Tăng cường hợp tác bảo vệ tài nguyên giữa các thành phố châu Á

ThienNhien.Net – Các thành phố ở châu Á đang cùng tìm cách quản lý sự chuyển hóa của đô thị trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên hạn chế, giảm khoảng cách tỉ lệ nghịch giữa sử dụng nguồn lực đô thị và giữ sự phát triển đô thị bền vững, qua đó, cố gắng tạo nên những thành phố đáng sống trong tương lai.

Từ ngày 25-27/6 tại TP. Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khu vực lần thứ ba về “Hiệu quả tài nguyên tại các thành phố châu Á: Mối quan hệ đô thị Đà Nẵng/Việt Nam hôm nay”, do tổ chức GIZ, thuộc Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ) tài trợ.

Thành phố Đà Nẵng (Ảnh: pystravel.com)
Thành phố Đà Nẵng (Ảnh: pystravel.com)

Dân số đô thị ở châu Á hiện đang tăng lên 44 triệu người mỗi năm. Vì vậy, các đô thị ở châu Á đang đối mặt với hiện trạng phát triển thiếu bền vững khi tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mang đến nhiều thách thức đối với nguồn cung đô thị và các tiện ích cho người dân: Vệ sinh và cấp nước, cung cấp năng lượng và an ninh lương thực.

Hệ thống vệ sinh và cấp nước, cung cấp năng lượng và hiệu quả năng lượng, sử dụng đất và an ninh lương thực tại các thành phố châu Á đang trong tình trạng nguy kịch. Điều này đe dọa đối với sự phát triển bền vững của từng thành phố, từng quốc gia nói riêng và toàn châu lục nói chung.

Trước thực trạng trên, GIZ hỗ trợ kỹ thuật cho 10 thành phố của 6 nước châu Á (Mông Cổ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines) về phát triển bền vững liên quan đến nguồn nước, năng lượng và an ninh lương thực, nông nghiệp đô thị. Dự án mang tên Nexus được triển khai trong 3 năm (2013-2015), giúp các đô thị phân loại rác thải nguồn, xử lý và tái chế chất thải, đảm bảo an ninh nguồn nước…

Đây là nền tảng giúp lãnh đạo các thành phố thúc đẩy việc triển khai hiệu quả việc lập kế hoạch quản lý tài nguyên đô thị tổng hợp trong các lĩnh vực trên.

Tại Đà Nẵng, GIZ-Nexus hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý đối với vấn đề xử lý nước thải và quản lý nông nghiệp đô thị: Thu gom nước thải bằng công nghệ chân không, xử lý nước thải (sản xuất khí sinh học biogas) và sử dụng sản phẩm phụ (nước tưới tiêu và phân bón từ các nhà máy sản xuất khí sinh học) cho nông nghiệp đô thị.

Tại Hội thảo lần này, các chuyên gia và đại diện các thành phố trực thuộc dự án cùng trao đổi, thảo luận tiến độ mà dự án đang triển khai, kinh nghiệm, thách thức và đối sách để khắc phục nó.

Hội thảo cũng rà soát các chính sách và chương trình hiện tại hỗ trợ phương pháp tiếp cận Dự án Nexus tại các nước tham gia và thảo luận các yếu tố của khuôn khổ chính sách quốc gia cần thiết để thúc đẩy các sáng kiến đô thị phát triển mạnh.