Không “khéo co” thì thiếu điện

ThienNhien.Net – Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, trong tháng 6, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở miền bắc thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Thời tiết bất thường có nguy cơ tác động xấu đến ngành điện trong năm nay. Lưu lượng nước về hồ Thủy điện Sơn La dao động ở mức thấp, khoảng 968 m3/giây (TBNN là 2.000 m3/giây). Chưa có năm nào nước về tháng 6 lại thấp như vậy. Trên nhánh chính lưu vực sông Ðà năm nay không có lũ tiểu mãn và mùa lũ vẫn chưa bắt đầu. Các hồ thủy điện miền bắc khác cũng vẫn chưa có lũ.

Lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở miền trung, Tây Nguyên xấp xỉ và thấp hơn TBNN. Theo đánh giá của A0, trong tháng 7, tổng sản lượng thủy điện theo nước về tháng 7 là 6,445 tỷ kW giờ, thấp hơn 0,906 tỷ kW giờ so với kế hoạch năm. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – thủy văn T.Ư, nửa cuối năm 2014 đến đầu mùa khô năm 2015, thời tiết có khả năng diễn biến theo chiều hướng xấu, En Ni-nô và nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác có khả năng xảy ra, sẽ tác động tiêu cực sản xuất và cung ứng điện. Trong mùa khô năm 2014 – 2015, nguồn nước trên phần lớn các hệ thống sông ở Trung Bộ có khả năng thiếu hụt lớn so với TBNN cùng kỳ từ 40 đến 80%, thậm chí có nơi hơn 80%.

Ðó là chưa kể, Talisman – chủ giàn khí PM3 – Cà Mau thông báo ngừng cấp khí để sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ từ ngày 6 đến 19-7. Như vậy, sản lượng khí cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau cũng bị sụt giảm, trong khi nhà máy này cũng đang dự kiến ngừng chạy máy để bảo dưỡng định kỳ. Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đang nỗ lực cân đối các nguồn khí khác phục vụ phát điện. Ðiện thì không thiếu, sẽ không phải tiết giảm, cắt điện luân phiên như trước đây, song để bảo đảm không hụt sản lượng đó, ngành điện sẽ phải đổ dầu phát điện.

Ảnh: Kinhtemoitruong.vn
Ảnh: Kinhtemoitruong.vn

Ðiều đó đặt ra cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) phải bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội cũng như đời sống của nhân dân bằng cách huy động tối đa nguồn nhiệt điện than, tua-bin khí, và buộc phải phát điện bằng dầu DO, FO giá cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải. EVN phải yêu cầu các nhà máy nhiệt điện kiểm tra máy móc thường xuyên, bảo đảm các tổ máy vận hành liên tục, an toàn, không xảy ra sự cố. Các công trình lưới điện truyền tải cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ, trong đó các địa phương, nhất là các chính quyền cấp huyện cần vào cuộc quyết liệt, bàn giao sớm mặt bằng và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho các đơn vị thi công đường dây.

Bên cạnh các giải pháp trong sản xuất thì cũng phải coi trọng giải pháp tuyên truyền sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Ðể tiết kiệm điện thật sự chuyển biến sâu rộng hơn thì cần thúc đẩy kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cần làm cho các doanh nghiệp nhận thức được rằng, máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu thì tiêu tốn nhiều năng lượng, không hiệu quả và lãng phí tài nguyên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã có chuyển biến nhận thức trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.