bồi lắng, nhiều loại cây rừng đã có dấu hiệu hồi sinh, bước đầu phát huy hiệu quả chắn sóng, hộ đê tốt. Chính vành đai rừng phòng hộ ven biển là lá chắn vững chắc nhất để bảo vệ an toàn đê biển, người dân yên tâm, giảm nỗi lo sống chung với BĐKH. Người dân các xã ven biển đề nghị tỉnh Cà Mau phát huy, nhân rộng mô hình, cách làm này.

Theo tính toán, việc xây kè kiên cố rất tốn kém, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, vượt quá khả năng của ngân sách địa phương. Đồng thời, để bảo vệ tuyến đê và vành đai rừng phòng hộ Biển Tây một cách bền vững vấn đề đặt ra là phải giải tỏa, tạo chỗ ở, công ăn việc làm cho hơn 2.600 hộ dân đến nơi ở mới và rất cần được hỗ trợ nguồn vốn để điều động, bố trí lại dân cư. Việc cần làm ngay là giải tỏa những hộ dân xây cất nhà trái phép trên phần thân đê và hành lang an toàn đê biển; sắp xếp bố trí dân cư khu vực rừng phòng hộ Biển Tây vào các khu tái định cư để có cuộc sống ổn định lâu dài. Ngoài ra, Cà Mau còn có 80 km đê Biển Đông chưa được đầu tư và đến nay vẫn là tuyến đê tạm bợ, không có khả năng chống chọi với BĐKH từ triều cường, sóng to, nước biển dâng… Năm 2014, tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng hơn 6 km các loại kè tạm chắn lở các khu dân cư 2,7 km kè kiên cố chống sạt lở tại Mũi Cà Mau và 14 km đoạn kè đê Biển Tây từ xóm Tiểu Dừa đến Hương Mai, huyện U Minh với nguồn vốn dự kiến khoảng 100 tỷ đồng, nhưng vì thiếu vốn, nhiều công trình còn dở dang.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho biết: Trên cơ sở các chiến lược, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh triển khai xây dựng các giải pháp thông qua 39 dự án ưu tiên cấp thiết với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 5.700 tỷ đồng. Trước mắt, tỉnh tổ chức triển khai các công trình trọng điểm như: đê, kè bảo vệ, phòng, chống sạt lở đất vùng cửa sông, cửa biển xung yếu, quản lý tổng hợp vùng ven biển, khôi phục diện tích rừng ven biển, kè tạo bãi trồng rừng… Mục tiêu đến năm 2020 phát triển rừng bền vững, trồng và bảo vệ rừng đi đôi với khai thác hợp lý tài nguyên rừng và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng… Công tác ứng phó, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai từ BĐKH được tỉnh coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tỉnh Cà Mau kiến nghị với Chính phủ, Bộ NN và PTNT cần ưu tiên nguồn vốn để tỉnh tiếp tục xây dựng kè đê biển kiên cố chống sạt lở ở nơi xung yếu và bồi trúc, nâng cấp toàn diện tuyến đê Biển Tây dài gần 109 km, nhằm bảo vệ an toàn cho khoảng 26.160 hộ dân sống ven biển và 128.972 ha đất sản xuất, với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Thời gian qua, nguồn vốn được T.Ư cấp rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bức thiết đặt ra, trong khi tình trạng sạt lở bờ biển phía tây diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều đoạn đê bị sạt lở, nguy cơ vỡ đê rất cao gây mất ổn định đời sống nhân dân. Nguồn vốn đã được cấp chỉ tập trung tạm thời khắc phục sạt lở, cho nên chưa có kinh phí để đầu tư nâng cấp tuyến đê. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án từ nay đến năm 2015 nhằm mở mang phát triển kinh tế biển, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản người dân trước tình hình BĐKH phức tạp tỉnh cần có nguồn vốn 650 tỷ đồng.