Quảng Nam: Vàng tặc vẫn lộng hành

ThienNhien.Net – Từ Đà Nẵng, mất đến hơn nửa ngày chạy xe máy, chúng tôi mới đến được xã rẻo cao Đắc Pring, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam – Lãnh địa của vàng tặc. Mảnh đất đang bị vàng tặc cày xới, tàn phá không thương tiếc chỉ cách Đồn Biên phòng Đắc Pring chừng sáu cây số. Nhưng để vào được đây không đơn giản…

Đột nhập lãnh địa vàng tặc

Con đường tuần tra biên giới, khởi đầu ngay trước mặt trụ sở UBND xã Đắc Pring, đầy ổ gà, ổ voi. Ông Hiền Hôn (nguyên Trưởng Công an xã Đắc Pring), ở thôn 48, xã Đắc Pring cho biết, con đường đã bị các loại phương tiện vận chuyển và máy múc phục vụ khai thác vàng trái phép, cày xới, phá nát từ hơn 3 năm nay. Sau 2 giờ đồng hồ đánh vật với con đường, chúng tôi mới chỉ đặt chân đến được chiếc cầu treo đầu tiên bắc qua sông Thanh, xã Đắc Pring. Từ chân cầu, con đường sâu vào bên trong, dựng ngược lên trời. Bò qua hết đoạn đường này, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh cây cối hai bên đường bị chặt và đốt trụi.

Để vận chuyển khối lượng lớn vật tư thiết bị phục vụ đào đãi vàng trái phép ở đây, vàng tặc đã sử dụng hàng chục máy múc đào, san đồi núi, mở mới hàng km đường, nối từ trục đường tuần tra biên giới xuống các khe suối nằm sâu trong rừng. Ngay khi chúng tôi “trượt” xuống con dốc dựng đứng , ba người của bãi vàng đang ở đó, đã chặn hỏi. Mặc dù không “gây khó khăn”, song cả ba người đều từ chối cung cấp thông tin về hoạt động của bãi vàng, cũng như ai đang chỉ huy công trường ở đây. Tuy nhiên, sau này chúng tôi biết được người tên Vinh, chặn chúng tôi đầu tiên để hỏi, chính là chủ bãi vàng Khe Lên. Vinh cùng với một đối tượng khác tên Mai, đều trú huyện Nam Giang đã khai vàng trái phép, liên tục từ đầu năm 2012 đến nay, tại Khe Lên và nhiều khe suối khác ở các vùng rừng núi thuộc xã Đắc Pring. Riêng tại Khe Lên, thời điểm giữa tháng 6-2014, có tới 3 máy xúc, 3 giàn đãi vàng, hàng chục máy nổ, lán trại và 26 thùng phuy chứa đầy dầu diesel. Cùng với đó là khoảng 20 công nhân đang làm thuê cho chủ bãi vàng nói trên.

Hỏi về nguyên nhân vàng tặc lộng hành, ông Hiền Hôn, ở thôn 48, Đắc Pring buồn bã: “Chính quyền, cơ quan chức năng có thế nào thì vàng tặc mới vào được đó để khai thác vàng trái phép. Người dân đã rất nhiều lần lên tiếng, song đều không có kết quả. Hậu quả là nguồn nước bị ô nhiễm; lũ ống, lũ quét càng ngày càng hung dữ”.

Vàng tặc tàn phá tan hoang núi rừng Đắc Pring, huyện Nam Giang (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Vàng tặc tàn phá tan hoang núi rừng Đắc Pring, huyện Nam Giang (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Tan hoang Khu Bảo tồn tự nhiên sông Thanh

Suốt từ năm 2012 đến nay, các đối tượng Mai, Vinh trú huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức khai thác vàng trái phép ồ ạt, tàn phá tan hoang Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) sông Thanh ở địa bàn 2 xã Đắc Pring và Đắc Pre, huyện Nam Giang. Nhưng chính quyền, ngành chức năng đặc biệt Phòng TN&MT huyện Nam Giang, Đồn Biên phòng 661 đóng trên địa bàn xã Đắc Pring và Ban Quản lý Khu BTTN sông Thanh, đã “bó tay”.

Cách Khe Lên vài chục mét là khu vực Khe Nhiên, đối tượng Mai và Vinh cho khai thác vàng trái phép theo hình thức “cuốn chiếu”. Chúng sử dụng hàng loạt máy múc công suất lớn, nhiều giàn đãi vàng, máy nổ… để khai thác vàng triệt để hết đoạn suối này đến đoạn suối khác, sâu vào bên trong khu bảo tồn hàng chục cây số. Khai thác xong, nhằm tránh những đoạn suối hẹp, nhiều đá tảng và hiểm trở, chúng đào phá cây rừng, múc hạ đất đồi núi thành đường lớn, di chuyển máy móc vào các đoạn suối mới tiếp theo.

Suốt hơn 10 giờ đồng hồ chúng tôi mới lội hết được khu vực Khe Nhiên. Nhìn khắp nơi trước mặt, xung quanh đều một màu đất, nước đỏ quạch; cây rừng bị đào hạ ngổn ngang, la liệt. Ông Nguyễn Trí, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN sông Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh cho biết, xã Đắc Pring có 28 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp, trong đó 23 nghìn héc-ta có rừng với 7 tiểu khu thuộc vùng lõi Khu BTTN sông Thanh. Năm 2013, Ban Quản lý Khu BTTN sông Thanh và HKL rừng đặc dụng sông Thanh xử lý không nổi nên cầu cứu tỉnh. Trong các năm 2012, 2013 và 5 tháng đầu năm 2014, BQL và HKL đã tổ chức hàng chục đợt truy quét, đập phá 19 máy xúc, nhiều máy nổ, tháo dỡ nhiều lán trại. Nhưng đâu lại vào đó.

Ông Trí thẳng thắn: “Hoạt động truy quét, đẩy đuổi, xử lý vàng tặc ở đây không hề đơn giản. Mình cầm cái búa đập máy của chúng thôi nhưng cũng phải “nhìn trước nhìn sau”. Bởi không khéo việc đập phá máy móc của chúng sẽ là “tự đập búa vào đầu mình”(!) Ngoài ra, để vào rừng núi Đắc Pring, con đường duy nhất phải qua Đồn Biên phòng Đắc Pring”…

Chúng tôi đem vấn nạn “vàng tặc” ở Đắc Pring trao đổi với Thượng tá Nguyễn Minh Chánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắc Pring, ông phân trần: “Truy quét, đẩy đuổi vàng tặc ở đây khó lắm, do nó liên quan và nhạy cảm với nhiều cấp nhiều ngành…”. Ở một diễn biến khác, nguồn tin do chúng tôi thu thập được thì “vàng tặc” vào vô tư khai thác vàng trái phép là do nhận được sự chống lưng của một số người có chức quyền và nghề nghiệp liên quan.